Xứng Đáng Với Tiếng Thơm Của Chè Thái
Là địa phương đứng thứ 3 của tỉnh về diện tích trồng chè với sản lượng khoảng 32 nghìn tấn/năm, cộng với sự hình thành phương thức sản xuất chè từ rất sớm, huyện Đồng Hỷ đã trở thành một trong những “cái nôi” của mảnh đất “Đệ nhất danh Trà”. Để xứng đáng với “tiếng thơm” đó, người làm chè Đồng Hỷ không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng cây chè và các sản phẩm trà, góp phần làm nên thương hiệu chung cho ngành Chè Thái Nguyên.
Người làm chè huyện Đồng Hỷ luôn ý thức phải làm ra những sản phẩm tốt nhất để giữ thương hiệu và xứng đáng với “tiếng thơm” của cả ngành Chè Thái Nguyên.
Nói tới chè Đồng Hỷ, người ta thường nhắc đến sản phẩm trà Trại Cài. Đây là một trong “tứ đại danh trà” của Thái Nguyên được nhiều người thưởng trà biết đến. Trà Trại Cài có vị đặc biệt riêng với hương cốm, nước sánh vàng mật ong, uống vào có độ chát vừa phải, ngọt về sau. Vùng chè Trại Cài, thuộc xã Minh Lập hiện đứng đầu bảng về chất lượng sản phẩm trà của toàn huyện. Cả vùng chè này hiện có trên 600ha chè kinh doanh với sản lượng bình quân khoảng 7.200 tấn/năm.
Cùng với Trại Cài - Minh Lập, Đồng Hỷ đã và đang tập trung phát triển ngành Chè tại 16/18 xã, thị trấn của huyện với tổng diện tích khoảng 3.000ha chè kinh doanh. Huyện được thiên nhiên ưu đãi cả về thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu đều rất phù hợp với trồng cây chè. Bởi vậy, nguyên liệu chè (búp tươi) của các vùng chè trong huyện đều có được phẩm cấp và chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu sản xuất chè xanh đặc sản phục vụ thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Bên cạnh sự ưu đãi của thiện nhiên, người làm chè trong huyện cũng luôn có ý thức tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái và chế biến. Với bàn tay khéo léo, tinh xảo, các nghệ nhân nghề chè trong huyện đã tạo ra những sản phẩm trà hảo hạng, rất thơm ngon và an toàn. Chị Đặng Thị Huyền, một trong những người làm chè ở vùng chè nổi tiếng Minh Lập cho rằng, những người làm chè như chị luôn ý thức, phải cố gắng làm ra các sản phẩm tốt nhất để duy trì và phát triển thương hiệu chè địa phương. Bởi nếu không giữ được thương hiệu thì đồng nghĩa với việc thu hẹp thị trường và giảm sút thu nhập của người làm chè.
Thời gian qua, trước những thăm trầm của ngành Chè cả nước, cây chè Đồng Hỷ vẫn luôn tìm được chỗ đứng quan trọng trên thị trường để duy trì và phát triển thương hiệu. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã xác định phát triển cây chè là chương trình nông nghiệp trọng điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Huyện ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia ngành Chè. Từ đó, diện tích, năng suất và chất lượng cây chè cũng như sản phẩm trà tăng lên đáng kể. Nếu 5 năm trước, toàn huyện có hơn 2.000ha chè thì năm 2013 này đã là 3.000ha, năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 12 tấn/ha, sản lượng 32.000 tấn/năm. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ diện tích các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao ngày một tăng mạnh. Năm 2000, huyện bắt đầu triển khai đưa các giống chè mới là LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… vào trồng thì đến nay các giống chè này đã chiếm tới 38% tổng diện tích chè toàn huyện.
Thời gian qua, phải thừa nhận cây chè đã phát triển ở một tầm khá cao, trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân trong huyện. Bởi thế, những người làm chè Đồng Hỷ đã xây dựng được 8 HTX và 9 làng nghề làm chè truyền thống để có sự liên kết, gắn bó tạo sức mạnh tổng hợp cho thương hiệu chè địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 2 nhà máy chế biến chè xuất khẩu với tổng công suất 80 tấn chè búp tươi/ngày. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu chè của cả huyện đang đạt ở mức 5 triệu USD/năm.
Trong quá trình phát triển thương hiệu trà và kinh tế ngành Chè của huyện, sự đóng góp của người làm chè là quan trọng bậc nhất. Chính họ đã chắp cánh cho thương hiệu chè Đồng Hỷ bay xa thông qua chính những sản phẩm trà mà tự tay họ làm ra. Tại Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất năm 2011, các nghệ nhân làm chè của Đồng Hỷ đã giành được 2 giải Vàng cuộc thi “Bàn tay vàng”, 1 giải Vàng cuộc thi “Ẩm thực văn hóa trà” và 2 giải Bạc cuộc thi “Búp chè vàng”. Tại Festival Trà lần thứ hai này, các nghệ nhân của huyện cũng đã giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi tương tự. Hiện tại, các làng nghề chè của huyện đang dần mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ thì thời gian tới, huyện phấn đấu sẽ trồng thay thế khoảng 1.000ha chè giống cũ bằng các loại chè năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, sẽ tổ chức lại sản xuất cũng như tiêu thụ của các hộ, nhóm hộ, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX, làng nghề làm chè trên địa bàn nhằm hướng tới phát triển thương hiệu chè Đồng Hỷ tương xứng với vị thế vốn có của một trong những “cái nôi” của ngành Chè Thái Nguyên.
Có thể bạn quan tâm
Vài năm gần đây, anh Nguyễn Văn Tám ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.
Mô hình nuôi cá lồng bè của Công ty An Phú là một trong những mô hình nuôi lớn nhất về lồng bè tại Bến Tre. Công ty đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi ven sông Tiền trên diện tích đất thuê 9,3ha mặt nước. Chiều ngang khu nuôi trên 100m, chiều dài 1.080m với 408 lồng bè. Công ty đã thả cá giống khoảng 5 tháng với công suất hoạt động chiếm 50% tổng số lồng bè.
Sáng ngày 16/10, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành Cá Việt Nam”.
Đồng Quế là một xã nghèo của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) còn nhiề khó khăn, với địa hình hiểm trở, đa phần là đồi núi, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng không vì thế mà người dân Đồng Quế đầu hàng với số phận, họ vẫn nung nấu quyết tâm, không ngừng vươn lên để tìm cho mình cách phát triển kinh tế..
Là một trong năm trang trại được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đắc Lắk) cấp giấy chứng nhận hoạt động, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt (sinh năm 1987) ở thôn 10, xã Ea Lê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.