Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nở Rộ Mô Hình Kinh Tế Tập Thể

Nở Rộ Mô Hình Kinh Tế Tập Thể
Ngày đăng: 23/10/2014

Một trong những điểm nhấn của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh 5 năm qua là đã xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) làm ăn có hiệu quả. Từ đây, các HTX ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Phát triển HTX gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, mô hình nuôi cá tra hiệu quả của HTX Thủy sản Đại Thắng đã góp phần không nhỏ cho xã Đại Thành đạt danh hiệu xã nông thôn mới vào cuối năm 2013 vì thực hiện đạt tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất). Khi thành lập, HTX đã xác định được tính chất tự chủ, nên các thành viên đã đồng lòng góp vốn cổ đông làm các dịch vụ.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, cho biết: “Chúng tôi huy động được 120 triệu đồng để làm các dịch vụ, mở rộng phương thức làm ăn, tăng thêm thu nhập cho thành viên như: xây dựng tủ thuốc thủy sản; mua 2 máy hút bùn phục vụ cho hoạt động chăn nuôi và thu về lợi nhuận chung cho HTX. Ngoài ra, HTX còn cung ứng thức ăn cho cá, thu mua thức ăn trực tiếp với công ty sản xuất với giá ưu đãi để hưởng chiết khấu, cuối năm chia lãi cho thành viên”.

Ngoài việc chuyên cung cấp thức ăn và thuốc thủy sản cho thành viên với giá thấp hơn so với bên ngoài, HTX còn thành lập nghiệp đoàn kéo cá giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 lao động. Từ những việc làm trên, mỗi năm, tổng lợi nhuận của HTX thu về từ 100-200 triệu đồng (năm 2012 chia lợi nhuận là 10%/cổ phần, năm 2013 là 20%/cổ phần).

Đặc biệt, dù năm 2012, giá cá tra ngoài thị trường tụt xuống mức dưới 20.000 đồng/kg, nhưng HTX vẫn thu lãi hơn 900 triệu đồng. Năm 2013, tổng lợi nhuận của HTX và các thành viên là 2,5 tỉ đồng. Nhờ đoàn kết, dám nghĩ, dám làm mà HTX Thủy sản Đại Thắng đã không ngừng vươn lên, góp phần cùng địa phương để tạo việc làm cho lao động, cũng như xóa đói, giảm nghèo.

Đồng hành cùng xã Đông Thạnh xây dựng xã nông thôn mới, HTX Thạnh Lợi đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo, cải thiện kinh tế, trong đó có ông Huỳnh Văn Thép từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, vươn lên khấm khá. Ông Thép nhớ lại: “Khi vào HTX, được giúp vốn, kỹ thuật chăn nuôi heo mà mấy năm nay, tôi cất được căn nhà trị giá gần trăm triệu đồng”.

Ở đây, ông được chủ nhiệm (nay là Giám đốc HTX) bán chịu heo giống về nuôi, giúp mua lại thức ăn thừa giá rẻ từ các hàng quán ở thành phố Cần Thơ về cho heo ăn. Nhờ vậy, việc nuôi heo của ông hạ được giá thành đầu tư. Bây giờ, ông Thép còn nuôi heo nái, bán heo con chứ không chỉ dừng lại ở nuôi heo thịt như trước.

Còn anh Huỳnh Văn Thâu, ở ấp Thạnh Thới bây giờ cũng ổn định cuộc sống gia đình khi tham gia vào HTX Thạnh Lợi. Anh Thâu cho biết: “Hồi năm 2011, tôi cùng vợ đi làm công nhân ở Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Thấy một số người vào HTX được hỗ trợ nhiều thứ nên tôi tham gia theo. Ban đầu tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng mua heo con về nuôi, rồi để heo nái đẻ ra heo con, nhân giống từng lứa, hiện tại tôi đã có cả đàn heo gần chục con. Tôi và vợ đã quyết định nghỉ làm công nhân, ở nhà làm kinh tế vừa phụng dưỡng mẹ già, chăm con nhỏ”.

Hỗ trợ nhau cùng phát triển

Thành lập năm 2005, HTX Nông nghiệp Phước Trung, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A đề ra nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ cho các hộ thành viên làm kinh tế. Do vậy, trải qua các thời kỳ, Ban quản trị HTX luôn được các thành viên đồng tình ủng hộ, tích cực xây dựng và đóng góp công sức, nguồn vốn tích lũy để hỗ trợ nhau sản xuất, làm dịch vụ nông nghiệp.

Đến nay, số vốn lưu động HTX đã huy động lên đến trên 300 triệu đồng. Từ số tiền này, HTX đã đầu tư kho thu mua lúa cho thành viên và các hộ ngoài HTX. Từ lợi nhuận bán lúa hàng năm mà HTX đã mua được ghe chuyên chở, nhà kho chứa lúa.

HTX còn được Chi cục Thủy lợi tỉnh đầu tư cho 1 trạm bơm điện gồm 2 tổ máy bơm (trị giá 1,3 tỉ đồng) với công suất cải tiến, đảm bảo tưới tiêu cho gần 100ha ruộng trong khu vực sản xuất lúa 3 vụ, giúp thành viên HTX và các hộ lân cận giảm được hơn 10% chi phí bơm tưới hàng năm. Hiện nay, đời sống thành viên ai cũng khấm khá, thu nhập trung bình đạt 24 triệu đồng/người/năm, 100% thành viên có phương tiện nghe nhìn, kết nối internet. 

Không chỉ vậy, theo từng năm, HTX còn mở rộng quy mô, ký thêm hợp đồng sản xuất lúa để tạo thêm việc làm, thu nhập cho hộ trong và ngoài HTX. Ông Nguyễn Ngữ Anh, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, cho biết: “Ở gần HTX nên tôi cũng được hưởng lợi. Vụ rồi, nhờ ký hợp đồng với HTX sản xuất lúa thương phẩm, được Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long bao tiêu giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg, nhờ đó, tôi lãi thêm được 700.000 đồng/ha”.

Theo ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, trong những năm tới, HTX sẽ chú trọng đến việc tạo thương hiệu trên thị trường. Dự kiến, đầu năm 2015, HTX sẽ tự sản xuất, đóng gói bao bì lúa giống và ký kết thêm với các công ty để mở rộng quy mô sản xuất lên hơn 120ha nữa, giúp người trồng lúa ở địa phương cùng có thêm lợi nhuận.

5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể toàn tỉnh tăng lên đáng kể, gồm: 557 tổ hợp tác, đạt 139,25% so nghị quyết; 122 hợp tác xã, đạt 307,5% so với nghị quyết nhiệm kỳ đặt ra; thu hút hơn 117.000 thành viên tham gia và trên 7.800 lao động.

Còn ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, HTX Kim Ngân cũng giúp nhiều chị em nội trợ có thêm thu nhập từ việc tận dụng thời gian nhàn rỗi. Chị Nguyễn Thị Đà, ở xã Long Bình, là lao động của HTX, chia sẻ: “Tôi được HTX cho đi học nghề miễn phí, chỉ sau 1 tuần học, tôi có thể tự đan được giỏ. Nghề này không cần vốn liếng mà cũng có đồng vô đồng ra, có tiền cho con đi học”.

Anh Đinh Công Thủ, Giám đốc HTX Kim Ngân, cho biết: Sản phẩm của HTX có hơn 100 loại mặt hàng được làm từ các loại nguyên liệu như lục bình, dây nhựa, dây cói với nhiều kiểu mẫu bắt mắt. Hiện nay, HTX có khoảng 1.000 lao động làm công ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Hàng tháng, HTX có doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Từ đây, HTX đã chi trả lương cho 6 cán bộ quản lý trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Chỉ mới được 5 năm tuổi, nhưng tài sản của HTX khá lớn, với 1 xe tải 3,5 tấn, 2 kho chứa hàng, 1 ghe máy chuyên vận chuyển, thu gom sản phẩm. Người lao động làm thuê cho HTX có thu nhập trung bình từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ nông dân Nam Trà My gần 26,7 tỷ đồng phát triển sản xuất Hỗ trợ nông dân Nam Trà My gần 26,7 tỷ đồng phát triển sản xuất

Tổng kết Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nam Trà My, từ năm 2011 - 2014, tổng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư cho huyện hơn 4,2 tỷ đồng.

23/10/2015
Gần 5.000ha để trồng 5 loại cây dược liệu quý từ nay đến năm 2020 Gần 5.000ha để trồng 5 loại cây dược liệu quý từ nay đến năm 2020

Chiều 21.10, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp nghe Sở NN&PTNT báo cáo về quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

23/10/2015
Chính phủ báo cáo Quốc hội về TPP Chính phủ báo cáo Quốc hội về TPP

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII hôm qua 20.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015;

23/10/2015
Indonesia đã chấp nhận nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan Indonesia đã chấp nhận nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn báo Bưu điện Jakarta ngày 22/10 cho biết, Tổng thống Joko Widodo cuối cùng đã đồng ý nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo lượng gạo cung cấp cho thị trường trong nước và duy trì giá gạo ổn định.

23/10/2015
Hãi hùng heo sữa bẩn vẫn có dấu kiểm dịch Hãi hùng heo sữa bẩn vẫn có dấu kiểm dịch

Số heo sữa bẩn bị bắt dù không có giấy kiểm dịch nhưng đoàn liên ngành phát hiện trên thân heo đều được đóng dấu vuông, màu đen xác nhận kiểm tra thú y!?

23/10/2015