Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thách Thức Nước Tưới Cho Cây Cà Phê

Thách Thức Nước Tưới Cho Cây Cà Phê
Ngày đăng: 14/11/2013

Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê cũng như sự thành bại của người trồng cà phê sau một năm vất vả chăm sóc, bảo vệ. Nhưng hiện vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi nước tưới phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đối mặt

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, tưới nước là biện pháp quyết định năng suất cà phê. Cây cà phê vối có khả năng chịu hạn kém (trên 85% rễ phân bố ở độ sâu 0-30 cm); nước là điều kiện cần để cây cà phê nở hoa tập trung. Trong khi đó, toàn bộ diện tích cà phê vối được trồng ở các tỉnh phía Nam và tập trung ở Tây Nguyên với hơn 550 nghìn ha, chiếm trên 95%, đây lại là khu vực có mùa khô kéo dài từ 5-6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Trong một hội thảo về cà phê được tổ chức trung tuần tháng 10 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột, những phân tích của các đại biểu đã cho thấy Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới và cà phê cũng là cây trồng hỗ trợ cho sinh kế của hơn 2 triệu người dân vùng nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2012 đạt ngưỡng 27,8 triệu bao cà phê (bao 60 kg), đem lại 3,74 tỷ USD tương đương với 3% vào tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, vấn đề nước tưới cho cây cà phê đang thực sự đáng lo ngại khi diện tích cà phê trong cả nước phát triển không ngừng, quy hoạch là 450 nghìn ha nhưng hiện đã phát triển lên đến trên 550 nghìn ha và dự báo có thể còn tiếp tục tăng.

Diện tích cà phê năng suất thấp dưới 1,5 tấn/ha chiếm đến 25% và tiếp tục còn tăng trong các năm tiếp theo do vườn cà phê già tăng từ 20% (hiện tại) lên khoảng 40% đến năm 2020. Thứ nữa là nguồn nước mặt bị thiếu hụt, hồ đập thủy lợi thiếu và xuống cấp, nước mặt chỉ đáp ứng được 40%, còn trên 60% phải sử dụng nước ngầm trong khi nước ngầm cũng đang ngày càng suy giảm. Biến đổi khí hậu với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn trong mùa mưa, mưa trong mùa khô, lượng mưa biến động giữa các năm cũng làm ảnh hưởng đến nước tưới cho cây cà phê.

Thực tế sản xuất của người dân cho thấy, trong khi nước ngầm suy giảm thì tưới nước lại quá mức, lượng nước tưới vượt quá yêu cầu của cây do tâm lý, nhận thức không đầy đủ về tài nguyên nước. Nhiều nông dân cho rằng nước là của trời, việc tưới hầu như chỉ trả tiền nhiên liệu. Tại Dak Lak - tỉnh đóng góp khoảng 40% vào sản lượng cà phê Việt Nam, để việc canh tác cà phê đem lạ hiệu quả kinh tế cho đời sống của người dân địa phương thì việc tưới tiêu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là cực kỳ cần thiết. Trước đây nông dân thường tưới nhiều gấp đôi lượng nước được Bộ NN-PTNT khuyến cáo và theo ước tính có khoảng 57% tổng lượng nước được lấy từ nước ngầm chủ yếu phục vụ tưới cho cây cà phê. Do đó, Dak Lak đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt nước ngầm trầm trọng trong mùa khô.

Ứng phó

Trước tình hình này, nông dân cũng như doanh nghiệp đã khá năng động để tìm ra nhiều biện pháp bảo đảm nước tưới cho cà phê. Theo Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, giải pháp để phát triển cà phê bền vững là rà soát điều chỉnh quy mô diện tích, không phát triển ở những khu vực không thích hợp có năng suất dưới 1,3 tấn, không có nguồn nước bảo đảm; không phá rừng trồng cà phê, chỉ canh tác ở những vùng có đủ điều kiện về nguồn nước, đất tốt, giảm giá thành. Sử dụng các giống/dòng cà phê mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm sâu bệnh. Tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp trồng cây che bóng và tủ gốc giữ ẩm trong mùa khô. Với kinh nghiệm của một công ty đã có thâm niên 37 năm trong sản xuất và kinh doanh cà phê, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi cho rằng mấu chốt là phải trồng cây đai rừng chắn gió và việc sử dụng nước tưới hiệu qủa cũng liên quan rất lớn đến kinh nghiệm của người trồng cà phê. Theo ông khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 kiểm tra độ ẩm của đất để quyết định mức tưới và lần tưới nước đầu tiên là quan trọng để cho hoa nở bông hết sau khi đã thật “cương”.

Thực tế, một phương pháp được sử dụng phổ biến và lâu năm trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên là kỹ thuật tưới gốc do chi phí mua trang thiết bị thấp nhưng chi phí nhân công vận hành cao, thao tác nặng nhọc, đòi hỏi phải tạo bồn chứa nước chung quanh gốc. Lượng nước tưới bình quân khá cao từ 400-600 lít/cây/lần. Đối với kỹ thuật tưới phun mưa, tuy là kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất ở các nước trồng cà phê nhưng ở Việt Nam kỹ thuật này chỉ được áp dụng khoảng 10%. Ưu điểm của phương pháp này là chất lượng nước cao, nước tưới được phân bố đều khắp tán cây; hệ thống tưới có thể hoạt động ở những nơi có địa hình phức tạp. Nhưng lại có nhược điểm là trang thiết bị tưới đắt tiền; tổn thất nước khá cao đặc biệt khi có gió lớn; tiêu tốn nhiên liệu do đòi hỏi áp lực tại vòi phun khá cao.

Kỹ thuật tưới nhỏ giọt, ở Tây Nguyên chỉ mới được áp dụng trong vài năm trở lại đây, có ưu điểm là có thể tiết kiệm được 40-50% lượng nước tưới; nâng cao hiệu qủa sử dụng phân bón, chất dinh dưỡng được cấp thông qua nước tưới; chi phí vận hành thấp, có thể điều khiển bằng máy tính; hạn chế cỏ dại và sâu bệnh. Nhưng nhược điểm là thiết bị đắt tiền và đòi hỏi kỹ thuật cao; chất lượng nước tưới cao; đường ống và thiết bị hay bị hư hỏng, mất mát; cây cà phê không ra hoa tập trung. Tại Việt Nam kỹ thuật tưới này chưa được sử dụng ở quy mô thương mại. Mới đây, trên cơ sở cải tiến công nghệ tưới nhỏ giọt, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã đưa ra phương pháp tưới mới có tên gọi tưới tiết kiệm nước. Theo phân tích của Viện, phương pháp tưới này sẽ tiết kiệm được toàn bộ công lao động kéo ống, cầm ống, cào lá và bón phân; lắp đặt đơn giản, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu phổ thông trong nước; khắc phục được yêu cầu chất lượng nước tưới cao; đáp ứng yêu cầu lượng nước giúp cây ra hoa tập trung; phân bón được cung cấp trực tiếp và đều đặn qua nước tưới; nâng cao hiệu qủa sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Trước rất nhiều phương pháp tưới với những ưu nhược điểm, những người trực tiếp sản xuất cà phê mong muốn có được một bộ tiêu chuẩn để biết được những ngưỡng độ ẩm của đất, trên cơ sở đó xác định được thời điểm tưới, quyết định độ tưới, mức tưới nhằm hạn chế tổn thất nước không cần thiết, giảm chi phí nhân công và nhiên liệu. Những nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kỹ thuật tưới phù hợp, tiết kiệm nhất đối với đặc điểm mỗi vùng trồng cà phê cũng là điều nông dân mong đợi.


Có thể bạn quan tâm

Vinamilk Tích Cực Thu Mua Sữa Tươi Nguyên Liệu Cho Nông Dân Vinamilk Tích Cực Thu Mua Sữa Tươi Nguyên Liệu Cho Nông Dân

Năm 2014, Vinamilk thu mua hơn 183 triệu kilôgam sữa, tăng 17,12% so với năm 2013. Riêng khu vực phía Bắc, Vinamilk thu mua gần 22 triệu kilôgam sữa (mua từ hộ nông dân 14,7 triệu kilôgam), tăng 50,1% về sản lượng và 58,6% về giá trị.

24/01/2015
Lâm Đồng Thành Lập “Trang Trại Sản Xuất Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Agriteck Japan” Lâm Đồng Thành Lập “Trang Trại Sản Xuất Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Agriteck Japan”

Sau khi đưa vào hoạt động, “Trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Agriteck Japan” sẽ cho thu hoạch khoảng 135.000 quả mỗi năm. Bên cạnh, đơn vị này còn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực chế biến các loại thịt, trứng, sữa bò với quy mô từ 1 - 2 tấn mỗi năm.

24/01/2015
Bình Định Mở Rộng Vùng Nguyên Liệu Sắn, Đáp Ứng Nhu Cầu Chế Biến Bình Định Mở Rộng Vùng Nguyên Liệu Sắn, Đáp Ứng Nhu Cầu Chế Biến

Nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến cho nhà máy, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR, nhà máy đặt tại xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ) đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, BDSTAR đang tiến hành khảo nghiệm các giống mì mới với tiềm năng năng suất từ 30-50 tấn/ha để cung ứng hom giống miễn phí cho nông dân sản xuất…

24/01/2015
Tiến Độ Thả Nuôi Tôm Chậm Tính Đến Ngày 14/1/2015 Tiến Độ Thả Nuôi Tôm Chậm Tính Đến Ngày 14/1/2015

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm nước lợ vụ nuôi năm 2015 trong nửa tháng đầu năm nay đã thả nuôi 762 ha, tập trung tại huyện Trần Đề, Long Phú và Cù Lao Dung. Tiến độ thả nuôi chậm, bằng 26% so với cùng kỳ do huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu chưa thả nuôi. Thiệt hại tôm nước lợ 26 ha ở huyện Trần Đề và Long Phú, bằng 3,4% diện tích thả.

24/01/2015
Hội Nghị Tổng Kết Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Và Thủy Sản Năm 2014 Hội Nghị Tổng Kết Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Và Thủy Sản Năm 2014

Tham dự Hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị thuộc sở các tỉnh/thành phố phía Nam từ Đà Nẵng trở vào, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, III và các cơ quan báo đài. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tới dự và chỉ đạo hội nghị.

24/01/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.