Trồng Rau Nhút Cho Thu Nhập Khá

Mô hình trồng rau nhút hiện được 18 hội viên nông dân chi hội Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn (Cần Thơ) áp dụng cho thu nhập khá. Theo nhiều bà con, mô hình này dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định. Nhiều gia đình trước đây khó khăn về kinh tế thì nay đã vươn lên khấm khá, có cuộc sống ổn định cũng nhờ vào mô hình trồng rau nhút…
Mô hình trồng rau nhút được một số bà con ở Thới Hòa C thực hiện từ năm 2010, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả của mô hình đã thu hút ngày càng nhiều bà con tham gia, đến nay, có 18 hội viên thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) phường Long Hưng, do địa hình đất đai tại khu vực Thới Hòa C là đất trũng, trồng lúa cho hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều bà con đã chuyển sang trồng màu trong đó có mô hình trồng rau nhút. Mô hình này dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, mau có thu nhập.
Để tạo điều kiện cho hội viên chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang trồng rau nhút, bên cạnh việc tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với loại rau màu này, Hội ND phường còn bảo lãnh cho vay tín chấp đối với các hội viên có nhu cầu vay từ 7 đến 10 triệu đồng/người.
Cô Nguyễn Thị Mén, hội viên chi hội ND khu vực Thới Hòa C, một trong những người trồng rau nhút đạt hiệu quả kinh tế cao, bộc bạch: “ Tôi có khoảng 3.000m2 đất trồng lúa, do đất trũng nên làm lúa hiệu quả thấp.
Mặt khác, mấy năm nay sức khỏe chồng tôi không tốt không thể lao động vất vả như trước nên đầu năm 2014 này tôi chọn mô hình trồng rau nhút vì mô hình này dễ thực hiện, một mình tôi có thể đảm đương được mà hiệu quả kinh tế cao hơn làm ruộng 2-3 lần. Hội cũng bảo lãnh cho tôi vay 10 triệu đồng để làm vốn sản xuất”. Theo cô Mén, đầu tư cho ao rau nhút khoảng 3.000m2 này cô chỉ bỏ ra số tiền khoảng 10 triệu đồng để làm đất, mua rau giống về trồng và xịt thuốc sâu. Khoảng 15 ngày thì có thể cắt rau nhút bán.
Giá thương lái thu mua hiện nay là khoảng 5.000 đồng/kg, trung bình 7 ngày, cô Mén sẽ có một đợt cắt rau bán. 4 đợt gần đây ao rau nhút của cô đều cắt đạt từ 700-1.000kg, giá từ 5.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, trừ chi phí thuê nhân công cắt, bó rau phụ, trung bình mỗi tháng cho thu nhập khoảng 9-10 triệu đồng từ ao rau nhút.
Theo cô Mén, tuy mới thực hiện mô hình này nhưng qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người và từ sự quan sát của bản thân, cô nhận thấy rằng để các ao rau nhút phát triển tốt, xanh tươi, mập mạp thì cần phải thả nhiều bèo cám tạo độ mát cho mặt ao. Mặt khác, bèo cám này cũng có thể dùng để bán với giá khoảng 1.500 đồng/kg, giúp cô Mén cô thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, việc thu hoạch rau của 18 hộ trồng rau nhút cũng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ khoảng 50-60 người.
Vợ chồng chú Nguyễn Văn Bi, khu vực Thới Hòa C, tranh thủ thời gian nhàn rỗi tham gia thu hoạch rau nhút để kiếm thêm tiền đi chợ, phấn khởi cho biết: “Khoảng 7 ngày thì cô Mén và vài bà con khác kêu vợ chồng tôi đi phụ cắt rau. Mỗi giờ được trả công 20 ngàn đồng/người. Hai vợ chồng làm khoảng 2,5 giờ/ngày, thu nhập 90 ngàn đồng, công việc thường xuyên, ổn định, bà con làm việc chung rất vui”.
Anh Đặng Hoàng Vũ, một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình trồng rau nhút, cho biết thêm: “Tôi trồng rau nhút được 4 năm nay. Với diện tích ao khoảng 2.000m2, trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng của gia đình cũng đạt từ 3,5-4 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội ND phường Long Hưng, cho biết thêm: Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy mô hình trồng rau nhút mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và có khả năng nhân rộng nên đầu năm nay chúng tôi đã vận động 18 hộ trồng nhút tham gia vào mô hình “Tổ hợp tác trồng rau nhút”.
Qua đó, tạo điều kiện để các thành viên chia sẻ và giúp nhau về kinh nghiệm, giống rau, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa,… giúp mô hình ngày càng phát triển bền vững hơn. Qua đó, góp phần phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho bà con hội viên.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay đang vào mùa mưa, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bước vào vụ thả tôm nuôi mùa nước lợ. Đối tượng thả nuôi năm nay chủ yếu là tôm càng xanh, do vụ mùa qua, nhiều nông dân trúng đậm vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa, nhiều hộ đạt lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha.

Ngày 4/9/2015, Bộ NN và PTNT tổ chức cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh XK nông lâm thủy sản do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì. Đại diện VASEP, Phó Tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam đã báo cáo về tình hình XK thủy sản 8 tháng đầu năm và kiến nghị giải pháp thúc đẩy thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh nông sản nói chung và thủy sản nói riêng đang chịu trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp.

Từ đầu vụ cá nam đến nay, sản lượng khai thác cá cơm của ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) đạt năng suất cao. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho những người trực tiếp đánh bắt, mà các cơ sở sản xuất nước mắm cũng phấn khởi vì có đủ nguyên liệu cho vụ muối chượp 2015.

Huyện ủy - UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau - chi nhánh Bạc Liêu về việc chuẩn bị khai trương, kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau khi chi nhánh đi vào hoạt động.

Lợn Hương có đặc điểm gần giống với lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, săn chắc, lông dài, đuôi nhỏ, mõm thuôn dài, bốn chân nhỏ và chắc, giữa trán có đốm trắng, đầu và gốc lưng đuôi khoang đen đặc trưng.