Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Vạn Ninh
Sau nhiều vụ ốc hương chết hàng loạt, nghề nuôi ốc hương ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã dần ổn định và phát triển. Tuy nhiên, do là nghề mang tính tự phát nên bà con ngư dân vẫn lúng túng, bị động khi phát triển nghề này.
Anh Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết do gặp rủi ro về dịch bệnh, nên những năm trước đây, diện tích trại, lồng, đìa nuôi ốc hương giảm mạnh. Nhưng đến nay, nghề này đã phát triển trở lại. Nếu như năm 2004, toàn huyện chỉ còn khoảng 25 hộ nuôi cầm chừng và 6 trại ốc giống, thì đến năm 2005 đã tăng lên 54 trại. Bà con ngư dân đã chủ động hoàn toàn trong việc sản xuất giống ốc hương nuôi thương phẩm. Số hộ nuôi ốc hương lồng và ốc hương đìa cũng tăng lên hơn 60 hộ. Hiện nay, bà con đang có xu hướng đầu tư mạnh vào nghề này.
Phong trào nuôi ốc hương của ngư dân Vạn Ninh còn mang tính tự phát, vì thế họ thường bị động trong quá trình sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế, chưa có một doanh nghiệp nào trực tiếp thu mua sản phẩm nhằm ổn định giá cho người nuôi. Phần lớn ngư dân tự lo tìm đầu mối tiêu thụ nên nhiều lúc không tránh khỏi bị thương gia ép giá. Năm nay tuy được mùa nhưng ốc lại rớt giá nên lợi nhuận không cao. Năm ngoái, ốc thịt có giá từ 150 - 160 nghìn đồng/kg. Năm nay hạ xuống còn 120 - 130 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, nhận thức về kỹ thuật nuôi ốc hương của bà con ngư dân còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Các bệnh của ốc do vi khuẩn, nấm và trùng lông gây ra trong thời gian qua chưa có thuốc chữa nên bà con chỉ phòng ngừa là chính.
Nuôi ốc hương có giá trị kinh tế cao. Nhưng sau nhiều đợt dịch bệnh xảy ra, người dân vẫn chưa hết lo lắng khi phát triển nghề này. Vì thế, hướng tới quy hoạch tổng thể vùng chuyên canh ốc hương, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cho ngư dân và tìm đầu ra ổn định cho thương phẩm là những vấn đề mà huyện Vạn Ninh cần quan tâm để giúp bà con yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Gần 2 năm nay, nghề nuôi óc hương ở Vạn Ninh được người nuôi trồng thủy sản chú ý. Bởi lẽ, nghề nuôi óc hương có thời gian nuôi trồng ngắn, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất cao so với nghề nuôi tôm hùm lồng. Hiện nay, toàn huyện đã có khoảng 80 lồng nuôi ốc hương, và số lồng nuôi sẽ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới.
Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biển
Vừa qua, người dân ở Vạn Ninh không khỏi bàng hoàng khi ốc hương nuôi chung với tôm hùm lồng tại khu vực thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng chết hàng loạt, trong khi ốc hương thương phẩm trên thị trường giá đang rất cao. Hầu như cơn 'đại dịch' ốc hương vừa qua không thể cứu chữa được, các cơ quan chức năng trong tỉnh phải bó tay. Theo ước tính ban đầu, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốc hương chết hàng loạt?
Ốc hương là loài động vật thân mềm, thuộc lớp chân bụng, phân bố rải rác dọc ven biển miền trung. Ốc hương còn là đặc sản biển, có giá trị dinh dưỡng và xuất khẩu cao. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ Thủy sản) đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống và nuôi ốc hương thương phẩm.
Ốc hương là loài thủy sản sống trong môi trường nước biển tự nhiên, có độ mặn khoảng 30-34 phần ngàn, có nhiều ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Lâu nay ngư dân chỉ biết khai thác từ tự nhiên. Vài 3 năm trở lại đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ Thủy sản) đã cho sinh sản nhân tạo thành công ốc hương và chuyển giao quy trình nhân giống, cung cấp giống bố mẹ và nguồn giống tảo lục làm thức ăn cho ấu trùng cho các tỉnh. Tiếp nhận quy trình này, Trạm Thực nghiệm Giống nuôi trồng thủy sản Cát Tiên (thuộc Trung tâm khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng thủy sản Bình Định) đã nhân giống ốc hương thành công.