Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn (Bắc Kạn)
Đưa dê lên núi
Xế trưa, thời tiết khá oi bức, theo chân đồng chí cán bộ khuyến nông xã chúng tôi vượt qua những dãy núi đá tai mèo trơn trượt, dựng đứng để đến thăm chuồng nuôi dê của gia đình ông Đinh Quang Hinh, thôn Choóc Vẻn. Dọc đường đi chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh những đàn dê nhở nha kiếm ăn trên triền núi, tiếng kêu “be, be” đã phần nào xua đi không gian im ắng của núi rừng. Phải mất chừng nửa tiếng mới có mặt tại khu vực Tềnh Chè, một địa điểm khá bằng phẳng nằm trên lưng chừng núi đá, giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì). Khu vực này có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, cây cỏ dồi dào, phong phú tạo thành bãi chăn thả tự nhiên và đây chính là nơi đặt 4 chuồng nuôi dê của gia đình ông Hinh.
Sau một hồi đi bộ leo núi, lưng áo đẫm mồ hôi chúng tôi bước vào lán trại của ông ngồi hưởng chút gió trời. Được biết, ông Hinh là thương binh vậy mà đã nỗ lực vượt lên khó khăn để trở thành một trong những tấm gương làm kinh tế giỏi của địa phương, đặc biệt là với nghề nuôi dê núi, là hộ tiên phong đến với nghề này.
Qua câu chuyện cởi mở ông cho biết: Gia đình ông bén duyên với nghề nuôi dê từ năm 2002, tuy nhiên thời kỳ đó do thiếu vốn, chưa biết kỹ thuật nên chỉ dám mua hai con về nuôi làm giống. Sau này nhận thấy thị trường tiêu thụ không mấy khó khăn nên ông đã tự mày mò nghiên cứu kỹ thuật nuôi dê, lấy ngắn nuôi dài dần dà ông cũng phát triển đàn dê lên khoảng hơn 20 con, giai đoạn nhiều nhất gia đình ông nuôi 50 con dê. Ông đã tìm địa điểm thích hợp để dựng chuồng trại, đưa đàn dê lên núi tận dụng khu vực chăn thả với khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, hạn chế dịch bệnh.
Theo ông Hinh, nuôi dê chỉ cần bỏ vốn ban đầu mua con giống, còn người nuôi không phải chi phí cho thức ăn và đầu tư nhiều vào chồng trại, hoàn toàn dựa vào đồi núi, thức ăn chủ yếu là từ cây cỏ tự nhiên, không những thế dê lại sinh sản nhanh, dễ nuôi. Mỗi năm ông xuất bán 2 lứa với trên 20 con dê thu về khoảng 40 triệu đồng. Ở vùng núi đá này phần lớn người dân đều nuôi dê theo hình thức bán chăn thả, sáng lùa đàn dê lên núi, chiều tối lùa dắt đàn về chuồng.
Ông Hinh đến với nghề nuôi dê đến nay đã được chục năm có lẻ và xây dựng cho mình một mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định. Thời điểm chúng tôi có mặt, trong chuồng của gia đình ông có gần 40 con dê, bình quân mỗi con đạt cân nặng từ 18 đến 30 kg thì xuất chuồng, chủ yếu là bán dê đực còn dê cái được giữ lại để tái đàn. Ông cho hay, các thương lái rất ưa chuộng dê núi ở Vũ Muộn vì chất lượng tốt, lúc nào cũng có nhu cầu mua, nhìn chung thị trường tiêu thụ khá thuận lợi nên các hộ dân trong xã yên tâm đầu tư vào phát triển tổng đàn. Tuy nhiên, nuôi dê không phải lúc nào cũng thuận lợi, người nuôi cũng phải đối mặt với khó khăn khi đàn dê bị dịch bệnh như xù lông, lở mồm long móng, vì vậy cần phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý.
Hiện nay hộ ông Hinh còn cung cấp dê giống cho bà con trong toàn xã, nhờ vào nghề nuôi dê mà kinh tế của gia đình ổn định, ông đã nuôi 3 con được ăn học thành đạt. Thời gian tới ông Hinh sẽ mở rộng thêm chồng trại và phát triển tổng đàn dê lên khoảng 80 con vì theo ông nguồn thức ăn cho dê ở khu vực này còn vô cùng dồi dào, trong khi thị trường tiêu thụ lại thuận lợi.
Để nuôi dê trở thành thế mạnh của Vũ Muộn.
Vũ Muộn là vùng đất có đặc thù nhiều đồi thấp, núi đá tạo thành bãi chăn thả tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đàn dê. Do ảnh hưởng của tiểu vùng khí hậu nên Vũ Muộn thường có rét đậm và mưa kéo dài nhiều ngày gây khó khăn cho một số cây trồng phát triển, vì vậy việc tập trung phát triển chăn nuôi đàn dê là hướng đi đúng, phù hợp. Nghề nuôi dê núi đã gắn bó với bà con trong xã từ hơn chục năm nay, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho người dân. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay xã Vũ Muộn có tổng đàn dê là 1.700 con tập trung nhiều tại các thôn Choóc Vẻn, Tốc Lù, Nà Kén, Đon Quản, Lủng Xiên. Hộ nhiều nhất cũng nuôi khoảng 50 con dê, hộ ít thì 20 con. Thay vì tự phát như trước thì giờ đây việc phát triển đàn dê núi đã được đưa vào chỉ tiêu kinh tế, xã hội của địa phương hằng năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Việc phát triển đàn dê núi ở Vũ Muộn có nhiều điều kiện thuận lợi như diện tích đồi núi đá rộng, có nơi chăn thả, con dê lại được đưa vào nuôi từ lâu phù hợp với khí hậu nên sinh trưởng tốt, phần lớn các hộ dân đều có kinh nghiệm trong chăn nuôi dê. Vì vậy, ở Vũ Muộn nghề nuôi dê đã và đang được phát triển mạnh ở 10/10 thôn.
Đồng chí Đinh Quang Cảm, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: Việc phát triển đàn dê thương phẩm đã được Đảng ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm bởi rất phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Vì vậy, xã đã khuyến khích các đoàn thể thành lập câu lạc bộ để tập hợp các hội viên tham gia trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi từ đó mở rộng, nâng cao chất lượng đàn dê thương phẩm hàng hóa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Vũ Muộn khóa XX đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng đàn dê lên 2.500 con, hằng năm tăng từ 200 con trở lên (trừ số đã xuất bán). Để đạt mục tiêu đó, Đảng ủy, chính quyền xã Vũ Muộn đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện phù hợp, cụ thể. Trong đó sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh để nghiên cứu tuyển chọn giống dê tốt, kháng bệnh, chất lượng thương phẩm tốt, cho thu nhập cao. Tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng đàn dê núi.
Khuyến khích các các hộ xây dựng thành trang trại với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên tư vấn, tập huấn kiến thức về phòng dịch bệnh nhằm phát triển đàn dê bền vững. Tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng tổng đàn, nỗ lực liên kết với các cơ sở để tiêu thụ dê thương phẩm cho bà con.
Có thể bạn quan tâm
Trại Giống nông nghiệp huyện Điện Biên thuộc Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp tỉnh, từ lâu là địa chỉ tin cậy cung cấp giống lúa tốt cho bà con nông dân trong tỉnh. Vụ chiêm xuân năm nay, ngoài nhận 18ha sản xuất lúa giống, Trại Giống còn cùng với nông dân sản xuất lúa giống với diện tích 100ha.
Năm nay, giá thành nhiều loại thủy sản, đặc biệt là các loại cá truyền thống như mè, chim trắng, rô phi đơn tính, trắm cỏ… có chiều hướng sụt giảm khiến người nuôi thả không yên tâm đầu tư. Trong khi đó, một số loại cá đặc sản như trắm đen, nheo… vẫn có giá khá cao, bình quân từ 100.000 đồng/kg trở lên. Do đó, một số hộ có điều kiện ở Phú Thọ đã chuyển từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các loại cá có giá trị cao và tạo được nguồn thu đáng kể.
Những năm qua huyện Mường Ảng đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó. cây cà phê được huyện xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hàng chục ha tôm tại Nghi Lộc và tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết nhưng nhiều người dân không báo cho cơ quan chức năng và không lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Trước mắt, một nguyên nhân đang được đưa ra có thể là tôm đã thả thẳng xuống ao sau quá trình vận chuyển từ xa về.
Với diện tích trên 95.000ha, phần lớn là đồi núi nên tỉnh ta có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng rồi vẫn không duy trì được lâu dài và chưa thể khẳng định là loại cây chủ lực cho người dân thoát nghèo.