Cần Hỗ Trợ Người Dân Tái Canh Cây Cà Phê
Phần lớn diện tích cây cà phê Catimor tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được trồng trong giai đoạn 1990-1991. Tính đến nay tuổi thọ trung bình đã hơn 20 năm trong khi chu kỳ khai thác hiệu quả nhất của cây cà phê vào khoảng 12 đến 15 năm.
Do được trồng từ lâu, hiện nay nhiều diện tích cà phê đã già cỗi nên năng suất, chất lượng giảm sút rõ rệt. Một yêu cầu cấp bách được đưa ra hiện nay là cần nhanh chóng phá bỏ, thay thế những vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh này để trồng mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giữ vững thương hiệu cho cây cà phê Hướng Hóa. Nhưng một “điểm nghẽn” hiện nay đối với hầu hết nông dân muốn tái canh cà phê chính là vốn và kỹ thuật tái canh.
Ông Hồ Đăng Huyền, ở thôn Hòa Thành (xã Tân Hợp) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê được trồng từ năm 1994, hiện nay cây đã già cỗi, năng suất thấp, nguyện vọng lớn nhất của tôi là có được nguồn vốn để nhanh chóng thay mới vườn cà phê”.
Cũng theo ông Huyền thì trong thôn Hòa Thành có rất nhiều nông dân rơi vào trường hợp như ông. Còn ông Đỗ Văn Phương ở thôn Trằm, xã Hướng Tân, một trong những hộ trồng cà phê đầu tiên trên địa bàn xã thì cho hay: “Mấy năm gần đây giá cả lên xuống thất thường, đặc biệt là vụ cà phê năm rồi (2013) nên dù vườn cây già cỗi tôi vẫn chưa dám mạnh dạn tái canh”.
Được biết gia đình ông Phương canh tác 2 ha cà phê, 3 năm trước đã tái canh được gần 1 ha nhưng tỷ lệ cây sống chỉ ở mức 2/3 diện tích. Ông cho biết, các bệnh thường gặp đối với cà phê tái canh là hiện tượng thối rễ, rủ lá... chưa rõ nguyên nhân. Dù đã tích cực tìm hiểu và trồng dặm để thay thế cây chết nhưng cho đến nay hiện tượng đó vẫn không giảm.
Theo ông Nguyễn Hữu Sen, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Tân và nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng cà phê thì nếu muốn tái canh, mỗi hécta cần đầu tư khoảng 50 - 60 triệu đồng, bao gồm chi phí cho việc nhổ bỏ cây già, làm đất, giống mới, phân bón... Thời gian cây cà phê có thể bước vào kinh doanh tính từ thời điểm trồng mới kéo dài đến 3 năm nên với tình hình giá cả như hiện nay người nông dân không thể tự mình đảm đương được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Siêu, Giám đốc Ngân hàng No-PTNT chi nhánh Hướng Hóa cho biết: “Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn trồng cà phê trên địa bàn, ngay trong năm 2013 và đầu 2014, ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cấp, ngành đưa diện tích cây cà phê tại huyện Hướng Hóa vào chương trình vốn tín dụng hỗ trợ ưu đãi tái canh vườn cà phê. Hiện nay Ngân hàng No-PTNT chi nhánh Hướng Hóa đang dành một nguồn vốn rất lớn sẵn sàng cho người dân vay, đặc biệt là những hộ trồng cà phê có nhu cầu vay để tái canh”.
Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay có một tâm lý chung là người trồng cà phê vẫn còn e ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn mà nguyên nhân sâu xa là bởi giá cà phê trong những năm trở lại đây lên xuống thất thường, đặc biệt là trong niên vụ 2013 làm nông dân chưa thực sự an tâm để vay vốn đầu tư tiếp. Trong khi đó lãi suất vẫn còn cao, hạn mức cho vay tín chấp thông qua các hội, đoàn thể chỉ 50 triệu đồng/hộ.
Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp Hướng Hóa cho biết: Diện tích cần phải tái canh trên địa bàn huyện vào khoảng 2.000 ha, những năm qua nông dân đã tái canh khoảng 1.000 ha, diên tích còn lại sẽ được tiếp tục cho tái canh trong những năm tiếp theo.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, hàng năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoảng 300 triệu đồng của huyện, phòng đã hỗ trợ 100% tiền mua cây giống cho người dân. Bên cạnh đó phòng cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cho nông dân.
Tái canh những diện tích già cỗi để nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây cà phê đang là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay đối với người dân và chính quyền huyện Hướng Hóa. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ về vốn thì việc phổ biến kỹ thuật tái canh đến với từng hộ dân cũng cần được làm ngay.
Có một thực tế hiện nay là do tâm lý muốn nhanh chóng tái canh nên người dân tiến hành trồng mới ngay sau khi nhổ bỏ cây già nên hiệu quả tái canh thường không cao, tỷ lệ cây bị sâu bệnh vẫn còn nhiều nhưng vẫn chưa có sự vào cuộc một cách sốt sắng của các cơ quan chức năng.
Đối với người trồng cà phê Hướng Hóa dù giá cả vài năm nay có xuống thấp nhưng họ không thể bỏ cây cà phê bởi đối với hầu hết nông dân thì cây cà phê chính là cây trồng chính của họ. Cho nên, trong thời điểm hiện nay sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành liên quan sẽ giảm bớt phần nào khó khăn đối với người trồng cà phê ở Hướng Hóa.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi đó, giá gạo trong nước đang tiếp tục giảm mạnh do nguồn cung từ vụ hè thu đang tăng lên ở ĐBSCL. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã mua lúa với giá 6,6 triệu đồng/tấn vào 2 tuần trước, giá giảm xuống 4,2 triệu đồng trong tuần trước và chỉ còn 4 triệu đồng trong tuần này.
Hiện đang là thời điểm mùa vụ cá Nam, nhờ thời tiết thuận lợi, các vùng biển miền Trung và Nam trung bộ các đàn cá nổi liên tục với trữ lượng lớn, nên đã có nhiều tàu cá ra khơi khai thác trên các ngư trường. Nhìn chung bước khởi động đánh bắt vụ cá Nam đang có những tín hiệu tích cực.
Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng có ao mương, nên việc khai thác diện tích mặt nước để nuôi các loại cá nước ngọt được các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, như mô hình nuôi cá sặc rằn ở huyện Long Phú.
Vào năm 2012, nhiều chủ vựa cua trên địa bàn các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước... tỉnh Cà Mau đã lao đao vì bị quỵt nợ hàng chục tỷ đồng do mua bán cua với thương lái Trung Quốc kinh doanh không phép.
Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp cũng tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu và xuất hơn 21.330 tấn thủy sản (chủ yếu là tôm đông), cho kim ngạch xuất khẩu đạt trên 223 triệu USD. Theo các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay khá thuận lợi và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lãi.