Đảm Bảo Nông Dân Có Lợi Nhuận Vụ Đông Xuân
Tính đến ngày 27-3, các doanh nghiệp TP Cần Thơ đã thu mua tạm trữ được hơn 20.278 tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014, đạt 14,8% chỉ tiêu được phân bổ. Hiện nông dân thành phố đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, việc đẩy mạnh thu mua tạm trữ của doanh nghiệp (DN) đã tạo điều kiện cho nông dân đảm bảo có lợi nhuận.
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2013-2014 ở ĐBSCL, thời hạn mua tạm trữ từ ngày 15-3 đến hết ngày 30-4-2014. Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày 20-3 đến hết ngày 20-9-2014; mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày 20-3 đến hết ngày 20-7-2014. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa lúa, gạo đúng quy chuẩn theo quy định thực hiện mua số thóc, gạo tạm trữ trên.
Đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ở vùng ĐBSCL trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức mua tạm trữ.
Trong đợt thu mua lúa gạo tạm trữ này, TP Cần Thơ có 23 DN (tăng 3 DN so với vụ đông xuân năm 2012-2013) được VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua 137.000 tấn quy gạo (so với vụ đông xuân năm trước tăng 7.000 tấn), trong đó doanh nghiệp có chỉ tiêu cao nhất là 19.000 tấn và thấp nhất là 2.000 tấn.
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, sau 12 ngày triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ, giá lúa gạo đã nhích lên 50-120 đồng/kg, có lợi cho nông dân; giá lúa tươi thường tại ruộng đang ở mức 4.400-4.600 đồng/kg, lúa hạt dài 4.600-4.800 đồng/kg và lúa Jasmine 85 từ 5.100-5.200 đồng/kg… Tính đến ngày 27-3, các DN đã thu mua được hơn 20.278 tấn quy gạo, đạt 14,8% chỉ tiêu phân bổ.
Các DN thu mua được số lượng tương đối như: Công ty Lương thực Sông Hậu hơn 8.534 tấn, Công ty TNHH Trung An 4.000 tấn, Công ty Cổ phần Hiệp Thanh 2.850 tấn, Công ty Cổ phần Hiệp Lợi hơn 1.625 tấn, Công ty TNHH Một thành viên Gạo Việt hơn 1.562 tấn, Công ty Cổ phần Gentraco hơn 1.106 tấn… Tuy nhiên, vẫn còn một số DN đang trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và chưa thực hiện thu mua tạm trữ.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn trong thu mua tạm trữ lúa gạo của DN như tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn, Thái Lan đang đẩy mạnh bán hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến tạm trữ và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ngoài ra, việc phân bổ chỉ tiêu của VFA chậm so với tiến độ thu hoạch lúa đông xuân trên địa bàn thành phố. Một số ngân hàng giải ngân, hỗ trợ cho DN thu mua tạm trữ còn chậm; điều kiện đưa ra là vay tín chấp một phần và thế chấp một phần, yêu cầu phải có hợp đồng xuất khẩu...
Các DN đề nghị các ngân hàng cho vay bằng hình thức tính chấp, quản lý bằng nguồn hàng thu mua để có điều kiện đẩy mạnh thu mua tạm trữ. Ngành công thương thành phố sẽ tích cực phối hợp với các ngân hàng vận động DN thực hiện đúng thời gian vay thu mua tạm trữ lúa gạo trong vòng 6 tháng, 4 tháng hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định.
Tính đến ngày 27-3, toàn thành phố nông dân cũng đã thu hoạch được hơn 79.236 ha lúa đông xuân 2013-2014, đạt 90% so với diện tích xuống giống. Năng suất lúa đông xuân 2013-2014 ước đạt 74,41 tạ/ha, tăng 2,36 tạ/ha so với cùng kỳ vụ đông xuân năm trước.
Vụ đông xuân năm nay, toàn thành phố thực hiện được 56 cánh đồng lớn (tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền và quận Thốt Nốt), với tổng diện tích 14.228 ha, đã được nhiều DN đăng ký thu mua, ký hợp đồng bao tiêu. Một số cánh đồng lớn ở các huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ đang thu hoạch rộ, các DN đã bao tiêu đạt 40-60% trên tổng diện tích liên kết bao tiêu với nông dân, tổ hợp tác…
TP Cần Thơ đã thu hoạch cơ bản lúa đông xuân 2013-2014, áp lực tiêu thụ lúa cho nông dân đang được đặt ra. Tuy nhiên, theo nhiều DN được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ, tại TP Cần Thơ có nhiều DN chế biến và xuất khẩu gạo lớn, đang góp phần tiêu thụ lúa gạo không chỉ của TP Cần Thơ mà cho vùng ĐBSCL. Do đó, vấn đề tiêu thụ lúa gạo cho nông dân TP Cần Thơ trong vụ đông xuân 2013-2014 không lo tồn đọng.
Nhiều DN cho biết sẽ đẩy mạnh thu mua tạm trữ lúa gạo, thu mua theo giá thị trường và sớm hoàn thành chỉ tiêu VFA giao. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: Thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ, đến nay công ty đã thu mua được trên dưới 4.000 tấn gạo gồm: gạo thường và gạo thơm.
Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thu mua lên và sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu thu mua 12.000 tấn. Công ty cũng đang cần mua lúa gạo do giá lúa gạo đang nhích lên. Thu mua tạm trữ này chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tiêu thụ lúa đông xuân cho nông dân, sau này có thể các DN sẽ mua tạm trữ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, tới đây các DN cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu cho nông dân. Ngoài ra, 2 năm nay thị trường xuất khẩu đầu ra sụt giảm, có sự cạnh tranh lớn giữa các nước xuất khẩu gạo, DN cũng rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong đẩy mạnh xúc tiến đầu ra sản phẩm lúa gạo…
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng: Đến nay, nông dân thành phố đã thu hoạch lúa đông xuân đạt 90%, việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo trên địa bàn thành phố bước đầu cơ bản suôn sẻ, nông dân bán được lúa và không tồn đọng, giá lúa đảm bảo được mục tiêu nông dân lãi khoảng 30%, trong đó lúa chất lượng cao và lúa thơm nông dân có mức lời nhiều hơn.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cho các DN thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ và các ngân hàng cho vay, để hoàn thành chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo được giao.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn cho DN, nếu vượt thẩm quyền báo cáo UBND thành phố kịp thời giải quyết. Sở Công thương có các giải pháp hỗ trợ DN trong tìm kiếm đầu ra sản phẩm, tiêu thụ hết lúa gạo thu mua tạm trữ trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện dự án liên tục đến năm 2017.
Đối với người làm kinh tế, doanh nhân và nhà quản lý, đôi khi những yếu tố, vấn đề rất xa nhau, tưởng chừng không có liên hệ gì với nhau, nhưng thực ra lại có mối liên hệ rất mật thiết, cái này chi phối quyết định cái kia và ngược lại.
Hiện do thời tiết thất thường, các loại sâu bệnh sẽ có cơ hội phát triển mạnh, gây hại cây tiêu. Trạm BVTV huyện khuyến cáo bà con trồng tiêu thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vườn nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Khu vực chăn nuôi theo mô hình khép kín bằng công nghệ sinh học của HTX Quý Long, xã Thái Long, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang) chỉ vỏn vẹn 400 m2, nhưng doanh thu của HTX đạt gần năm tỷ đồng/năm, lương bình quân xã viên hơn bốn triệu đồng/tháng.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 18.850 ha chè, tăng 1,02% so với năm ngoái, trong đó có 17 nghìn ha chè kinh doanh. Năm 2013, năng suất chè đạt khoảng 110,4 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 192 nghìn tấn, tăng 1% so với kế hoạch, tăng 3,8% so với năm 2012.