Ngăn sử dụng chất cấm một mình thú y làm không xuể
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hiền nói: “Chất tạo nạc hay tăng trọng thường được trộn vào thức ăn chăn nuôi. Heo sẽ phát triển lượng cơ và giảm mỡ tích lũy trong cơ thể nên lượng nạc tăng đáng kể. Tuy nhiên, sức đề kháng của những con heo này rất kém, dễ bị stress và chấn thương trong lúc vận chuyển đến lò mổ.
Do đó thương lái sẽ sử dụng thêm thuốc an thần để hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, loại thuốc an thần còn được sử dụng trong quá trình bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng thịt”.
* Nhiều người chăn nuôi cho rằng nếu không sử dụng chất cấm theo ý của thương lái sẽ mất trên 1 triệu đồng/con heo?
- Tôi cũng nghe người dân nói điều đó. Nếu đây là sự thật thì rất nguy hiểm và có nghĩa là đang tiếp tay cho sai phạm. Do vậy, vai trò của cơ quan thú y trong quản lý rất quan trọng. Trong quy định, cơ quan thú y phải kiểm tra thú xuất bán, vận chuyển, giết mổ và bày bán. Nếu nhân viên thú y làm tốt các công đoạn sẽ đảm bảo được kiểm soát này.
* Cơ quan chức năng kêu khó xử lý hình sự các trường hợp sử dụng chất cấm, vì sao thưa bà?
- Đúng là rất khó thực hiện bởi lẽ muốn xử lý hình sự rất phức tạp, phải đảm bảo các yêu cầu về nhân chứng, vật chứng, thiệt hại...
Trên thực tế, khi có sự hiện diện của chất cấm trong con heo có thể có nhiều nguồn như người chăn nuôi chủ động cho vào, công ty thức ăn, công ty sản xuất premix cho công ty thức ăn, công ty bán nguyên liệu... Nói chung sẽ rơi vào tình trạng đổ lỗi lẫn nhau.
Do đó tôi nghĩ nếu có một hệ thống thu mẫu, đánh giá trên các đối tượng đăng ký kinh doanh, thành lập hồ sơ cho từng đơn vị kinh doanh, kết quả xét nghiệm là cơ sở cho các hình thức xử lý và có tính lũy tiến.
* Các biện pháp chế tài hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện chưa đủ sức răn đe. Nếu không xử lý hình sự liệu có biện pháp chế tài hiệu quả hơn?
- Do xác suất bắt được các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rất thấp nên mức phạt vài triệu đồng chưa đủ sức răn đe, bởi thương lái đủ sức bù từ những lần trót lọt.
Do đó để ngăn chặn vấn nạn này, theo tôi, cần có phương thức quản lý theo đăng ký kinh doanh, lấy mẫu ngẫu nhiên theo định kỳ, đóng phạt lũy tiến, xử lý hành chính và tới mức rút giấy phép kinh doanh. Cái khó là sự kết hợp của cơ quan đơn vị khác nhau như thú y, kinh tế, công an. Vì cơ quan thú y không có đủ thẩm quyền, nhân lực làm điều đó.
Chăn nuôi tập trung để hạn chế chất cấm
Chỉ khi có một hệ thống kiểm soát, thu thập mẫu, xét nghiệm, đánh giá, xử lý rõ ràng và minh bạch mới có thể giải quyết được vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhiều cơ quan thú y địa phương cũng cố gắng hình thành hệ thống kiểm soát từ việc đăng ký hộ chăn nuôi, kinh doanh giết mổ, kinh doanh thịt tươi...
Việc lấy mẫu theo quy trình giám sát liên tục kết hợp xử lý vi phạm sẽ dần dần giúp người chăn nuôi và kinh doanh tự điều chỉnh. Tuy nhiên, vấn đề là có đủ nhân lực, nhân tâm và cơ sở pháp lý thực hiện hay không. Việc chăn nuôi tập trung và kênh phân phối quy mô lớn có lẽ sẽ góp phần vào việc cải thiện vấn nạn này.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi phiền hà đã làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước thiệt hại nhiều do phải lưu hàng tại cảng. Có doanh nghiệp cho hay, chi phí lưu container có khi lên tới vài chục tỉ đồng mỗi năm và doanh nghiệp không thể kiểm soát được chi phí này.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đề nghị tăng cường các biện pháp chống nóng cho vật nuôi.
Ngày 18/5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị "Biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của mía đường Việt Nam" với sự tham gia của đại diện nhiều DN mía đường trên cả nước.
Những ngày qua, nông dân bắt đầu cày ải, vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh hại lúa. Đối với những vùng trũng, thường bị ngập úng, nông dân đã chủ động gieo khô trước khi nước về.
Nhờ sáng kiến trồng rau ngót dưới tán hồ tiêu trên diện tích 7 sào đất nhà mình, ông Nguyễn Xuân Khoa, một nông dân ở ấp 3A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có thu nhập thêm mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng.