Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng Ở Huyện Cai Lậy (Tiền Giang)
Khi vụ lúa hè thu chính vụ ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch rộ cũng bắt đầu "mùa" của nghề nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen "chìm nổi" với nghề.
Có hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng, anh Trần Thế Vĩnh ở ấp Bình Trị, xã Bình Phú cho biết, nghề nuôi vịt nhiều rủi ro nhưng bù lại, nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh, đàn vịt mau lớn, đồng thời nếu chịu khó chạy đồng để vịt kiếm ăn no đủ sẽ giảm chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cao.
Không nhiều đất canh tác, thu nhập của gia đình anh Vĩnh phụ thuộc vào nghề nuôi vịt. Mỗi năm, anh nuôi 3 đợt theo vụ lúa, riêng vụ hè thu chính vụ thời gian "ăn đồng" dài hơn nên anh mạnh dạn tăng đàn. Hiện, anh đang cho chạy đồng đàn vịt nuôi lấy thịt gần 1.000 con, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc bươu vàng, lúa đổ nên tiết kiệm chi phí thức ăn công nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người nuôi vịt không mạnh dạn tăng đàn vì sợ rủi ro. Có thời gian, mỗi vụ anh phát triển đàn vịt trên 1.300 con và cho chạy đồng sang các địa phương lân cận. Khá vất vả, cực nhọc và tính chi phí chuyên chở không cho lợi nhuận bao nhiêu nên mấy năm gần đây anh chủ yếu cho vịt chạy đồng tại địa phương.
Trên các cánh đồng mới thu hoạch ở xã Tân Bình, ngoài vịt chạy đồng của nông dân địa phương, còn có đàn vịt hàng ngàn con của nông dân các tỉnh lân cận di chuyển đến. Đang thả đàn vịt 3.000 con mót lúa và cua ốc trên một cánh đồng ở ấp 2, anh Trần Hoàng (ở tỉnh Long An) cho biết, nuôi vịt chạy đồng hiệu quả nhất là mùa nước nổi vì nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thêm đồng ruộng vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu chính vụ, chạy đồng đủ mồi ăn nên vịt lớn nhanh, người nuôi sẽ giảm bớt chi phí. Ở mỗi cánh đồng, anh Hoàng trả cho chủ ruộng 10.000 đồng/công và lưu đàn vịt gần một tháng. Với hình thức chăn nuôi này, sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận khoảng 60%. Kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng, anh Hoàng luôn thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh để đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của ngành thú y.
Là một trong các huyện trọng điểm sản xuất lúa, nghề nuôi vịt chạy đồng ở huyện Cai Lậy khá phát triển, trung bình mỗi năm, có trên 200 hộ chăn nuôi vịt dưới hình thức chạy đồng. Tuy vất vả nhưng đây là nghề giúp không ít hộ có thu nhập đáng kể. Ngoài số lượng đàn vịt nuôi tại địa phương, sau mỗi vụ lúa, còn có vịt chạy đồng ở các địa phương lân cận di chuyển đến.
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh từ hình thức chăn nuôi thả rong này, ngành thú y huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm A H5N1, khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiến hành đăng ký chăn nuôi. Các địa phương theo dõi và quản lý chặt chẽ các đàn vịt từ nơi khác đến, giám sát việc tiêm phòng dịch bệnh. Thiết nghĩ, để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi vịt chạy đồng, rất cần ý thức và sự hợp tác của người chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Chị Ba, cư ngụ tại ấp II (Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang) thở dài, nói: “Sau một thời gian suy nghĩ, đắn đo lợi hại, cuối cùng tôi đã phải đứt ruột bỏ ra 20 triệu đồng thuê cơ giới san lấp 4.000 m2 (4 công đất) ao ương cá tra giống để tái trồng lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tới”.
Chiều 18.9, ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: Mưa lớn kéo dài suốt 5 ngày qua kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến nhiều diện tích hồ tôm nuôi của 15 hộ dân tại thôn Công Lương bị vỡ bờ bao và ngập úng nặng. Qua thống kê, hiện có 15 hồ nuôi với diện tích 4,5 ha trên địa bàn chịu ảnh hưởng, ước tính thiệt hại gần 3 tỉ đồng.
Đó là anh Bùi Sĩ Ngọc ở thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định). Cơ sở của anh chuyên ấp nở vịt xiêm và gà ta, với quy mô 2 lò ấp theo chu kỳ 5 ngày ấp nở được 1 lứa, sản xuất ra 5.000 con giống.
Mấy ngày qua, tình hình giá cá tra chẳng mấy khả quan khi chỉ khoảng 20.000 đồng/kg dưới giá thành sản xuất từ 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi vật giá đều nằm ở mức cao, khiến ngư dân “oằn lưng” chịu lỗ. Hàng loạt ao hầm tiếp tục bị “treo”, do người nuôi không còn vốn để tái đầu tư. Nhiều hộ, phải “nhường sân” cho doanh nghiệp hoặc các đại gia thuê nuôi cá tra.
Đó là mô hình nuôi gà ri trên nền “Đệm lót sinh thái” của chị Đoàn Thị Kim Uyên, ở ấp Phú Lợi B (Phú Kiết, Chợ Gạo - Tiền Giang) đã áp dụng có hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua, đặc biệt tránh được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường chung quanh, điều mà từ lâu nay hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn.