Nghề Săn Tôm Hùm Giống
Đêm. Biển Quy Nhơn lấp lánh ngàn ánh sao sa, bồng bềnh như đùa giỡn trên những ngọn sóng. Chạy xe trên đoạn đèo quanh co, lượn lờ dọc bãi biển thơ mộng từ Bãi Xép (Quy Nhơn) vào Tuy An (Sông Cầu, Phú Yên), có cảm giác như sao trời đang tỏa sáng lung linh dưới chân mình. Ánh sáng lấp ló trên mặt biển ấy là ánh điện tỏa ra từ các lồng nhử tôm hùm con của ngư dân.
Bãi Xép (KV1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, là một trong những làng chài nằm dọc bờ biển từ Quy Nhơn vào Sông Cầu, mà hầu hết ngư dân làm nghề bắt tôm hùm giống.
Làng săn tôm
Làng chài nhỏ khép mình bên mép nước, nơi bãi biển bẻ thành một vòng cung ôm lấy những chiếc thuyền như một vành trăng khuyết. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng như một chiếc dù căng phồng thả xuống biển. Đẹp đến thơ mộng. Ở đó, Bãi Xép, cuộc sống luôn rộn ràng về đêm với những chuyến săn tôm hùm giống.
Theo kinh nghiệm của người làm nghề, tôm hùm thường phân bố nhiều ở vùng có vịnh, có bãi cát, rạn ngầm và thường tìm nơi trú ẩn an toàn ở các đám rong rêu, hóc đá. Biển đã ban tặng cho Bãi Xép cảnh đẹp và một nguồn hải sản vô tận, nhất là tôm hùm giống. Đã vài chục năm nay, nguồn tôm hùm giống trên thị trường khan hiếm là cơ hội để ngư dân ở đây làm giàu từ lộc biển.
Anh Bùi Minh Chương, khu vực trưởng KV1, cho biết: Làng chài có 130 hộ thì đã có hơn 100 hộ làm nghề khai thác tôm hùm giống. Trước kia, ngư dân săn tôm hùm chủ yếu bằng nghề lặn biển, vất vả và ít hiệu quả. Gần đây, họ chuyển sang dùng mành hoặc chà rồi thắp điện để nhử, trong đó cách dùng chà giải phóng sức lao động và hiệu quả cao.
Làng chài Bãi Xép cũng như các làng chài khác, nhà san sát, lối đi nhỏ và những đám trẻ con đen nhẻm chạy nhảy đùa giỡn mang cát vào tận nhà. Len lỏi trên các con đường, những cục chà hình khối bầu dục được bện bằng cây quýt gai, ô rô chặt từ trên núi chất lổn ngổn. Anh Thành, một ngư dân ở làng, giải thích: “Cái này được gọi là lọn chà, dùng để nhử tôm. Khi bị ánh sáng điện thu hút, tôm con vào trú ngụ trong lọn chà này và khó thoát ra được”.
Chừng 4 giờ chiều, bãi biển nhỏ này bắt đầu nhộn nhịp người đi ra biển. Họ xách theo can dầu khoảng 10 lít, đủ chạy máy nổ một đêm, đầu đội đèn pin, chèo thúng hoặc lái thuyền ra bè tôm. Tôi được Phạm Tấn Toán, một chàng trai biển hiếu khách, cho lên thuyền để tận mắt xem cách bắt tôm hùm giống của ngư dân Bãi Xép. Chạy hơn 20 phút, chiếc thuyền máy nhỏ của anh Toán đã ra tới khu vực bè tôm. Neo thuyền, anh lấy thúng chèo ra bè nhỏ, nơi đặt các lọn chà để sửa soạn cho một đêm nhử tôm.
Khu vực bè có một bè chính ở giữa để đặt máy nổ phát điện rồi tải điện ra thắp ở khoảng 10 lồng chà nhỏ xung quanh. Lồng chà được đóng bằng khung gỗ, rộng khoảng 10 m2, phía trên thắp bóng điện chữ U (110W), phía dưới thả lọn chà sâu từ 10 - 20 m để nhử tôm hùm chui vô. Khoảng 6 giờ chiều, Toán cho máy phát điện nổ. Khi bóng tối nhá nhem trên mặt biển, những bóng điện nương theo bóng tối hừng sáng.
Thắp sáng điện là thắp lên sự chờ đợi một đêm nhử được nhiều tôm.
Đêm giữa ngàn sao
Khi trên mặt biển phủ đầy bóng đêm là lúc ánh đèn sáng nhất. Cả mặt biển như bầu trời đầy sao, bồng bềnh, in từng vệt xuống mặt nước lung linh. Chủ một số bè gần bờ sau khi nổ máy thắp sáng điện rồi thì về, còn lại hầu hết những bè ở xa thì phải có người ngủ lại để canh. Đêm trên biển tịch mịch, chỉ có nhịp sóng đều đều vỗ lên mạn thuyền. Giữa muôn ánh đèn sáng lung linh ấy là những cuộc mưu sinh lay lật, mặn mòi trên sóng gió.
Trước kia, nhiều người dân Bãi Xép sống chủ yếu bằng nghề lặn, có khi lặn sâu đến vài chục mét nước. Nghề lặn lắm hiểm nguy chực chờ, nên sau này, nhiều người chuyển qua làm mành, vụ chính là mùa đông. Anh Toán kể, mùa đông lạnh, mưa nhiều, sóng lớn, mái che của thuyền không đủ để 3 hoặc 4 người nằm nên lúc nào cũng phải mặc áo mưa, ướt cả khi ngủ. Từ khi chuyển qua bắt tôm bằng chà, mỗi người tách ra làm riêng một mình, nhàn hơn nhưng buồn.
Mới 22 tuổi nhưng Toán đã có thâm niên trong nghề hơn 10 năm. Quen với đêm trên biển nhưng không thể làm quen với nỗi buồn. Mơ về một gia đình nhỏ nhưng đêm nào cũng chỏng chơ ngoài khơi, như một ngôi sao cô đơn trên mặt biển.
Anh Toán ngủ lại canh bè vì sợ máy điện trục trặc, điện tắt thì uổng phí một đêm thì ít, mà sợ bị trộm đồ nghề thì nhiều. Anh nhẩm tính: “10 bóng điện, giá mỗi bóng khoảng 200 ngàn đồng, rồi dây điện, máy phát điện, lồng bè... Tổng trị giá của bè tôm khoảng gần 50 triệu đồng là một tài sản lớn của nhiều người”.
Vì đã quen nên Toán nằm vài phút là ru được giấc ngủ ngon lành mặc cho có đêm mưa to, sóng lớn. Mặt biển dập dềnh hàng trăm chiếc máy nổ loại 24 ngựa. Tiếng máy gần, xa chen vào làm chuỗi âm thanh liên tục cứ lùa vào tai như một dàn đồng ca khổng lồ trên biển. Đêm là lúc những con tôm hùm con vừa mới được sinh ra đi tìm nơi ẩn náu.
Rạng đông rộn rịp
3 giờ sáng. Những ánh đèn pin bắt đầu loang loáng quét qua các lồng bè. Đó là thời điểm bắt đầu giũ tôm. Sau một đêm chong đèn, những lọn chà, nơi bóng tối và ánh sáng chiếu qua, nơi tưởng chừng an toàn mà những con tôm hùm con lựa chọn để trú ngụ, đã bị kéo lên. Mặt biển trước lúc bình minh thật rộn ràng.
Chúng tôi được sự tiếp sức của Phương, cậu nhỏ mới học lớp 8 nhưng đã ra dáng một chàng trai biển, chèo thúng chòng chành đi kéo chà cùng cậu ruột mình. Đêm đã thấm lên da một lớp muối biển rít rịt và mặn chát nhưng mỗi lần kéo chà loang vệt ánh sáng do tôm nhảy búng lên làn hơi nước rất nhẹ, mọi người lại rộn ràng hẳn lên. “Mỗi con tôm hùm giống giá dao động từ 200 - 400 ngàn đồng, mỗi lọn chà nhử được vài con là chất đầy niềm vui lên thuyền rồi”, Toán tỏ vẻ lãng mạn.
Chi phí cho một đêm tương đối ít, chỉ hơn 200 ngàn đồng tiền dầu cho máy nổ, bắt được một con tôm là đủ tổn, con thứ 2 trở lên là lợi nhuận. Vậy mà khi trúng mùa, có đêm anh Toán bắt hơn 200 con, bình thường thì vài chục.
Mỗi năm biển chỉ cho lộc tôm hùm giống được mấy tháng (từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch năm sau), chính vụ là tháng sau tết. Anh Chương hỉ hả: “Chưa năm nào trúng mùa tôm hùm giống như năm nay. Rất nhiều hộ thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng. Ngày cúng lăng cầu ngư năm ngoái chỉ có một con heo, năm nay (từ ngày 11 đến 13.4 âm lịch) đã có gần 10 con heo góp lại từ nhiều hộ làm ăn trúng biển”.
Phía đông, ánh sáng ngày càng ửng hồng, bình minh loang lên mặt nước soi rõ mặt từng người, tiếng gọi nhau í ới. Hơn 10 lọn chà đã được Toán giũ xong, tay cầm thẩu nhựa đựng đầy tôm hùm giống cùng nhiều ngư dân khác hớn hở quay thuyền vô bờ.
Giờ đang là cuối mùa tôm hùm giống. Sau lễ cầu ngư rộn ràng, tế thần tế biển xong, làng chuyển sang nghề khác: lặn ốc nhảy. Nghề vất vả hơn nhưng cũng hứa hẹn nhiều niềm vui từ biển.
Có thể bạn quan tâm
Hình thành hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, trồng trọt, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, phát triển cây con đặc sản... là những giải pháp đang được TP.Hà Nội ưu tiên thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương...
Việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ đến thời điểm này đã đem lại những hiệu quả khác biệt.
Để có lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/năm, gia đình anh Nguyễn Minh Diện đã kiên trì với mô hình “1 con, 2 cây” là nuôi lợn và trồng đào, quất bán dịp tết.
Cải thảo là loại rau dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Phía Bắc trồng từ tháng 8 – 10, phía Nam trồng từ tháng 7 đến tháng 4 sang năm, còn ở Đà Lạt, người dân trồng quanh năm.
Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện tại thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) là HTX điểm của Bộ NNPTNT, đã và đang thực sự khởi sắc về chất lượng, sức tiêu thụ.