Hồng quân cây chịu hạn cho kinh tế cao ở vùng núi
Các nhà vườn trồng Hồng quân ở Tịnh Biên cho biết, thời điểm thu hoạch Hồng quân bắt đầu từ tháng 7al cho đến cuối tháng 9al, bởi vì cây Hồng quân cho nhiều lứa trái.
Bình quân mỗi cây Hồng quân trồng hạt có độ tuổi từ 15 năm trở lên cho năng suất khoảng 500 - 700kg mỗi vụ.
Cây chiết nhánh sau 1 năm trồng là cho trái và đến khoảng 5 năm tuổi cũng cho năng suất khá cao, từ 200 - 300kg mỗi vụ.
Cây Hồng quân là cây dễ trồng, chịu hạn cao.
Nhờ vậy mà cây mới sống được và phát triển tốt ở vùng núi.
Vào mùa nắng từ tháng 2 - 3 al thì cây rụng hết lá.
Cho đến tháng 4 và tháng 5al, khi có vài đợt mưa đầu mùa thì cây ra lá non, phát triển trở lại và bắt đầu trổ bông.
Bà con vùng núi cho biết, cây Hồng quân còn có tên gọi khác là Bồ quân, Mùng quân rừng.
Người dân ở vùng Bảy Núi phát hiện cây hồng quân mọc hoang cách đây khá lâu, khoảng giữa thế kỷ 19, cách đây hơn 100 năm.
Đây là giống cây có nguồn gốc ở các nước Châu Á nhiệt đới, tập trung nhiều ở Ấn Độ.
Ông Nguyễn Văn Y - 102 tuổi – Một Sơn dân sống ở Núi Cấm từ nhỏ và là một trong những người đầu tiên phát hiện ra cây Hồng quân núi.
Với nghề hành y, bốc thuốc cứu người nên người dân Núi Cấm quen gọi ông là Thầy Ba Lưới.
Hiện ông là Trưởng ban quản tự chùa Phật Lớn trên Núi Cấm.
Ông là người phổ biến giống Hồng quân bằng cách chiết cành để tặng cho bà con, họ hàng, bạn bè thân thích ở vùng Bảy núi.
Cho đến khoảng năm 2000 thì bà con vùng núi huyện Tịnh Biên đã phổ biến giống chiết cành để trồng đại trà xen vườn cây ăn trái vì thấy được hiệu quả kinh tế của cây trồng này so với các loại cây trồng khác ở vùng núi.
Hiện ở khu vực Núi Két và Núi Cấm còn vài cây Hồng quân trồng bằng hạt có tuổi thọ trên 70 - 80 năm.
Cũng có một thời, cây hồng quân núi được du nhập đến khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng không lâu cũng theo cơ chế “Trồng” rồi “Chặt” vì chất lượng không ngon (vị chua và chát cao) do không phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng.
Nói chung, cây Hồng quân trồng được ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chất lượng ngon và ngọt chỉ có ở các nơi miền núi nhờ hấp thụ các loại khoáng chất từ đất và đá núi.
Riêng ở vùng núi huyện Tịnh Biên, cây hồng quân được phát triển rộng với diện tích khoảng vài trăm ha trồng xen dưới tán rừng và các loại cây trồng khác vì đây là cây vừa chịu hạn, vừa thích nghi trong bóng râm.
Tuy Hồng quân được trồng ở khắp các vùng núi huyện Tịnh Biên nhưng chất lượng ngon nhất chỉ có ở khu vực Núi Két và Núi dài.
Hồng quân trồng ở khu vực này rất ngon và ngọt, bán có giá cao hơn các khu vực khác từ 1000 - 2000đ/kg.
Hầu hết các hộ có đất trên núi và ven chân núi khu vực Núi Két và Núi dài đều có trồng Hồng quân.
Hộ trồng ít thì cũng có vài chục gốc, còn hộ trồng nhiều đến vài trăm gốc.
Hiện nay là thời điểm thu hoạch rộ Hồng quân khu vực Núi dài xã An Phú.
Bà con ở đây cho biết, vụ Hồng quân năm nay thất hơn nhiều so với năm trước do thời điểm đậu trái vào tháng 5 và tháng 6 al bị hạn kéo dài và khi có mưa lớn đột ngột vào tháng bảy làm trái bị no nước nên rụng rất nhiều, giảm gần phân nữa năng suất.
Bù lại, năm nay bán Hồng quân được giá cao.
Đầu vụ, các thương lái đến tận nơi mua với giá từ 15 - 20.000đ/kg.
Vào vụ thu hoạc rộ từ đầu tháng 8 al đến nay thu mua được giá từ 10.000đ – 13.000đ/kg.
Bình quân, một vụ thu hoạch Hồng quân kéo dài khoảng 1 tháng với 4 - 5 đợt thu hoạch và mỗi đợt cách nhau từ 5 - 6 ngày.
Do đặc thù vùng núi không có nước tưới nên cây Hồng quân cho trái theo điều kiện tự nhiên, không thể xử lý cho cây ra trái đồng loạt hoặc nghịch vụ.
Đặc biệt, cây Hồng quân là loại cây sinh trưởng rất mạnh, nếu không khống chế sự phát triển thì cây không thể cho trái, hoặc cho trái rất ít khi đến mùa chính vụ.
Từ sự khô hạn đặc thù ở vùng núi kéo dài 4 - 5 tháng là điều kiện ức chế sinh trưởng, làm cho cây rụng hết lá, thay lộc mới, khi có mưa đến thì cây đâm lộc mới và ra hoa đồng loạt cũng giống như các nhà vườn vùng đồng bằng xử lý cây ăn trái nghịch vụ bằng cách tạo khô hạn cho cây.
Gia đình Bà Lê Thị Mây ở ấp Phú hòa, xã An Phú có 30 công đất trên Núi Dài, gần Khu Năm Giếng do gia đình nhận khoán giữ rừng sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng.
Bà Mây cho biết, từ mấy cây Hồng quân mọc hoang, gia đình đã nhân giống trồng xen dưới tán rừng được trên trăm gốc từ năm 2000 cho đến nay.
Mấy chục cây trồng hạt trong vườn bà Mây có tuổi thọ 15 năm và cho trái rất say, đạt năng suất khoảng 600 - 700kg/cây mỗi vụ.
Còn các đợt trồng chiết nhánh sau này cũng có thu hoạch được 2 - 3 vụ.
Năm nào cũng vậy, vào vụ thu hoạch Hồng quân, gia đình bà Mây có thu nhập cả trăm triệu đồng.
Khi hỏi Bà mây về điều kiện sống và làm vườn trên núi, Bà cho biết: “ở trên núi ai cũng trồng Hồng quân nên đã trở thành vùng trồng tập trung.
Khi đến mùa đều có thương lái đến mua.
Mình hái Hồng quân rồi đem xuống dưới núi cân cho lái.
Mình làm vườn trên núi thôi, còn nhà ở thì ở dưới núi.
Chỉ có ban ngày thì mới lên núi chăm sóc vườn, chăn nuôi thêm gà”.
Anh Trần Thanh Phong cũng ở ấp Phú Hòa, xã An Phú có 15 công đất trên Núi dài chủ yếu là trồng Hồng quân.
Vườn Hồng quân của anh có gần 100 gốc từ 2 năm tuổi đến 10 năm tuổi.
Cây nào cũng cho trái rất say và to nhờ tuyển chọn cây giống tốt để nhân giống.
Anh cho biết, vụ nào cũng thu hoạch được 4 - 5 tấn trái, thu nhập trên 50 triệu đồng.
Năm nay có hơi thất mùa do rụng trái non nhưng cũng đạt khoảng 4 tấn trái.
Theo giá thị trường từ đầu vụ thu hoạch cho đến nay thì khả năng thu nhập đến cuối vụ cũng có trên 40 triệu đồng.
Anh Phong vừa nói đùa, vừa chia sẻ: trồng Hồng quân cũng giống như “Làm chơi, ăn thiệt”.
Khi cây trồng “Bắt đất” rồi thì cứ giao phó cho “Ông trời” và đợi đến lúc cho trái thì thu hoạch.
Chỉ cần bón thêm ít phân NPK vào gốc sau đợt thu hoạch trái, khi thời điểm có mưa.
Trồng Hồng quân chỉ cực cộng hái.
Bình quân mỗi người chỉ hái được khoảng 80 - 100kg trong một ngày.
Nếu trồng nhiều, phải thuê mướn nhân công hái trái khi đến đợt thu hoạch rộ.
Ở Khu vực xã An Phú và các xã lân cận có một đội quân chuyên hái trái cây thuê khoảng vài chục người.
Có rất nhiều người chuyên mua mão vườn và thành lập đội quân riêng gần cả chục người để hái trái cây theo mùa vụ.
Nói chung, ở Tịnh Biên có rất nhiều mùa trái cây như: xoài, Hồng quân, vú sữa, mãng cầu dai, bơ… đã giải quyết công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động trong huyện.
Hiện nay, cây Hồng quân là cây trồng đang được bà con vùng núi phát triển xen canh dưới tán rừng và vườn cây ăn trái khác, vì đây là cây trồng vừa chịu hạn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
Hàng năm, huyện Tịnh Biên cung cấp hàng trăm tấn Hồng quân cho thị trường, chủ yếu là thị trường Campuchia, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Gần đây, nhờ phát triển tuyến du lịch và khai thác các điểm du lịch trong huyện nên Hồng quân bán tại chỗ cho khách tham quan rất được giá.
Tại thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên cũng có một cơ sở chuyên sản xuất và chế biến rượu Hồng quân.
Mỗi vụ, cơ sở này tiêu thụ cả chục tấn trái.
Còn rất nhiều lò nấu rượu trong huyện cũng sản xuất thêm rượu Hồng quân để cung cấp cho các mối đặt hàng, nhất là các quán ăn, các điểm dịch vụ du lịch và khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía nam.
Nói chung, trái Hồng quân là loại trái cây ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Theo Y học, cả thân, lá, rễ, trái Hồng quân đều có tính năng dược lý.
Đặc biệt, trái Hồng quân không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn có nhiều tác dụng về y học, nhất là chống lão hóa.
Vì những lý do trên mà người dân vùng núi huyện Tịnh Biên đã và đang hướng đến giá trị của cây Hồng quân, một cây trồng phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ngành chuyên môn của tỉnh và huyện cũng cần vào cuộc để định hướng phát triển vùng nguyên liệu Hồng quân cũng như việc gắn kết đầu ra tiêu thụ, không nên để cây Hồng quân phát triển tự phát để rồi rơi vào cảnh “Cung vượt cầu”, “Dội chợ, rớt giá”.
Trái Hồng quân vùng Bảy núi hiện đang chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia vì không có nơi nào ngon hơn.
Chính vì vậy mà ngành chuyên môn cũng cần hỗ trợ cho bà con vùng núi trong việc chọn dòng, lai tạo giống ngon, giống tốt để giúp bà con làm vườn đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, phát triển cây trồng đặc thù chỉ có ở vùng Bảy Núi.
Có thể bạn quan tâm
Với hai nhánh sông Chày, sông Son chảy qua địa bàn xã có chiều dài gần 12 km, Sơn Trạch (Bố Trạch- Quảng Bình) có điều kiện khá thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông.
Bất chấp thị trường cá tra vượt qua ngày tháng ảm đạm vừa qua, gần 100 chủ trang trại ở ĐBSCL vẫn nhiệt tình theo đuổi mục tiêu nuôi cá sạch, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở VN.
Đầu ra gặp khó, giá gạo XK của Việt Nam đã liên tục giảm xuống trong mấy tháng qua. Tuy nhiên nếu các DN còn tiếp tục giảm giá XK gạo xuống thấp thêm nữa, sẽ rất nguy hiểm.
Trồng màu bằng màng phủ có lợi thế là sự phản chiếu của màng phủ ngăn không cho sâu bệnh gây hại. Lượng phân bón không bị rửa trôi, tiết kiệm một phần chi phí, năng suất không hề thua kém so với cách trồng thông thường
Huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có diện tích trồng sắn khá lớn với trên 4.100 ha, năng suất đạt 18,5 tấn/ha, trong khi đó năng suất sắn toàn tỉnh đạt 19 tấn/ha. Để sử dụng hợp lý tài nguyên đất canh tác sắn, tháng 11/2011, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình trồng sắn xen đậu phộng trên đất đồi để đạt hiệu quả kinh tế cao.