Nghe thương lái gạ trồng chùm ngây, nông dân khóc ròng

Cây chùm ngây của bà con nông dân ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã cho thu hoạch lá, nhưng không có người mua
Nghe lời giới thiệu của tư thương đi bán cây giống nói chùm ngây bán rất được cho Trung Quốc, từ năm ngoái đến nay, nhiều hộ nông dân ở các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Yên Định (Thanh Hóa) đã trồng tự phát hàng chục hecta cây chùm ngây.
Đến đầu tháng 9 này, cây chùm ngây cho sản phẩm thu hoạch, nhưng bà con nông dân không biết bán ở đâu, đành chấp nhận thả nổi.
Theo phản ánh của bà con nông dân xã Cẩm Phong (huyện Cẩm Thủy), khoảng tháng 3-2014, có một nhóm tư thương ở tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh đến địa phương giới thiệu về cây chùm ngây, hứa sẽ cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Khi người dân đồng ý trồng, các tư thương bán giống chùm ngây với giá 170 triệu đồng/ha; đồng thời cam kết với nông dân bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg lá chùm ngây tươi; 130.000 đồng/kg lá chùm ngây khô.
Đến khi ở Cẩm Thủy, Thạch Thành, Yên Định trồng được hàng chục hecta cây chùm ngây thì không thấy tư thương đi bán cây giống đến nữa.
Bước sang năm 2015, cây chùm ngây bắt đầu cho thu hoạch lá tươi, người nông dân dở khóc dở cười khi không thấy tư thương trở lại địa phương thu mua sản phẩm chùm ngây như cam kết ban đầu.
Anh Nguyễn Văn Luyện ở thị trấn Cẩm Thủy - người đang thu mua các sản phẩm từ cây chùm ngây - cho biết cây chùm ngây cho thu hoạch từ lá tươi, lá khô, hạt, thân cây để làm thức ăn, thực phẩm chức năng, chè, bột dinh dưỡng…
Mỗi năm cây chùm ngây cho thu hoạch khoảng 30-40 tấn lá tươi/ha. Do đầu ra không ổn định, nên giá của các loại sản phẩm từ cây chùm ngây hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và một số nước khác.
Hiện nay, giá thu mua lá tươi tại địa phương chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng xuất đi rất chậm, vì mỗi tháng thị trường Trung Quốc chỉ nhập khoảng 5 tấn. Do vậy, sản phẩm cây chùm ngây đang ùn ứ trong dân rất nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dũng - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy - cho biết cây chùm ngây không có tên trong danh mục cây trồng nông nghiệp của huyện, của tỉnh khuyến cáo bà con nông dân trồng hằng năm.
Do bà con nông dân địa phương trồng tự phát khoảng 25 ha cây chùm ngây trên đất bãi bồi ven sông Mã, đất đồi thấp, hiện cho năng suất khá cao, trong khi đầu ra của sản phẩm không ổn định, khiến bà con nông dân lo lắng.
Hiện nay, phòng chức năng, chính quyền địa phương đang tuyên truyền, khuyến cáo người dân không phát triển diện tích cây chùm ngây, khi chưa tìm được đầu mối bán sản phẩm ổn định hằng tháng.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang tích cực tìm đầu mối để thu mua sản phẩm từ diện tích cây chùm ngây đã trồng thời gian qua cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển HTX phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các HTX và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được biết, vùng sản xuất lúa ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có thể vận chuyển lúa bằng xe tải hoặc ghe; hệ thống ô bao và tưới tiêu đảm bảo sản xuất đồng loạt đáp ứng được khối lượng lớn lúa mà doanh nghiệp yêu cầu; Hợp tác xã đủ năng lực để doanh nghiệp giao dịch ký hợp đồng.

Các tiểu thương cho biết, hiện giá gừng đã giảm một nửa so với cách đây một tuần. Hiện tại, giá gừng non chỉ ở mức 40.000-45.000 đồng/kg (lúc cao nhất lên đến 80.000-100.000 đồng/kg). Tuy nhiên với giá này vẫn còn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nông dân huyện Cao Lãnh tích cực hưởng ứng. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi tay, khối óc của mình.

Tàu KN 781 được đóng mới tại Công ty TNHH Đóng tàu Hạ Long theo thiết kế và chuyển giao kỹ thuật của Tập đoàn Damen (Hà Lan) với lượng giãn nước 2.400 tấn, dài 90 m, rộng 14 m, cao 7 m, được trang bị 4 máy công suất 12.016 mã lực, tốc độ hơn 21 hải lý/giờ, hoạt động liên tục 5.000 hải lý cho một hành trình và chịu đựng được các cấp độ sóng lớn.