Nghề Nuôi Tôm Hùm, Cần Quản Lý Và Phát Triển Bền Vững
Hiện các tỉnh duyên hải miền Trung có 8.000-10.000 hộ nuôi tôm hùm, sản lượng hằng năm đạt 1.385 tấn, đem lại nguồn thu 3.500 tỉ đồng/năm.
Sáng 31/3, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung”.
Theo Tổng cục Thủy sản, tôm hùm ở Việt Nam phân bố nhiều nhất tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tôm hùm hiện nay có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng phát triển. Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng thực sự phát triển từ năm 2000 đến nay, số lượng lồng nuôi ước tính có trên 41.000 lồng, nhiều nhất là tỉnh Phú Yên với trên 22.500 lồng, Khánh Hòa 16.300 lồng…
Theo thống kê, hiện các tỉnh có khoảng 8.000-10.000 hộ nuôi tôm hùm, sản lượng tôm hùm hằng năm đạt 1.385 tấn, chủ yếu là loài như tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ. Nghề nuôi tôm hùm đem lại nguồn thu 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững. Nguồn giống tôm hùm hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên.
Đáng ngại nhất là dịch bệnh trên tôm tùm xảy ra thường xuyên, với bệnh lý như trắng râu, long đầu… gây chết tôm. Trong khi đó công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, công tác quy hoạch vùng nuôi cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi. Đến nay, tôm hùm vẫn chưa có thức ăn nhân tạo, thức ăn chủ yếu của tôm là cá tạp, cua, sò nhỏ... gây ô nhiễm môi trường, người nuôi không chủ động được nguồn thức ăn, nhất là vào mùa đông.
Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, cho rằng để nghề nuôi tôm hùm lồng ổn định và bền vững, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, ở các lĩnh vực: Sản xuất giống nhân tạo, nghiên cứu giải pháp giảm ô nhiễm, giảm thiểu dịch bệnh, cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng, và mật độ nuôi phù hợp, đồng thời, sản xuất thức ăn viên nhân tạo cho tôm…
Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, cho biết để phát triển nuôi tôm hùm bền vững, trong năm 2014 này, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, vốn vay, giải pháp khuyến ngư, thị trường.
Trước mắt, Bộ NNPTNT sẽ thành lập tổ công tác, thực hiện việc điều tra dịch tễ, xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh trên tôm hùm ở các vùng nuôi trọng điểm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và chỉ đạo xử lý dịch bệnh trên tôm hùm. Đề nghị Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tiếp tục thử nghiệm phác đồ điều trị mới đối với bệnh tôm sữa, sớm ban hành quy trình phòng chống bệnh trên tôm hùm và kiểm tra giám sát thực hiện…
Tại diễn đàn, đại diện nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của người nuôi tôm, trên các lĩnh vực như: Kỹ thuật nuôi tôm hùm, chính sách cho vay đối với người nuôi tôm, phòng chống bệnh tôm hùm, nguồn thức ăn nhân tạo, điều kiện, mật độ nuôi phù hợp…
Có thể bạn quan tâm
Chiều 15.9, tại TP Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã chủ trì hội nghị bàn biện pháp củng cố mô hình khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) theo công nghệ Nhật Bản.
Nhiều lần đến với xã biển bãi ngang Vĩnh Thái, nơi tiếp giáp với địa phận tỉnh Quảng Bình về phía Bắc để tác nghiệp, chúng tôi đã biết được một số nghề đánh bắt hải sản mang tính thủ công ở đây như: Lặn biển bắt tôm hùm, bắn cá dưới đáy biển… Nhưng có một nghề cũng độc đáo không kém, đó là kiểu làm “nhà bẫy mực” dưới đáy biển!
Cá sặc rằn, còn gọi là cá rô tía da rắn hay cá rô tía Xiêm hay cá lò tho là một loài cá thuộc họ Cá tai tượng. Loài cá này là một món ăn quan trọng trong nền ẩm thực của nhiều nước, đồng thời nó cũng là một loài cá cảnh thông dụng.
Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng 10.000 tấn cá nước lạnh (7.287 tấn cá tầm và 2.713 tấn cá hồi), đó là mục tiêu cơ bản của dự thảo Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020. Mục tiêu này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý Quy hoạch phát triển cá nước lạnh được tổ chức ngày 16/9/2014 tại Lâm Đồng
Để làm được một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện hoàn toàn lệ thuộc nước trời như ở Cà Mau là một sự nhẫn nại, nhạy bén và đầy tính sáng tạo của nông dân rất đáng trân trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên mức độ thành công khác nhau, dẫn đến suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm từng người cũng khác nhau, khiến diện tích và bản đồ canh tác lúa trên đất tôm luôn biến động và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, phá vỡ quy hoạch, nhất là những năm thời tiết không thuận.