Tài Văn (Sóc Trăng) Phát Triển Diện Tích Trồng Cỏ Nuôi Bò
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa – con vật chủ lực giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, một số địa phương đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ giàu dinh dưỡng và có năng suất cao để làm thức ăn cho bò.
Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), nhiều hộ đã chuyển hẳn diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cỏ nuôi bò
Gắn bó với nghề nuôi bò gần 10 năm nay, gia đình bà Kim Thị Sà Ranh ở ấp Chắc Tưng đã quen với việc mỗi ngày lặn lội hơn 5 cây số để tìm thức ăn cho bò.
Lúc đầu chỉ nuôi 1 con nên việc tìm cỏ khá dễ dàng, nhưng khi số đàn tăng dần, đến nay với 7 con bò trong đó có 3 con đang cho sữa và 4 con đang trong giai đoạn thúc ăn, thì lượng cỏ cần cung cấp là khá lớn. Để tiết kiệm thời gian, chi phí và nhất là công sức lao động khi phải tìm cỏ ở những nơi khác, vợ chồng bà quyết định chuyển hẳn 7 công đất ruộng sang trồng cỏ nuôi bò.
Bà Kim Thị Sà Ranh cho biết: “Gia đình tôi hiện có đàn bò sữa lên đến 7 con, tôi trồng 7 công cỏ cho bò ăn. Tôi thấy mình trồng như vầy lời hơn là mình đi cắt cỏ, vì mình không phải tốn tiền xăng, mình cắt một buổi, một buổi làm chuyện nhà, rồi chăm sóc bò, khỏe hơn mình đi cắt cỏ”.
Cỏ giống với giá bán 3.000 đồng/kg, sau một tháng trồng là đã có cỏ cho bò ăn. Để đa dạng hoá nguồn thức ăn này, bà con thường trồng nhiều loại cỏ khác nhau như cỏ sả, cỏ voi, cỏ Nhật hay cỏ lông tây. Nhiều hộ do có diện tích trồng cỏ khá lớn, thì ngoài nguồn cỏ nuôi bò nhà, bà con còn bán lại cho những các hộ khác với giá 500 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Tú ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn cho biết: “Theo tôi, nếu lấy ruộng trồng cỏ bán, với giá 500 đồng/kg sẽ lời hơn làm ruộng, bởi vì 1 công cỏ cho thu hoạch khoảng từ 2 tấn rưỡi đến 3 tấn cỏ 1 tháng, sau mỗi lần cắt mình bón 10 kg phân đạm thì chỉ cần 1 tháng sau mình lại thu hoạch nữa, chứ không phải như lúa 6 tháng đến một năm mới thu hoạch”.
Theo nhiều bà con, trồng cỏ nuôi bò không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí mà từ việc chọn lựa các giống cỏ chất lượng đã góp phần tăng năng suất và chất lượng sữa, đặc biệt hạn chế rủi ro về mầm bệnh khi bà con tự chăm sóc cỏ bằng việc tận dụng các loại phân hữu cơ trong chăn nuôi. Chính vì thế mà diện tích trồng cỏ ngày càng tăng, địa phương cũng đang hướng đến việc quy hoạch vùng nuôi hợp lý và bền vững.
Ông Hồng Thanh Bằng – Chủ tịch UBND xã Tài Văn cho biết: “Việc trồng cỏ hiện nay trên địa bàn xã Tài Văn có đến 243 hộ, với diện tích là 43,6 ha. Với diện tích này thì hiện nay cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển đàn bò của xã. Ngoài ra cũng có định hướng cho một số hộ dân, địa phương cũng đã quy hoạch vùng đất không hiệu quả về trồng lúa, đất gò cao, khuyến khích bà con cũng nên trồng cỏ”.
Nếu tính lượng cỏ tươi hàng ngày 1 bò tiêu thụ từ 30 - 40kg, thì lượng cỏ phải cung cấp cho tổng đàn bò tại địa phương là rất lớn. Trong khi nghề nuôi bò đang phát triển, nhất là khi Sóc Trăng triển khai Đề án Phát triển đàn bò sữa, thì việc trồng cỏ nuôi bò cần được mở rộng theo hướng quy hoạch hợp lý, để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 18.7, tại Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông (Sở NNPTNT An Giang) tổ chức Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học”.
Vài ngày gần đây, trên địa bàn xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh), hàng vạn con tôm sú bỗng dưng bị chết, gây lo lắng cho các hộ nuôi trên địa bàn.
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Từ TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), chúng tôi vượt qua 52 km đường nhựa, chạy về hướng đi Nha Trang quanh co đồi núi uốn lượn. Được chỉ dẫn tận tình của bà con, chúng tôi đến ngôi nhà ba tầng của hộ trồng vải đầu tiên ở xã Ea Kaly, huyện Krông Păk.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dự án nuôi cá và tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 5 hộ dân ở xã Trường Long Tây, Trường Long A và thị trấn Bảy Ngàn. Trong đó, có 2 hộ nuôi tôm càng xanh và 3 hộ nuôi cá ruộng với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng.