Nghề chăn nuôi ở vùng đất lúa
Lúa trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Nhờ hưởng lợi đầu nguồn nước từ công trình thủy lợi Trúc Kinh nên lúa quanh năm xanh tốt và cho năng suất cao.
Nhưng năm nay diện tích trồng lúa ở xã Gio Quang gặp khó khăn vì hạn đầu vụ. Để thích ứng với tình hình thời tiết, chính quyền địa phương đã hướng nông dân chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi, tạo thêm thu nhập.
Mô hình nuôi dê của gia đình chị Hương gợi mở hướng sản xuất mới ở Gio Quang
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vụ hè thu nhưng nông dân ở Gio Quang vẫn chủ động tìm những hướng sản xuất thích ứng với diễn biến bất lợi của thời tiết. Gia đình anh Đỗ Tài Hòa và chị Trần Thị Hương ở thôn Vinh Quang Hạ vốn kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất 2,5 mẫu lúa và chăn nuôi vịt.
Do bị hạn đầu vụ hè thu nên vợ chồng anh chị đã vay ngân hàng 40 triệu đồng đầu tư nuôi dê và bò.
Khuôn viên ao hồ và chuồng vịt bị khô nước, vợ chồng chị cải tạo, nâng cao nền làm chuồng nuôi dê. Sau khi tham quan mô hình nuôi dê ở Cam Lộ, anh Hòa mua 5 con dê giống trưởng thành trong đó có 4 con cái và 1 con đực.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa về nuôi, 4 con dê cái đã đẻ 7 dê con.
Nhờ vậy đàn dê của gia đình anh Hòa nay đã có 12 con.
Chị Hương cho biết: “Vụ này không chỉ 2,5 mẫu ruộng bỏ hoang mà 500 con vịt mỗi lứa gia đình tôi cũng không nuôi được vì không có nước.
Nhờ chuyển sang nuôi bò và dê, chúng tôi đã tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên ở các bờ ruộng và rau trồng quanh nhà. Mọi năm, sau khi thu hoạch xong lúa, cân đối lương thực dùng trong vụ của cả gia đình còn thì chúng tôi bán hết để trang trải sinh hoạt.
Năm nay hạn hán chỉ làm được 1 vụ nên thu hoạch xong lúa đông xuân, gia đình tôi không bán lúa nữa mà giữ lại làm lương thực.
Hàng ngày, chồng tôi đi phụ thợ hồ kiếm thêm thu nhập, tôi thì tập trung chăn đàn dê và bò.
Nuôi dê đòi hỏi cẩn thận, tỉ mỉ hơn nuôi những con vật khác như chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, thức ăn phải khô. Bởi vậy, sáng phải để ráo sương trên cỏ mới thả dê đi chăn; chiều phải về sớm.
Dù vất vả nhưng mới nuôi một thời gian ngắn đã thấy hiệu quả vì 4 con dê mẹ đều sinh sản những con dê con khỏe mạnh. Gia đình tôi rất yên tâm sản xuất theo hướng đã chọn”.
Hiện ở Gio Quang đã có thêm hai nông hộ khác cũng tham gia nuôi dê là ông Lý Ngọc Hảo ở thôn Kỳ Lâm và ông Trần Đăng Hoài ở thôn Vinh Quang Hạ.
Đây là những mô hình chăn nuôi dê đầu tiên ở xã Gio Quang, gợi mở hướng làm ăn mới cho địa phương.
Ngoài nuôi dê, các mô hình chăn nuôi lợn, bò cũng phát triển nhanh chóng thay thế cho nghề chăn nuôi thủy cầm truyền thống ở địa phương.
Với tinh thần chủ động, chính quyền và nông dân xã Gio Quang đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất phù hợp với biến đổi của khí hậu mà các địa phương khác cần rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
So với cùng kỳ năm trước, giá lươn thu mua tại bồn thời điểm này tuy có thấp hơn chút đỉnh nhưng người nuôi lươn vẫn phấn khởi vì lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn trong bồn không sử dụng nhiều vốn, không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần chịu khó chăm sóc là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng sau 5 - 7 tháng thả nuôi.
Theo kết quả đánh giá về phát triển kinh tế của UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về phát triển nông nghiệp đến tháng 7/2012 thì khả quan nhất vẫn là chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là hươu.
Cây mía đã gắn bó với người dân Cà Mau từ rất lâu. Sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Cà Mau vẫn giữ lại một diện tích lớn để quy hoạch vùng trồng mía, chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.
Để giảm chi phí thức ăn, vịt thường được chăn nuôi chạy đồng, gắn với vụ gặt hàng năm. Nhiều gia đình nuôi tới hàng ngàn con, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào thì vịt chạy đồng là đối tượng dễ bị dịch cúm tấn công và là nguồn lây lan mầm bệnh. Do đó, đối với vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học thì hình thức nuôi vịt chạy đồng không được khuyến khích. Thay vào đó hình thức chăn nuôi có sự quản lý chặt chẽ trên một khu vực nhất định là biện pháp giúp bà con nông dân kiểm soát chặt chẽ sự xâm nhập của mầm bệnh vào đàn vật nuôi, tạo ra sản phẩm thịt sạch cho thị trường.
Đầu năm 2012, đề tài khoa học “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên chủ trì được áp dụng vào thực tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ nuôi tôm.