Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghiên cứu cải tạo vườn cam, quýt kém chất lượng

Nghiên cứu cải tạo vườn cam, quýt kém chất lượng
Ngày đăng: 13/07/2015

Mất thu hoạch do tập quán sản xuất cũ

Quýt Bắc Kạn là loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có 2.117ha cây cam, quýt - trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 1.191ha. Xã Quang Thuận (Bạch Thông) được coi là vùng chuyên canh cam, quýt truyền thống của tỉnh với diện tích hiện có là 530ha, trong đó có khoảng 400ha đang cho thu hoạch. Đồng chí Hà Minh Khoa- Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Trước đây, lũy kế diện tích trồng cam, quýt của xã từng lên đến con số 800ha. Tuy vậy, có tới một nửa trong số này bị già cỗi, sâu bệnh phải chặt bỏ. Trồng lại không thành công, nên người dân đành bỏ hoang hóa hoặc trồng cây khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, rất lãng phí đất.

Biểu hiện của tình trạng cây cam, quýt già cỗi là ra quả cách năm, quả kém năng suất, chất lượng. Mỗi vườn chết một khoảng, năm ít thì mất vài héc ta, có năm mất hàng chục héc ta cam, quýt do nguyên nhân này. Cụ thể như năm 2010, bệnh greening và phấn trắng khiến 20ha cam, quýt tại khu Khuổi Cà, Khau Nộc phải chặt bỏ. Năm 2013, có 10ha cam, quýt tại khu Phiêng Lẹng cũng bị mất trắng do nguyên nhân tương tự. Theo tập quán, các hộ dân tại Quang Thuận thường trồng cam, quýt trên đất đồi là chính. Chỉ có khoảng từ 10 đến 15% số hộ áp dụng các biện pháp thâm canh như đốn tỉa, bón phân lân; hầu hết các hộ không bón bổ sung dinh dưỡng qua lá. Công tác bảo vệ thực vật ít được chú ý, đa số chưa dùng đúng chủng loại thuốc, thời điểm phun… Do vậy hiệu quả phòng trừ chưa cao, diện tích trồng có nguy cơ bị thu hẹp lại. Thường thì tuổi thọ bình quân của vườn cây ăn quả có múi từ 10 - 15 năm, nhưng thực tế nhiều vườn mới cho quả từ 5 - 7 năm đã có biểu hiện già cỗi, sức đề kháng suy giảm, vườn cây ăn quả thường bị rất nhiều loại sâu bệnh, vi sinh vật phá hoại như: bệnh vàng lá gân xanh (greening), vàng lá thối rễ, bệnh thối gốc…

Khi vườn cây bị già cỗi hoặc sâu hại nặng, người dân thường chặt bỏ để trồng lại. Do không nắm rõ nguyên nhân và cách xử lý phù hợp nên cây cam, quýt mới trồng lại phát triển kém, chỉ sống được 2 - 3 năm rồi chết. Các giống cây trồng khác được đưa vào trồng thay thế chưa phù hợp với thổ nhưỡng, không đem lại hiệu quả kinh tế. Vốn là cây ăn quả đặc sản cho thu nhập cao, việc bỏ hoang một số diện tích đất trồng cam, quýt từng bị già cỗi, sâu bệnh là sự lãng phí và gây thiệt hại rất lớn cho người dân địa phương. Do đó, việc phục hồi, cải tạo để đưa các diện tích vườn cam, quýt cũ vào canh tác trở lại là mối quan tâm bức thiết của địa phương.

Cải tạo đất bằng mô hình thâm canh bền vững

Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm một số cây trồng trên đất sau trồng cam, quýt và cải tạo vườn quả kém chất lượng tại xã Quang Thuận (Bạch Thông)" do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh chủ trì thực hiện. Được triển khai từ năm 2013, đến nay đề tài đã phát huy hiệu quả tích cực, được người dân địa phương duy trì, hưởng ứng.

Đề tài đã tổ chức hội thảo và các lớp tập huấn cho 30 hộ dân, trong đó 15 hộ tham gia ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững như: Cải tạo nâng độ phì của đất thông qua bón phân và trồng 1,4ha các loại cây có tác dụng cải tạo đất như cỏ Stylo, lạc dại, cốt khí; đối với các vườn quýt kém chất lượng nhưng gốc còn tốt, đề tài tổ chức cắt đi, ghép lại bằng mắt tốt. Trồng mới cây cam, quýt xen canh với một số cây ăn quả khác như: Hồng không hạt, trám ghép, sấu ghép, ổi Đài Loan, bưởi Diễn, nhãn chín muộn PHM 99-11... trên tổng diện tích 2ha. Đề tài đã hỗ trợ người dân về cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn người dân tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, bón phân... để tăng khả năng sinh trưởng, tăng năng suất và chất lượng quả. Chị Lê Thị Thu Huyền ở thôn Nà Chạp là một trong những hộ tham gia đề tài cải tạo vườn cam, quýt. Trước đây, 0,5ha vườn quả của gia đình chỉ được chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng sâu bệnh theo kinh nghiệm tự phát, do vậy năng suất đạt thấp. Nay được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, vườn quả phát triển tốt hơn, cây ra quả đều và cho thu hoạch đồng loạt.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kiểm tra, đánh giá sơ bộ kết quả triển khai đề tài. Qua khảo sát tại vườn của các hộ dân như: Lê Thị Thu Huyền, Bùi Thị Ngọc, Tô Văn Việt… cho thấy, các loại cây trồng thí điểm trên đất trồng cam, quýt cũ có tỷ lệ sống cao: Cam, quýt, bưởi tỷ lệ sống đạt 90%; nhãn đạt 95%, ổi đạt tỷ lệ sống 100%; sấu và trám ghép đạt tỷ lệ sống 70%. Các cây có tác dụng cải tạo đất như lạc dại, cốt khí phát triển tốt. Các vườn ghép cải tạo cây già cỗi với diện tích 1ha, mầm và cành ghép đang sinh trưởng, phát triển tốt. 02ha trồng thí điểm các giống cây ăn quả giống mới đang phát triển bình thường. Riêng cây ổi Đài Loan đã cho thu hoạch quả, được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế khá. Những vườn được tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, năng suất chất lượng quả có cải thiện rõ rết. Đánh giá qua đợt kiểm tra, tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định: Điều quan trọng nhất mà đề tài đã đạt được là chứng minh với bà con rằng: Vườn đồi từng phải chặt bỏ do cam, quýt già cỗi hoặc sâu hại vẫn có thể tiếp tục trồng lại cây cam, quýt cũng như một số giống cây ăn quả tiến bộ khác. Tại thời điểm kiểm tra, một số cây cam, quýt đã bắt đầu cho bói quả. Đây là tin vui cho người trồng quýt Quang Thuận.

Cây ăn quả- trong đó có cam, quýt được xác định có vị trí quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh. Chính vì vậy, những kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm một số cây trồng trên đất sau trồng cam, quýt và cải tạo vườn quả kém chất lượng tại xã Quang Thuận (Bạch Thông)" là rất đáng ghi nhận, cần được các địa phương trồng cây ăn quả tham khảo, áp dụng. Sau khi trồng khảo nghiệm đạt kết quả tốt, một trong số các giống cây ăn quả mới nói trên sẽ được lựa chọn để trồng xen canh hoặc trồng đại trà trên diện tích vườn cam, quýt hoang hoá. Điều này vừa giúp đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.


Có thể bạn quan tâm

Mận Tam Hoa Bắc Hà Tấp Nập Vào Mùa Mận Tam Hoa Bắc Hà Tấp Nập Vào Mùa

Năm 2014, toàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) có khoảng 118 ha cho thu hoạch, chủ yếu là diện tích tại các xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Lầu Thí Ngài và thị trấn Bắc Hà.

05/06/2014
Thu Nhập Cao Nhờ Rau An Toàn Thu Nhập Cao Nhờ Rau An Toàn

Cái tên “Hà Độ” được nhiều người biết đến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) bởi ông là người trồng rau an toàn (RAT) giỏi. Hiện gia đình ông trồng rau trên diện tích trên 1.500m2, mỗi năm trừ tất cả mọi chi phí vẫn còn thu nhập trên 180 triệu đồng.

06/06/2014
Ðệm Lót Sinh Học Tạo Đột Phá Mới Trong Chăn Nuôi Ðệm Lót Sinh Học Tạo Đột Phá Mới Trong Chăn Nuôi

Việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học (chế phẩm Balasa N01) trong chăn nuôi mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, việc ứng dụng đệm lót sinh học vẫn cần những cải tiến mới và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp để mô hình này có thể nhân rộng trong cả nước.

06/06/2014
Thu Nhập Khá Từ Trồng Cam, Quýt Thu Nhập Khá Từ Trồng Cam, Quýt

Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.

16/05/2014
Hệ Lụy Biến Đổi Khí Hậu Với Sản Xuất Vụ Xuân Hệ Lụy Biến Đổi Khí Hậu Với Sản Xuất Vụ Xuân

Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...

16/05/2014