Ngư dân trúng đậm mực khơi

Theo ngư dân Nguyễn Văn Thanh (58 tuổi, ở thôn Tân Dinh), Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, gần một tháng qua ngoài vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An, cách đất liền khoảng 18 đến hơn 20 hải lý xuất hiện rất nhiều luồng mực và các tàu ra vùng này khai thác đều trúng đậm mực với số lượng lớn, sau 5 - 6 ngày đã đầy khoang và vận chuyển về các cảng cá được thương lái thu mua tại chỗ với giá cao.
Đây là mùa vụ trúng đậm mực nhất trong mấy năm trở lại đây, mang lại thu nhập cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu về 60 - 80 triệu đồng mỗi chuyến đi, nên ngư dân rất phấn khởi. Còn ngư dân Trường Giang (63 tuổi, ở xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân), chủ hai tàu cá HT90001TS và HT90002TS, công suất 300CV/tàu cho biết, từ tháng 6 đến nay mỗi chuyến đi biển đánh bắt được ít cá, nhưng bù lại đều “tóm” được hàng tạ mực ống, thu được hàng trăm triệu đồng.
Phát hiện được luồng mực nên cứ cập bến xong bán sản phẩm là 5 đội tàu của ngư dân ở xã Xuân Hội lại tiếp tục quay trở ra vùng biển Hòn Mắt đánh bắt và thuyền nào cũng tiếp tục trúng đậm mực. Phấn khởi hơn là chi phí khai thác giảm, hải sản lại được giá cao, bình quân đạt hơn 200.000 đồng/kg mực…
Ông Dương Trọng Bình, Phó Chủ tịch Hội nông dân, kiêm phụ trách tàu thuyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, đợt này ngư dân trúng đậm “lộc biển”, chủ yếu là loại mực ống. Mỗi tàu (có 6 - 7 thuyền viên) ra khơi chừng 1 tuần đều khai thác được từ 4 - 6 tạ mực, vận chuyển về các bến cảng bán tại chỗ cho thương lái với giá thấp nhất 175.000 đồng/kg, cao nhất 220.000 đồng/kg, mực to nhất gần 1kg/con, bình thường từ 3 - 5 con/kg. Sau khi trừ chi phí, thuyền viên đều “bỏ túi” trên 5 triệu đồng/người.
Trong 1 tháng qua, mỗi ngày có 7 - 10 tàu của xã Thạch Kim trúng đậm hàng chục tấn mực, mang về tổng nguồn thu toàn xã trên 5 tỷ đồng. Trong đó, được nhiều nhất là tàu HT90113TS của ngư dân Trần Đình Yên, ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà khai thác mực đạt trên 1,5 tấn, thu về hơn 320 triệu đồng, tiếp đó là tàu HT90146TS của ngư dân Trương Quang An, cũng ở xóm Xuân Phượng, khai thác được hơn 1 tấn mực, thu về hơn 200 triệu đồng…
Còn ông Trần Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho biết, gần 1 tháng qua, ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi chuyến ra khơi 5 - 6 ngày, nhiều tàu kiếm được 80 triệu đồng, tàu ít cũng có 50 - 60 triệu đồng. Sản lượng vụ thủy hải sản năm nay toàn xã đạt khoảng 800 tấn, trong đó mực chiếm hơn 1/2, còn lại là các loại hải sản khác. Riêng sản lượng mực thì gấp 3 lần so với vụ trước. Mặc dù sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng gần 2 lần bởi sản phẩm mực có giá bán khá cao...
Việc liên tiếp được mùa mực ống, kết hợp với sau khi các tàu vào cập bến, cánh thương lái (chủ yếu là chị em phụ nữ) đổ về tiếp cận thu mua tại chỗ nhanh chóng và bán được với giá cao, càng khích lệ ngư dân phấn khởi, tạo niềm tin để đầu tư nâng cấp thêm tàu thuyền, ngư cụ yên tâm bám biển, bám ngư trường lâu dài. Ngoài ra, còn tạo nhiều công ăn việc làm, nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận người dân địa phương đang tham gia phục vụ, kinh doanh hậu cần nghề cá trên bờ…
Theo ông Trần Xuân Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, những tháng gần đây, các loại tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên hoạt động liên tục với các nghề câu, lưới kéo, vó, lồng bẫy, chụp mực đã góp phần quan trọng tăng sản lượng và trị giá sản xuất. Tổng sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 17.000 tấn, trị giá 539 tỷ đồng, đạt 53,36% so kế hoạch năm 2015, tăng 13,47% so cùng kỳ năm 2014.
Có thể bạn quan tâm

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu việc huy động đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM) của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân.

Truy xuất nguồn gốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với người nuôi tôm nhằm xác định mua giống đúng địa chỉ, đảm bảo chất lượng, kiểm soát dịch bệnh. Đây là một trong những yếu tố quyết định 50% thành bại của vụ nuôi.

Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các Bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý.

Tại hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 3.11 tại TP.Bảo Lộc, một trong các giải pháp được nêu ra là phải liên kết để cứu ngành chè.

Gần đây, trong khi Việt Nam đang loay hoay tìm cách xây dựng và phát triển thương hiệu gạo thì Campuchia, với sự hỗ trợ của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu gạo của riêng họ.