Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chè Sạch Từ Ý Thức Đến Sản Phẩm

Chè Sạch Từ Ý Thức Đến Sản Phẩm
Ngày đăng: 14/11/2013

Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ sau Festival Chè lần thứ nhất, nhận thức về làm nghề chè của người dân Thái Nguyên đã có một sự thay đổi lớn, ý thức rất rõ ràng tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu chè sạch.

Tại xã Hồng Thái 2 (Tân Cương), một trong những vùng chè ngon nhất Thái Nguyên, tất cả hộ dân trồng chè, chế biến và kinh doanh chè đều không xa lạ với các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm nông nghiệp như VietGap, UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu).

Một hộ dân trồng chè ở đây cho biết, không cần đến cơ quan quản lý, ở đây chính những người trồng chè tự quản lý, tẩy chay những hộ làm chè bẩn, phun thuốc trừ sâu hóa học và thu hái chè không đúng quy trình.

Còn tại xóm Chũng Na (Bá Xuyên, Thị xã Sông Công) có gần 100% số hộ chuyển sang sản xuất chè an toàn. Bà Trần Thị Hồng, Trưởng xóm chè Chũng Na, chia sẻ: “Bên cạnh lợi nhuận từ cây chè, chúng tôi ý thức được việc sản xuất chè an toàn là rất cần thiết, trước tiên là bảo vệ sức khỏe của chính những người làm chè. Bởi, khi chăm bón và sao chè người làm chè phải hứng chịu những tác động xấu từ thuốc hóa học trước tiên”.

Cũng theo bà Hồng, ngoài việc chỉ thu hái chè khi đã đủ thời gian cách ly (tối thiểu sau khi phun thuốc 15 ngày), hiện người dân Chũng Na đã dùng các loại phân bón sinh học, phân hữu cơ thay cho phân đạm, dùng thuốc trừ sâu thảo mộc thay thuốc trừ sâu hóa học.

Anh Vũ Văn Nhâm, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng sản xuất ra những sản phẩm trà đặc sắc nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh nhất. Chúng tôi hiểu chính nhờ chất lượng, an toàn mà thương hiệu Trà Thái Nguyên mới có thể phát triển bền vững.

Không chỉ người trồng chè mà bản thân các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè cũng kiên quyết bỏ qua một số nguồn nguyên liệu vì phát hiện mùi thuốc trừ sâu trên trà còn cao do thu hoạch chưa đúng cách.

Chính nhờ nhận thức đúng, ý thức cao của những người làm chè trong việc sản xuất chè sạch, giữ gìn danh tiếng cho sản phẩm của mình, mà thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng phát triển, bền vững.

Đến các vùng chè trọng điểm của Thái Nguyên như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); Phúc Tân, Phúc Thuận (Phổ Yên); Minh Lập, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); chúng tôi thấy từ người dân đến doanh nghiệp đều cố gắng hết mình để xây dựng hình ảnh chè Thái Nguyên sao cho xứng đáng với những kỷ lục mới được xác lập, với thương hiệu chè mà lâu nay người Thái Nguyên đã nỗ lực xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần cho biết ngoài việc sản xuất chè sạch, ngành chè Thái Nguyên cũng rất chú trọng công tác bảo quản. Hiện các doanh nghiệp, hộ sản xuất chè Thái Nguyên hầu như đều đã trang bị máy hút chân không. Một túi trà thay vì chỉ sử dụng trong một vài tháng nay đã có thể để được từ 3-5 năm. Đặc biệt như doanh nghiệp chè Vạn Tài đã có thể cho ra những gói chè để 7 năm chất lượng vẫn không thay đổi.

Hiện trường ĐH Thái Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo ra loại phân vi sinh đặc dụng cho cây chè. Với loại phân vi sinh này, cây chè sẽ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao nhưng không gây hại cho sức khỏe. Chưa kể, với loại phân này thì hương vị nguyên bản của cây chè không chỉ được bảo tồn mà còn dậy hương hơn nữa. Với chính sách khuyến nông, khuyến công ưu đãi dành cho ngành chè, Sở NNPTNT Thái Nguyên cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ đến tận tay người trồng loại phân mới này. Chưa kể, chính doanh nghiệp, để tự bảo vệ thương hiệu của mình, cũng hỗ trợ vùng nguyên liệu bằng phân vi sinh và giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Thời gian gần đây, Trung tâm khuyến công tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức rất nhiều lớp học tập huấn cho doanh nghiệp, hộ cá nhân, hợp tác xã làm chè về xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, kỹ năng tiếp cận thị trường, công nghệ, kỹ năng chế biến, bảo quản chè. Trung bình mỗi lớp học có 150 học viên. Lớp học nào cũng đông và học viên đi dự rất đầy đủ. Như vậy, bên cạnh việc được trang bị kiến thức kỹ năng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè thì tinh thần, thái độ ý thức nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu chè của người làm chè Thái Nguyên rất cao.


Có thể bạn quan tâm

Nông sản trước ngưỡng 5 ăn 5 thua Nông sản trước ngưỡng 5 ăn 5 thua

Vừa qua, dư luận bàn tán sâu chuyện gạo Việt Nam đang thua gạo Campuchia, trong khi vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đến tháng 10-2015, Bộ NN&PTNT mới xác định vài giống lúa.

02/11/2015
Thuốc bảo vệ thực vật là con dao hai lưỡi Thuốc bảo vệ thực vật là con dao hai lưỡi

Bên cạnh hiệu quả tích cực đối với cây trồng, thì vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống của con người và sinh vật.

02/11/2015
Nông dân vẫn khát vốn Nông dân vẫn khát vốn

Những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nông dân được tiếp cận với nguồn vốn này vẫn còn rất khiêm tốn.

02/11/2015
Làm thêm trong mùa ruộng nghỉ Làm thêm trong mùa ruộng nghỉ

Kết thúc vụ sản xuất lúa hè thu, ruộng được “nghỉ” từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 11. Tận dụng khoảng thời gian này, một số nông dân ở huyện Nghĩa Hành đã sản xuất rau màu hoặc chăn thả gia súc ngay trên đồng ruộng không sản xuất cho thu nhập cao…

02/11/2015
Giá trái đắng tăng cao Giá trái đắng tăng cao

Tuy đã là thời điểm cuối vụ, thế nhưng dọc theo tuyến đường liên huyện Sơn Hà - Ba Tơ, trái đắng được các đại lý thu mua đem phơi rất nhiều.

02/11/2015