Nghị Định 67 Và Nỗi Băn Khoăn Của Ngư Dân Quảng Trị
Ngày 25/8/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Đây được xem là cú hích cho ngành thủy sản cả nước trong đó có Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đang băn khoăn lo lắng mình không nằm trong danh sách được ưu tiên vay vốn đóng tàu vì chỉ tiêu phân bổ quá ít.
Nhu cầu cao gần 7 lần chỉ tiêu phân bổ
Quảng Trị hiện có 2.279 tàu cá nhưng tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ chiếm trên 82%. Vì vậy, những chính sách ưu đãi phát triển thủy sản mà trọng tâm là hỗ trợ cho vay đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ của Chính phủ được ngư dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 215 chủ tàu đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu có công suất từ 400 CV trở lên theo Nghị định 67. Tuy nhiên, kế hoạch phân bổ vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành cho Quảng Trị chỉ 32 chiếc (trong đó có 29 tàu đánh bắt, 3 tàu dịch vụ hậu cần) khiến không ít ngư dân băn khoăn, lo lắng vì sợ mình không lọt vào con số ít ỏi được vay vốn.
Ngư dân Bùi Đình Tiến, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết: “Một chuyến biến xa để được nhà nước hỗ trợ tiền nhiên liệu phải kéo dài 15 ngày nhưng thực tế qua quá trình sản xuất có khi chúng tôi chỉ đánh bắt 5 – 7 ngày, cá đã đầy khoang không có chỗ chứa.
Những lúc như vậy đúng là “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu quay về thì không đủ ngày quy định, tàu chúng tôi sẽ không được nhà nước hỗ trợ tiền nhiên liệu nhưng nếu nằm lại chờ đủ ngày để được hỗ trợ tiền dầu thì tàu nhỏ, điều kiện bảo quản sản phẩm sau khai thác không đảm bảo nên khi cá lên được bờ thì bị tư thương ép giá. Sắm được tàu to, máy lớn, trang thiết bị hiện đại là mơ ước bao đời của ngư dân chúng tôi.”.
Trong điều kiện hải sản gần bờ đã cạn kiệt, hướng vươn khơi bám biển là nhu cầu thiết yếu nhưng số lượng tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh 178 chiếc, chỉ chiếm 7,9% số lượng tàu thuyền toàn tỉnh. Với tỷ lệ chênh lệch giữa tàu xa bờ và gần bờ như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng khai thác biển của tỉnh.
Đặc biệt, theo ngư dân Võ Văn Bình, xã Gio Hải, huyện Gio Linh thì ngư trường những vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa rất rộng lớn, tàu nhỏ đánh bắt ở đây gió biển cấp 5, cấp 6 đã không chịu nổi huống gì trong điều kiện tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp như hiện nay làm sao đủ điều kiện để ngư dân thể hiện sức mạnh bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân và chủ quyền biển đảo.
Ông Bình cũng cho biết, chỉ vì tàu nhỏ, phương tiện lạc hậu nên tàu ông bị tàu nước ngoài đe dọa và cắt lưới. Vì vậy, khi nghe chính sách cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, ông Bình rất mừng và lập tức đăng ký danh sách nhưng giờ thì đang lo lắng vì thấy nhiều ngư dân trong tỉnh đều mong muốn đóng tàu công suất lớn vươn khơi nhưng chỉ tiêu ít như vậy không biết có đến lượt mình không?
Ai được, ai không?
Đó không chỉ là thắc mắc của ngư dân mà đó cũng là băn khoăn của chính quyền địa phương vùng biển vì các xã, thị trấn vùng biển có nhiệm vụ thống kê, rà soát, lập danh sách và giới thiệu những ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới trình UBND huyện thẩm định, xem xét trước khi đề xuất UBND tỉnh phê duyệt.
Theo ông Mai Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt (Gio Linh), toàn thị trấn hiện có 140 tàu khai thác biển, trong đó có 88 tàu đánh bắt xa bờ.
Sau khi có chính sách cho vay ưu đãi đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn vươn khơi theo Nghị định 67 của Chính phủ, cả 88 chủ tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn đều xin đăng ký được vay vốn đóng mới tàu theo chủ trương của Nhà nước, trong đó có 18 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu vỏ thép.
Với số lượng tàu phân bổ cho tỉnh ít như vậy thì thị trấn Cửa Việt sẽ được tỉnh phân bổ bao nhiêu chiếc? Và ai trong số 88 ngư dân đăng ký được vay vốn đang là bài toán khó cho địa phương vì thị trấn Cửa Việt là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh, hầu hết các chủ tàu cá đều đang hoạt động đánh bắt hiệu quả.
Ngư dân đều tâm huyết, có kinh nghiệm bám biển và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Do đó, ai được vay, ai không được vay là vấn đề đòi hỏi việc lựa chọn, xét duyệt phải phân minh, công bằng ngay từ cơ sở nếu không sẽ khó tạo được sự đồng thuận từ phía ngư dân.
Tại hội nghị triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nhiều ngư dân bày tỏ phân vân giữa việc đóng mới tàu vỏ thép hay vỏ gỗ bởi theo kinh nghiệm làm biển của ngư dân tàu vỏ thép chỉ phù hợp với nghề rê, bùng nhùng vì đây là nghề đánh thẳng nhưng còn nghề vây rút chì thì tàu vỏ gỗ phù hợp hơn vì nhẹ , cơ động, ngư dân quen thao tác nên dễ di chuyển, đổi hướng trong quá trình sản xuất hơn tàu vỏ thép.
Mặc dù chủ trương nhà nước đưa ra là đóng tàu vỏ thép hay vỏ gỗ tùy ngư dân lựa chọn nhưng nhà nước vẫn khuyến khích đóng mới tàu vỏ thép hơn, điều này thể hiện rõ ở mức cho vay và lãi suất cấp bù cao hơn tàu vỏ gỗ. Vậy với một mức chỉ tiêu hạn hẹp về số lượng tàu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho Quảng Trị, phải chăng những ngư dân đăng ký vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ sẽ ít có cơ hội được vay hơn tàu vỏ thép?.
Có thể thấy, nguyện vọng đăng ký vay vốn đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi của ngư dân trên địa bàn tỉnh khá lớn và chính đáng nhưng chỉ tiêu có hạn nên việc xét duyệt cần thực hiện nghiêm túc, công bằng ở các khâu, đồng thời khi triển khai thực hiện, các ngành liên quan cần cải cách, đổi mới, giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, tránh hiện tượng để ngư dân đi lại nhiều lần mất thời gian, công sức.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu các mặt hàng nông sản liên tục giảm, các nhà kinh tế cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian tới do những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới như đối thủ cạnh tranh phá giá đồng tiền.
Trong khi nhiều nơi nuôi tôm thẻ chân trắng ở Khánh Hòa bỏ ao, tạm dừng thả giống vì thua lỗ thì vùng nuôi tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh lại thắng lớn.
Tăng cường liên kết Để nông sản Việt Nam có được chỗ đứng vững chắc trong siêu thị, rất cần sự phối hợp của các đơn vị, nhất là sự liên kết giữa các bên để hướng đến nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm trưởng đoàn thanh tra.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm, nhưng gần đến kỳ thu hoạch thì bỗng nhiên tôm bị dịch bệnh rồi chết hàng loạt khiến người nuôi tôm ở nhiều địa phương tại Quảng Trị rơi vào cảnh trắng tay.