Ngổn ngang trên vùng sản xuất rau an toàn
Sản xuất rau an toàn trong mùng lưới ở một tổ hợp tác sản xuất rau an toàn
Nông dân học sản xuất RAT
Dự án vùng sản xuất RAT tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2008 - 2015 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý; Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV) là đơn vị thực hiện.
Theo kế hoạch của dự án, diện tích RAT đến năm 2010 là 284ha, tập trung ở các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh.
Kế hoạch đến năm 2015 đạt 819ha mở rộng ở các huyện, thị, thành còn lại.
Đáng ghi nhận là khi dự án vùng sản xuất RAT đi vào thực hiện, một số địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để từng bước tiến hành sản xuất RAT theo VietGAP.
Theo ông Lê Văn Chấn - Phó Chi Cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, từ dự án này, nông dân ý thức được việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu nắm bắt được quy trình sản xuất theo hướng an toàn, trình độ sản xuất và nhận thức của nông dân về sự cần thiết sản xuất RAT được nâng lên.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho người nông dân như quy trình sản xuất RAT; an toàn sử dụng thuốc BVTV trên cây rau; quản lý sâu bệnh trên rau; hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT)...
Nằm trong vùng sản xuất RAT, HTX Sản xuất - tiêu thụ RAT xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) hoạt động khá hiệu quả.
Mỗi ngày HTX tiêu thụ bình quân khoảng 20 tấn rau các loại, chủ yếu ở các tỉnh lân cận như An Giang và tỉnh bạn Campuchia.
Ông Dương Minh Sang - Phó Giám đốc HTX Sản xuất - tiêu thụ RAT xã Long Thuận chia sẻ:
“Thông qua dự án vùng sản xuất RAT, nông dân đã thay đổi tập quán, ý thức canh tác rau theo lối cổ truyền sang sản xuất RAT; xây dựng được thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng nhằm từng bước sản xuất hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để sản xuất ra nông sản an toàn...”.
Tại huyện Lấp Vò, THT RAT Định An (ấp An Ninh, xã Định An, Lấp Vò) dù mới thành lập nhưng đến nay tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định.
Từ nguồn kinh phí khuyến nông 2015, THT thực hiện mô hình sản xuất RAT gắn với tiêu thụ.
Chuyên canh tác mặt hàng cải ngọt, rau muống, xà lách, mồng tơi..., hiện HTX đã xây dựng được nhà sơ chế rau, 2 nhà lưới sản xuất rau ăn lá.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ trưởng THT RAT Định An cho hay: “Do địa điểm trồng rau của THT thuộc khu vực đất phù sa ven sông Hậu nên rất phù hợp cho việc trồng rau, giao thông thuận tiện trong khâu vận chuyển, mua bán.
Hơn nữa, đây là vùng trồng rau lâu năm nên nông dân có nhiều kinh nghiệm với nghề.
Hiện THT chủ yếu cung cấp rau cho các chợ: Vàm Cống, Lấp Vò, Định Yên.
Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch giới thiệu sản phẩm vào các siêu thị để khâu tiêu thụ ổn định, bài bản hơn...”.
Từ dự án vùng RAT, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được 91 mô hình sản xuất RAT trên diện tích 24,3ha; xây dựng 7 mô hình nhân nuôi chế phẩm phân bón vi sinh trên rau.
Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế trong các mô hình trình diễn đều cao hơn so với ngoài mô hình.
Thông qua dự án, hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng 38 hệ thống tưới phun tự động, quy mô 0,3 - 0,5ha/hệ thống, phục vụ cho hơn 15,4ha đất sản xuất rau theo hướng an toàn.
Ngoài ra, nông dân tự lắp đặt thêm 23 hệ thống tưới trên rau, diện tích 11,9ha (Hồng Ngự).
Riêng khâu tiêu thụ, một số THT, HTX trong vùng sản xuất RAT bước đầu có sản phẩm RAT bán tại siêu thị Vinafood, Co.op mart.
Vẫn còn lắm ngổn ngang
Dự án vùng sản xuất RAT tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2008 -2015 được thực hiện với tổng kinh phí trên 16,4 tỷ đồng, trong đó gồm kinh phí khuyến nông tỉnh, kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia; kinh phí các huyện, thị, thành phố, kinh phí sự nghiệp nông nghiệp tỉnh, kinh phí hỗ trợ khoa học công nghệ.
Sau 7 năm thực hiện, mặc dù dự án mang lại một số hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân có thu nhập ổn định; góp phần đảm bảo sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dự án vẫn còn lắm ngổn ngang.
Thừa nhận của đơn vị thực hiện dự án, trong quá trình triển khai thực hiện, ở khâu then chốt là quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa hiệu quả.
Bằng chứng là, ngay vùng RAT Hồng Ngự, đã xây dựng hệ thống dẫn nước bằng bê tông và chủ động việc tưới tiêu từ kinh phí hỗ trợ; hệ thống giao thông thuận lợi.
Tuy nhiên, hệ thống đường nước tưới lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm do gần tuyến dân cư, nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra hệ thống đường nước tưới.
Ngoài ra, quanh vùng sản xuất RAT có những ao nuôi cá lớn và trạm bơm tưới gần các trại chăn nuôi gia súc.
Ở vùng sản xuất RAT huyện Hồng Ngự, mặc dù được đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau do kinh phí tỉnh hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhà sơ chế chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì ngừng hoạt động.
Nguyên nhân là do địa điểm xây dựng nhà sơ chế nằm xa khu vực sản xuất, giao thông vận chuyển hàng hóa không thuận lợi...
Trường hợp tại xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc, vùng sản xuất RAT được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi từ năm 2009 với hệ thống đường giao thông nông thôn, cống ngầm, đường điện phục vụ cho 20ha tiểu vùng ấp Tân Lập của xã này.
Nhưng hiện nay diện tích sản xuất RAT chỉ còn 3ha, do địa bàn này người dân chủ yếu phát triển khu dân cư.
Vùng RAT xã Hòa An, TP.Cao Lãnh cũng là trường hợp đầu tư không hiệu quả.
Cụ thể, vùng quy hoạch sản xuất RAT được đầu tư nạo vét kênh mương, xây dựng cống đập tiểu vùng dự án RAT HA 12.
Tuy nhiên, các hệ thống này hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo chống lũ triệt để, thời gian qua nông dân chủ yếu trồng lúa và luân canh cây màu trong vụ hè thu.
Khâu tiêu thụ cũng là hạn chế cần khắc phục của dự án.
Đến nay, hầu hết các HTX, THT RAT vẫn chưa tìm được đơn vị hợp đồng tiêu thụ rau bền vững.
Nguyên nhân khó khăn trong tiêu thụ rau hiện nay là do sản xuất không đảm bảo tính liên tục, số lượng và chủng loại còn hạn chế nên nông dân khi thu hoạch rau đa số tự bán ở chợ hoặc bán cho thương lái.
Như trường hợp THT sản xuất RAT ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò từng ký hợp đồng tiêu thụ RAT với siêu thị (Vinafood, Co.opmart) Đồng Tháp, sản lượng cung cấp trung bình 100kg/ngày.
THT tự trang bị bao bì, nhãn hiệu nhưng hiện đã chấm dứt nguồn rau cung cấp do HTX ngưng sản xuất.
Về thực hiện chỉ tiêu diện tích RAT, theo quy hoạch ban đầu, kế hoạch diện tích RAT của tỉnh đến năm 2015 đạt 819ha.
Tuy nhiên đến năm 2013, qua kết quả rà soát và điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất RAT của các địa phương thì diện tích RAT của tỉnh không đạt theo kế hoạch như dự án đã phê duyệt.
Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hạ diện tích sản xuất RAT đến năm 2015 xuống còn 583,5ha.
Thực tế, kết quả thực hiện diện tích sản xuất RAT ước thực hiện đến tháng 10/2015 là 312,7ha, chỉ đạt 54,5% kế hoạch.
Cần hướng đi thực chất và hiệu quả
Ông Lê Văn Chấn - Phó Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Theo kế hoạch sản xuất RAT giai đoạn II của Dự án vùng sản xuất RAT 2016-2020, mục tiêu đề ra là sẽ phát triển diện tích RAT tại 6 huyện, thị, thành: Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, TP.Sa Đéc.
Dự kiến quy mô về diện tích đến năm 2018 là 365ha, đến năm 2020 nâng tổng diện tích chuyên canh RAT trong tỉnh đạt 485ha, cung cấp một phần cho thị trường trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; xây dựng 100% vùng sản xuất RAT tập trung được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo Chi cục BVTV tỉnh, đơn vị sẽ kiến nghị tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện GAP, trong đó có lĩnh vực trồng trọt.
Đề nghị UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo cho địa phương và ngành nông nghiệp huyện thực hiện các giải pháp quản lý vùng sản xuất RAT xã Long Thuận, không để nước thải làm ô nhiễm nguồn nước tưới, hỗ trợ kinh phí xây dựng những hố rác chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Chi cục BVTV tỉnh kiến nghị UBND TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch hoặc loại khỏi những vùng dự án các địa bàn không thể thực hiện sản xuất RAT.
Về định hướng xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất RAT giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để tiếp tục thực hiện dự án vùng RAT hiệu quả hơn, thời gian tới, Chi cục BVTV tỉnh cần xây dựng kế hoạch tách bạch riêng biệt giữa vùng rau và màu.
Việc xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phải có sự kiểm tra, xác định kỹ, chọn nơi phù hợp về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, nơi người nông dân từng có kinh nghiệm chuyên sản xuất rau màu hiệu quả.
Chú trọng công tác tuyên truyền về sản xuất RAT; xây dựng các HTX, THT ở những vùng RAT, bởi HTX đóng vai trò quan trọng để hoàn thiện hơn khâu sản xuất gắn kết với tiêu thụ nông sản.
Chi cục BVTV cần có kế hoạch thực hiện 2 hoặc 3 mô hình điểm, phải sâu sát trong khâu chọn vị trí, đối tượng phù hợp.
Các mô hình nên thực hiện quy mô nhỏ nhưng phải có sự theo dõi, quan tâm chặt chẽ để sự đầu tư được tập trung đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Đó là kết luận của ông Trần Công Danh - Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre sau khi giám sát môi trường nuôi cá tra - cá da trơn (CDT).
Sản phẩm khai thác cá bị tư thương ép giá, khiến ngư dân ở Cà Mau gặp khó khăn.
Những hộ ương nuôi cá lóc ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) và xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) cho biết, nếu trước đây, nguồn cá lóc giống từ 300.0000 - 350.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung ứng nhu cầu người nuôi thì nay giảm chỉ còn 100.000 đồng/kg.
Đối mặt với tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tràn lan từ những tháng đầu năm, nhưng gần đây con tôm đang từng bước phục hồi và đem lại hiệu quả cho địa phương này.
Cuối tháng 11 - thời điểm người dân vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau vào mùa thu hoạch cá sặc rằn (còn gọi cá bổi) cung ứng nhu cầu làm khô dịp Tết Nguyên đán 2014. Người dân đang kỳ vọng giá cá bổi ổn định ở mức cao, để có một cái Tết đầm ấm.