Công Bố Bị Đơn Bắt Buộc Cho POR9 Trong Vụ Kiện Tôm Tại Mỹ

Tối ngày 03/10/2014 theo giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố tên các DN bị đơn bắt buộc cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) trong vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) tôm vào thị trường Mỹ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 công ty là bị đơn bắt buộc lần này gồm có: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) và Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước.
Không như những kỳ xem xét hành chính trước đó, trong kỳ POR9 lần này DOC đã tiến hành cách thức lựa chọn bị đơn bắt buộc theo phương pháp mới. Theo đó, trong tổng số 35 DN tôm Việt Nam hiện đang XK vào thị trường Mỹ, DOC đã tiến hành phân loại thành 3 nhóm gồm: nhóm I có 02 công ty chiếm 40% giá trị XK, nhóm II có 05 công ty chiếm hơn 20% giá trị XK và nhóm III là các công ty còn lại. Sau đó, máy tính sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên từ mỗi nhóm ra 01 DN để làm bị đơn bắt buộc.
Ngoài ra, hiện có 4 công ty đã tiến hành gửi đơn xin làm bị đơn tự nguyện gồm có: Công ty TNHH KDCB TS & XNK Quốc Việt, Công ty CP Nha Trang Seafoods, Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) và Minh Phú. Theo luật sư đại diện cho các DN Việt Nam trong vụ kiện, có khả năng Quốc Việt sẽ được lựa chọn vì là công ty đã nộp đơn đăng ký sớm nhất.
Trong kỳ POR9 lần này, DOC cũng đã thông báo sẽ không cho phép bổ sung hồ sơ và số liệu sau khi đã công bố kết quả điều tra sơ bộ. Do đó, mọi tính toán và số liệu từ các bị đơn phải được cung cấp đầy đủ và chính xác ngay từ đầu.
Mặt khác, hiện DOC cũng đã công bố danh sách các quốc gia sẽ được xem xét trong việc lựa chọn làm quốc gia để tính toán các giá trị thay thế cho kỳ POR9, đó là: Phillipin, Nicaragua, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan và Bangladesh. Theo các chuyên gia đánh giá, Ấn Độ có khả năng cao nhất sẽ được lựa chọn.
Liên quan đến kết quả của kỳ POR8 vừa qua, phía luật sư cũng cho biết đầu tuần sau (06/10/2014) sẽ tiến hành nộp đơn kháng kiện của các DN tôm Việt Nam lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).
Có thể bạn quan tâm

Việc cạnh tranh thu mua không lành mạnh giữa các thương lái, thiếu sự can thiệp của chính quyền đã để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Sáng 16-9, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam”.

Nông sản vào siêu thị, trăm điều khó Bên cạnh những hạn chế của khâu sản xuất, việc các siêu thị đặt ra quá nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành, chi phí... cũng khiến cho doanh nghiệp nản lòng khi đưa nông sản vào siêu thị.

Siêu thị không phải là kênh phân phối duy nhất để nông sản đến tay người tiêu dùng, nhưng đó là cách cần thiết để quảng bá sản phẩm thương hiệu và tạo đầu ra ổn định. Tuy nhiên, đường vào siêu thị của nhiều nông sản Việt hiện nay còn khá truân chuyên.

Bò tót lai sinh trưởng nhanh và khỏe mạnh nếu bảo tồn tốt sẽ là nguồn gen quý hiếm, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương.