Tái Cơ Cấu Ngành Chăn Nuôi
Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi liên tục phải đối mặt với những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất giá, không tiêu thụ được sản phẩm... Nông dân chịu thua lỗ nặng nề và sản xuất trong tâm trạng bất an.
Thực tế ngành chăn nuôi của nước ta còn rất nhiều nghịch lý cần phải giải quyết sớm và không thể để những khó khăn tiếp tục đè nặng lên vai người chăn nuôi.
Thực tế, nước ta vẫn đang phải dựa vào sản xuất nông nghiệp trong đó người chăn nuôi là những trụ cột góp phần cung ứng nguồn thực phẩm để bình ổn giá, ổn định xã hội…Vậy nhưng lâu nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp căn cơ để bảo vệ và tạo động lực cho người chăn nuôi.
Nghịch lý ở chỗ, mặc dù là ngành chăn nuôi vẫn sản xuất theo cung cách truyền thống nhưng hầu như “đầu vào” thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Đối với chăn nuôi thì giá thành thức ăn chiếm tới 65% - 70%. Đã vậy, so với các nước xung quanh, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn khoảng 10%.
Trong khi chi phí quá cao như thế, giá bán lại rất thấp. Các loại sản phẩm gia cầm và thịt heo nhiều năm gần đây có thời điểm người chăn nuôi còn phải bán dưới giá thành, thua lỗ nặng nề. Và hầu như giá trên thị trường đều do thương lái thao túng. Nghịch lý ở chỗ người chăn nuôi kêu lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua giá đắt.
Có những sản phẩm như thịt bò ở nước ta bán đắt hơn rất nhiều so với thịt bò ngoại, với mức 65.000 - 70.000 đồng/kg thịt bò hơi, nhưng nông dân không lời được mấy vì chỉ bán được giá 50.000 đồng là cùng, còn lại vào túi các khâu trung gian.
Về giải pháp cho ngành chăn nuôi, theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thứ nhất cần phải chủ động được khâu thức ăn chăn nuôi, giảm dần tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn “ngoại”.
Bằng cách chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dùng làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là bắp và đậu tương. Kèm theo đó là việc đầu tư khâu bảo quản, sơ chế và nâng cao công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi để làm giảm giá thành, hạ giá bán.
Thứ hai, phải kiểm soát được dịch bệnh. Hiện nay đa số các bệnh đã kiểm soát được, những bệnh nguy hiểm như trước không còn nhưng một số bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh vẫn xảy ra và chỉ cần một mùa dịch là nông dân lại điêu đứng, trắng tay.
Thứ ba, chất lượng con giống cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi bị thua lỗ, sản phẩm chăn nuôi có năng suất kém cũng bắt nguồn từ hệ thống con giống của chúng ta không phong phú, chất lượng đưa đến người chăn nuôi chưa được đảm bảo, khâu kiểm soát con giống vẫn còn buông lỏng. Điều tiên quyết là phải kiểm soát tốt thị trường, nguồn hàng để không gây tình trạng được mùa thì phải bán rẻ, để mặc thương lái thao túng giá như hiện nay.
Giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi nằm chủ yếu ở khâu giết mổ và chế biến thịt, sản phẩm sữa, trứng. Nhưng hiện nay khâu này chủ yếu vẫn là giết mổ thủ công, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo. Đó cũng là lý do giá bán rẻ nhưng người tiêu dùng không yên tâm sử dụng.
Trong khi giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp ở nước ta hiện nay mới chỉ cung ứng 20% sản lượng thịt, còn chế biến mới được 10%. Để thúc đẩy chăn nuôi cũng phải tập trung đầu tư cho khâu chế biến và tiêu thụ. Và để cứu ngành chăn nuôi, phải bắt đầu từ hướng đi tổng thể và chọn những sản phẩm có thế mạnh thông qua đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh thì tinh thần chính của đề án tái cơ cấu là tập trung phát triển các sản phẩm Việt Nam có ưu thế và tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là phải nhắm vào mục tiêu xuất khẩu.
Phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi là mũi nhọn để tăng giá trị cho nông nghiệp. Tập trung đầu tư khoa học công nghệ, thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi. Phát triển mạnh chăn nuôi heo, gia cầm theo hướng tập trung trang trại an toàn sinh học, đẩy mạnh chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bằng công nghệ, quy trình hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
Trong những ngày đầu tháng 10/2012, Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai mô hình thực nghiệm nuôi gà bằng chế phẩm thiên nhiên cho 2 hộ dân thuộc xã Hòa Thành. Số gà được nuôi theo mô hình này là 1.500 con gà Lương Phượng.
Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan, được bà con nông dân ngày một nhân rộng. Mô hình này khá đơn giản, không cần nhiều diện tích, tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho bà con mùa lũ.
Chiều ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc chấn chỉnh quy hoạch vùng nuôi cá tra.
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2009, anh Nguyễn Văn Công, ngụ tại ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh (Ba Tri - Bến Tre) đã phát hiện giống ếch Thái Lan khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất này. Gần 4 năm qua, gia đình anh nuôi ếch Thái Lan đạt hiệu quả kinh tế cao.
Do tình trạng các loại cây trồng được mùa mất giá, nên bà con nông dân ở xã Mỹ Lương (Cái Bè, Tiền Giang) đã trồng nhiều loại cây xen kẽ trong vườn nhằm "an toàn hóa thu nhập" khi có biến động về thời tiết, giá cả. Tiêu biểu có mô hình trồng chôm chôm xen xoài Đài Loan của anh Phạm Văn Lương ở ấp Lương Ngãi.