Liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản
Từ dứa xuống giá...
Nhờ thời tiết thuận lợi, công tác chăm sóc tốt nên vụ dứa năm nay nông dân ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu - Nghệ An) được mùa bội thu về sản lượng. Tuy nhiên, giá dứa xuống thấp đang khiến người dân trồng dứa thấp thỏm, lo âu. Gia đình ông Vũ Văn Quy, ở thôn 2/9, xã Tân Thắng trồng hơn 1 ha dứa gai.
Sau 18 tháng chăm sóc, đến nay toàn bộ diện tích dứa của ông đang trong thời kỳ thu hoạch. Ông Quy cho biết: Nhờ chăm bón đúng quy trình vào từng thời điểm sinh trưởng và phát triển nên cây dứa luôn xanh tốt và cho sản lượng tương đối cao, đạt từ 2,5 đến 2,6 tấn/sào.
Tuy nhiên giá dứa năm nay thấp hơn so với năm trước. Nếu như năm trước, dứa đầu vụ nông dân bán ra với giá 540 nghìn đồng/tạ và cuối vụ trên 700 nghìn đồng/tạ thì vào thời điểm dứa chín rộ năm nay, giá từ 350 - 400 nghìn đồng/tạ. “Sau hơn 1 năm đầu tư, chăm sóc nhưng đến giai đoạn thu hoạch giá xuống thấp, đầu ra khó khăn nên tâm lý của người sản xuất lo lắng. Để đảm bảo sản xuất ổn định, rất mong nhà máy chế biến thu mua sản phẩm cho bà con…”, ông Vũ Văn Quy chia sẻ.
Xã Tân Thắng là địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện Quỳnh Lưu, với 180 ha, người dân, chính quyền nơi đây xem dứa là cây trồng chủ lực của địa phương. Năm nay, nhờ thiên nhiên ưu đãi, ít sâu bệnh, thuận lợi cho cây dứa phát triển nên sản lượng đạt từ 25 – 27 tấn/ha, có những vùng được chăm sóc tốt hơn đạt 30 tấn/ha, tăng từ 3 – 7 tấn so với vụ trước.
Mặc dù sản lượng dứa lớn, nhưng mấy năm nay chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua mà chủ yếu do thương lái ở dưới xuôi lên mua. Vì thế, vào đợt dứa chín rộ cũng là thời cơ cho các thương lái ép giá. Với tâm lý bán thì lỗ, không bán thì khổ nên bà con đành chấp nhận bán với giá thấp.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 600 ha dứa. Để phần nào hạn chế điệp khúc được mùa, mất giá, các ban, ngành của huyện đang tích cực chỉ đạo các xã miền núi có vùng thâm canh cây dứa rà soát lại toàn bộ diện tích, đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích một cách ồ ạt, gây ra tình trạng sản phẩm dư thừa, cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
...đến định hướng đầu ra cho chè Shan tuyết
Lâu nay, chè Shan tuyết được trồng nhiều trên mảnh đất vùng rẻo cao của huyện Kỳ Sơn. Ở những vùng nằm trong diện quy hoạch của Tổng đội TNXP 8 như Mường Lống, Huồi Tụ, đầu ra tương đối ổn định, thế nhưng ở các xã Nậm Càn, Na Ngoi thì đầu ra lại theo kiểu “nhỏ giọt”.
Tìm về xã biên giới Nậm Càn khi cán bộ, đảng viên và nhân dân đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã. Anh Xồng Bá Cha – Chủ tịch Hội Nông dân xã niềm nở tiếp đón chúng tôi bên ấm chè Shan tuyết nóng hổi. Anh cho rằng, cây chè Shan tuyết gắn bó với mảnh đất Nậm Càn từ năm 2006 do Đoàn kinh tế quốc phòng 4 đầu tư giống.
Diện tích chè của xã đã phát triển lên đến 16 héc-ta, chủ yếu ở 2 bản Thăm Hín và Liên Sơn. Ở 2 bản này hầu như hộ nào cũng trồng chè nhưng hiện nay đầu ra cho sản phẩm này rất khó khăn. Nhiều hộ đã có ý định phá bỏ diện tích trồng chè để chuyển sang các loại cây khác nhưng còn do dự vì tiếc công chăm sóc lâu nay.
Tại bản Liên Sơn có 55 hộ trồng chè Shan tuyết, trong đó trồng nhiều nhất là các hộ ông Thò Giống Và, Và Cháy Xa, Và Bá Cu. Năm 2006, gia đình ông Thò Giống Và đưa vào trồng 1,5 héc-ta. Cây chè Shan tuyết phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng núi cao nên phát triển rất nhanh, sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè, ông Thò Giống Và cho hay: “Gia đình chúng tôi gắn bó với cây chè đã hơn 10 năm nay. Ngày đó, được đầu tư giống thì trồng vậy thôi chứ không nghĩ đến đầu ra. Bây giờ 1,5 héc-ta chè đã cao hơn cả đầu người mà không biết bán đi đâu cho hết. Thỉnh thoảng mới có một số người đi bán hàng từ Thị trấn Hòa Bình vào mua mấy bó về bán lại.
Giá một bó chè to bằng một vòng tay người lớn chỉ bán được 10.000 đồng nhưng không phải ngày nào họ cũng mua. Tiếc lắm nhưng cũng phải bán vì để uống cũng không hết, cho thì không ai lấy vì nhà nào cũng có chè cả rồi”. Ngược vào bản Thăm Hín, cả bản có 47 hộ thì 40 hộ trồng chè Shan tuyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Và Giống Chùa – Trưởng bản cho biết thêm: “Hiện nay, tại bản có nhiều hộ đã bỏ hoang đồi chè của mình, không đầu tư chăm sóc nữa. Diện tích chè của bản đang ngày càng giảm để nhường chỗ cho các loại cây khác như sắn, dứa, gừng”.
Cây chè Shan tuyết được Tổng đội TNXP 8 trồng tại 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống của huyện Kỳ Sơn cách đây hơn 10 năm. Những người trồng chè ở vùng này có thể yên tâm bởi, sản lượng chè búp của gần 500 héc-ta được Tổng đội thu mua về để chế biến. Vấn đề đặt ra là Tổng đội TNXP 8 có thể kết nối với chính quyền và người trồng chè ở xã Nậm Càn, Na Ngoi để mở rộng thu mua, chế biến.
Tuy nhiên, do địa hình xa cách, hiểm trở nên việc liên kết đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc định hướng, hỗ trợ của các cấp, ngành để đảm bảo tiêu thụ ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết ở vùng biên giới. Bởi cây chè Shan tuyết có vòng quay khai thác hàng chục năm và phù hợp với vùng đất Kỳ Sơn.
Qua khảo sát 2 sản phẩm nông sản nêu trên cho thấy, bài học không chỉ đối với cây dứa ở Quỳnh Lưu, bởi diện tích tự phát tăng lên rất nhiều so với nhu cầu của một số nhà máy, cơ sở chế biến - hệ lụy như đã nêu, cung vượt quá cầu, sản phảm rớt giá, thậm chí ế ẩm.
Còn với cây chè Shan tuyết ở một số xã của Kỳ Sơn chỉ mới chú trọng đến việc trồng mà chưa tính đến đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề mấu chốt nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là khâu liên kết giữa các nông hộ với các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở chế biến. Trong đó, bao hàm cả việc xác định trồng cây nào, nuôi con gì và cần có vùng quy hoạch ổn định gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 373/TCTS-NTTS, ngày 11/02/2015, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển tăng cường các biện pháp chỉ đạo quản lý thời vụ nuôi tôm nước lợ.
Để giúp bà con nuôi tôm quản lý thức ăn tiết kiệm và hiệu quả, ngày 06/02/2015 tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu (TTKNKN) tổ chức lớp tập huấn “Thúc đẩy cải thiện thực hành quản lý cho ăn trong nuôi tôm” cho 35 nông dân nuôi tôm.
Giống cá tầm nhập ngoại tỷ lệ sống thấp (chỉ đạt 40%) do cá bột chưa quen với môi trường, khí hậu, nguồn nước, sức đề kháng kém. Nhiều lứa cá tầm, Công ty nuôi hơn 3 tháng vẫn chết do không thích nghi được với môi trường mới. Để chủ động giống, lãnh đạo Công ty đã đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I (Hà Nội) tìm hiểu kỹ thuật ươm cá bột.
Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy đã có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.
Hệ thống sông, suối, ao, hồ, đập, hồ chứa hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi được xác định là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.