Ngư Dân Khánh Hòa Được Mùa Ruốc
2 năm liên tiếp vừa qua, biển mất mùa ruốc. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngư dân trong tỉnh Khánh Hòa rất phấn khởi vì một mùa ruốc bội thu đang bắt đầu.
Chiều mùng 6 Tết, tại khu vực bến thuyền nhỏ ở tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cảnh mua bán ruốc diễn ra khá tấp nập. Dưới bến, nhiều chiếc thuyền thúng liên tục chuyển ruốc từ những con tàu đậu ngoài xa vào bờ. Trên bến, hàng chục người đang tất bật bốc xếp những sọt ruốc tươi rói cân bán cho các thương lái.
Chị Nguyễn Thị Nhi phấn khởi cho biết: “Từ mùng 4 Tết, chồng tôi đã theo ghe đánh ruốc. Tôi cũng ra đây bốc ruốc thuê. Nhờ trúng mùa ruốc nên mấy ngày qua, cả hai vợ chồng cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng”. Theo ngư dân Nguyễn Văn Sáu (65 tuổi, trú tổ dân phố Thủy Đầm), mùa đánh ruốc bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài hết tháng Giêng.
Tuy chỉ mới bắt đầu, nhưng mùa ruốc năm nay hứa hẹn sẽ bội thu. “Chúng tôi xuất phát từ 3 giờ sáng, đến 3 giờ chiều thì vào bờ, bình quân mỗi chuyến đánh được trên 3 tạ rưỡi. Trừ chi phí rồi chia đều, mỗi người cũng kiếm được gần 1 triệu đồng mỗi chuyến”, ông Sáu nói.
Năm nay, nhiều ngư dân ở Nha Trang cũng ra biển đánh ruốc sớm, ngay từ mùng 2 Tết. Hầu hết tàu hành nghề này không cập cảng lớn mà chỉ đậu cách xa các bến thuyền nhỏ, rồi chuyển ruốc vào bờ bằng thuyền thúng. Trong đó, tập trung đông nhất là khu vực bến Giã ở tổ 1 Trường Hải, phường Vĩnh Trường.
Từ mùng 2 Tết đến nay, không khí tại bến thuyền này luôn tấp nập với hàng chục chiếc tàu đánh ruốc về bến mỗi chiều. Những lúc như thế, trên bến luôn có từ 3 - 5 thương lái chờ mua ruốc. Theo một thương lái, mấy ngày qua, bình quân mỗi ngày bà thu mua trên 2,5 tấn ruốc, giá dao động từ 12.000 - 13.000 đồng/kg. Anh Lê Văn Hồng (tổ 1 Trường Hải) cho biết, vụ ruốc năm nay trúng lớn, vì thế những tàu làm nghề đánh ruốc trong vùng đều ra biển ngay từ đầu vụ.
Nhưng để thành công, mỗi chuyến biển đòi hỏi phải có người dày dạn kinh nghiệm coi ruốc nổi để chỉ điểm. “Ba tôi coi ruốc nổi rất tinh, nhưng năm nay ông già rồi nên đành giao tàu cho 3 anh em tôi. Chúng tôi phải thuê một người có kinh nghiệm đi cùng để tìm đàn ruốc nổi và phải chia cho họ nhiều hơn chúng tôi nửa phần. Mấy chuyến vừa qua, chúng tôi đều thắng lợi. Trừ chi phí tiền dầu, tiền ăn, mỗi chuyến anh em tôi lãi khoảng trên dưới 2 triệu đồng”, anh Hồng phấn khởi nói.
Lượng ruốc đánh bắt được nhiều nên ngư dân rất phấn chấn ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, họ cũng không khỏi băn khoăn khi giá ruốc đang giảm từng ngày. Bà Trịnh Thị Hợi (tổ 1 Trường Hải) cho biết: “Năm ngoái, 1kg ruốc bán ít nhất cũng được 15.000 đồng. Nhưng năm nay, mấy chuyến đầu chỉ bán được 13.000 đồng, sau đó giảm xuống 12.000 đồng/kg, thậm chí có nhiều sọt thương lái chê nhũn để ép xuống còn 8.000 đồng/kg. Tôi không chịu để họ ép giá nên giữ lại mang về làm mắm”.
Có thể bạn quan tâm
Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.
Đối với nghề nuôi tôm biển (sú, thẻ chân trắng ) đặc biệt là nuôi thâm canh thì vấn đề như: môi trường, mầm bệnh, chăm sóc và quản lý,…là các yếu tố quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm.
Yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng thủy sản tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản đang thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Bỉ là cần thiết.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa.
Diện tích nuôi các loại nhuyễn thể ngày một tăng, tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp và các hộ dân đầu tư lớn cho nghề nuôi nhuyễn thể thì nghề nuôi này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề nếu không được phòng bệnh kịp thời trong quá trình nuôi.