Ngọt, Đắng Cùng Cây Mía Ở Cà Mau
Cây mía đã gắn bó với người dân Cà Mau từ rất lâu. Sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Cà Mau vẫn giữ lại một diện tích lớn để quy hoạch vùng trồng mía, chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.
Mùa vụ năm vừa rồi người trồng mía ở Cà Mau phấn khởi vì được mùa, được giá. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì vụ mía năm nay người nông dân lại thấp thỏm lo âu vì giá mía giảm. Nỗi lo về một mùa vụ thua lỗ lại ám ảnh bà con.
Người trồng mía vẫn bấp bênh
Con lộ bê-tông dẫn về xã Trí Lực, huyện Thới Bình, 2 bên đường những rẫy mía của bà con bắt đầu vươn cao xanh tốt. Những tưởng những tín hiệu ấy sẽ đem đến niềm vui cho họ, thế nhưng thực tế người dân trồng mía ở xứ này không mấy vui bởi họ đang có một nỗi bận tâm khác lớn hơn: giá mía giảm.
Năm 2010 tôi có dịp về xã Trí Lực để tìm hiểu về vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh với diện tích trên 1.300 ha. Khi ấy, những nông dân cả đời gắn bó với cây mía đã không giấu nổi niềm vui vì một mùa vụ thắng lợi cả về sản lượng và giá.
Ai cũng hớn hở mở rộng diện tích trồng với ước mong làm giàu từ loại cây truyền thống này, hay chí ít cũng là thoát được cảnh nghèo khó.
Họ phấn khởi cho biết, Công ty Cổ phần mía đường Tây Nam đã có chính sách đầu tư hoàn chỉnh cả vốn, phương tiện sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía, bố trí vùng nguyên liệu, xây dựng các công trình thuỷ lợi đầu mối bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt tưới bổ sung cho mía khi cần thiết.
Không những vậy, người trồng mía không đủ vốn, công ty cũng có chính sách vay tiền mà không cần tín chấp. Ngoài ra, còn tăng vốn điều lệ và vay các tổ chức tín dụng để đầu tư tiền giống mía và phân bón từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Giá mía từ năm 2009 - 2011 giữ ở mức ổn định cũng làm cho người trồng mía tự tin đầu tư mở rộng diện tích.
Không chỉ vùng nguyên liệu mía Thới Bình mà nhiều nơi khác cũng mặn mà trở lại với cây mía. Huyện U Minh có trên 150 ha, huyện Trần Văn Thời có 858 ha đất được quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu mía đường. Đây được xác định là một giải pháp xoá đói giảm nghèo bền vững, không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Tuy nhiên, mùa vụ năm nay bắt đầu với tín hiệu không mấy khả quan khi lượng đường tồn kho ở các nhà máy còn rất lớn. Một thực tế là, mặc dù nhà máy bao tiêu sản phẩm nhưng mua theo giá thị trường, chính vì vậy mà khi thị trường rớt giá thì người trồng mía cũng phải chấp nhận bán với giá thấp, rủi ro với người trồng mía cũng vì vậy mà không hề giảm đi.
Liệu tình trạng người nông dân phá mía nuôi tôm có diễn ra một lần nữa? Tình trạng chặt rồi trồng, trồng rồi chặt có được giải quyết?
Nỗi lo người trồng mía
Ông Đỗ Văn Thắng, xã Trí Lực, bộc bạch: “Gần cả đời tôi gắn bó với cây mía, chứng kiến biết bao lần người dân nơi đây chặt bỏ mía chuyển qua nuôi tôm.
Mới năm trước thôi khi giá mía lên cao, nhà máy đường đầu tư giống, cho vay vốn thì nhiều người quay trở lại với cây mía. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết và giá cả như năm nay thì nguy cơ người dân bỏ cây mía lại có thể lặp lại”.
Nỗi lo của một lão nông nặng lòng với cấy mía ấy không phải là không có cơ sở khi mà nhiều người được hỏi đã bắt đầu dao động. Ông Nguyễn Minh Tâm, ấp Phủ Thờ, cho biết: “Người trồng mía chúng tôi mong nhất là giá cả và đầu ra ổn định, nếu giá xuống thấp thì lỗ nặng bởi chi phí đầu tư không nhỏ, trên dưới 100 triệu đồng/ha”.
Mặc dù đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà máy đường nhưng nhiều người dân trồng mía cũng không khỏi thấp thỏm lo âu, họ không dám chắc rằng, sau một mùa vụ gần 8 tháng trời chăm sóc sẽ mang lại kết quả như mong muốn.
Ông Trần Văn Tường, ấp 9, xã Trí Lực, trầm tư: “Thông tin trên báo chí nói là giá mía giảm, các nhà máy đường còn tồn kho lớn làm người dân chúng tôi cũng rất hoang mang. Sau mấy năm giá mía lên cao, người trồng mía sống được, chưa hết mừng thì giờ lại phải thấp thỏm lo không biết tình trạng rớt giá có diễn ra nữa hay không?”.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến hết ngày 10/5, đường tồn ở các nhà máy đường gồm cả đường thô đã là 567.532 tấn; tồn kho tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 26.696 tấn.
Trong khi đó, tính đến ngày 10/5 vừa qua, toàn ngành chỉ ép được 15,93 triệu tấn mía; sản xuất được tổng cộng 1,47 triệu tấn đường các loại, giảm so với vụ trước, nhưng mức độ tiêu thụ chỉ đạt chưa đầy 2/3 lượng đường sản xuất.
Nguyên nhân được chỉ ra là: nhu cầu tiêu thụ đường nội địa được xác định là 1,3 triệu tấn/năm, trong khi đến đầu tháng 5/2013, tổng sản lượng đường sản xuất trong nước đã vượt 1,5 triệu tấn. Đó là chưa kể một lượng lớn đường nhập lậu vẫn thường xuyên được đưa vào thị trường nội địa, nên giá đường thời gian qua liên tục sụt giảm.
Và khi đầu ra mặt hàng đường không ổn định như trên thì người trồng mía lại phải gánh chịu rủi ro. Quy mô vùng nguyên liệu mía được khuyến khích mở rộng trong khi người nông dân không được bảo đảm lợi nhuận ổn định thì rất khó để họ tiếp tục gắn bó với cây mía.
Cà Mau hiện có khoảng 1.500 ha diện tích trồng mía và đến năm 2015, tỉnh sẽ phát triển vùng trồng mía lên 4.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.
Để có thể cụ thể hoá chủ trương trên, các ngành chức năng còn phải nỗ lực nhiều và vấn đề quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin ở người nông dân. Điều đó được thể hiện trước hết là làm sao bảo đảm thu nhập ổn định từ cây mía cho họ.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục NTTS hiện bà con nuôi tôm đang tích cực xuống đồng thu hoạch tôm. Sau hai tuần toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được hơn 30% diện tích nuôi tôm vụ Xuân Hè.
Hơn 2.000 con nhím nuôi đã đến lứa xuất chuồng nhưng tiêu thụ quá khó khăn, các xã viên hợp tác xã (HTX) Hợp Thành (Khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) phải tự đi tiếp thị tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Bén duyên” với vùng đất trũng từ năm 2011, mô hình trồng sen lấy hạt được triển khai tại cánh đồng La Băng và Bàu Đan thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) từ nhiều năm nay đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ nông dân.
Vài năm gần đây, người dân ở nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang nhận thấy cá lóc dễ nuôi và có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao nên nghề nuôi cá lóc thịt trở nên khá phổ biến...
Việc đốt rơm sau mỗi vụ gặt là tình trạng chung của hầu hết vùng trồng lúa trong tỉnh và ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.