Nên Cơ Nghiệp Từ Nuôi Gà Giống
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nông dân Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi) ở ấp 3, xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trại giống chuyên cung cấp gà giống thả vườn. Gà giống của anh sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đấy.
Năm 2006, anh Lâm từ quê nhà (huyện Cái Bè, Tiền Giang) đến Đồng Tháp lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi, anh đầu tư chăn nuôi trên phần đất rộng hơn 7.000 m2 mượn của người thân. Ban đầu, anh nuôi gà sao, heo rừng rồi heo thịt nhưng đều thất bại. Sau nhiều lần thua lỗ nặng, anh Lâm quyết định chuyển sang nuôi gà vườn, mục đích ban đầu chỉ là nuôi gà thịt, vì thị trường khá ưa chuộng loại gà này do thịt ngon hơn gà công nghiệp.
Khi đàn gà ngày càng nhiều, nhận thấy nhu cầu gà giống khá cao, anh chuyển hẳn sang nuôi gà giống theo đơn đặt hàng. Hiện tại, tổng đàn gà giống của gia đình có hơn 400 con gà mái và 45 con gà trống với sản lượng khoảng 160 trứng/ngày. Đồng thời, cách nuôi gà của anh cũng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu cung ứng con giống sạch bệnh. Anh Lâm chia sẻ: “Đàn gà đều được tiêm phòng cẩn thận, nuôi nhốt riêng từng khu để tránh dịch bệnh. Vì vậy, chất lượng con giống được đảm bảo”.
Đàn gà đẻ trứng của anh Lâm được nuôi thành từng khu riêng với mỗi chuồng 12 m2 nhốt 11 con gà mái, 1 con gà trống. Nền sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh BALASA No1, trấu để đảm bảo chuồng sạch sẽ, phân gà sẽ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Theo anh Lâm, thấy người dân dùng đệm lót sinh học để nuôi heo, nghĩ có thể áp dụng để nuôi gà được thì làm thử. Khi sản lượng trứng nhiều, anh đầu tư 4 máy ấp trứng hiện đại hoạt động bằng điện. Trong đó, 3 máy công suất 500 trứng và 1 máy công suất 1.500 trứng/lượt để đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi xung quanh.
Hiện tại, cứ 3 ngày, gia đình anh Lâm cho xuất 1 lần gà giống với khoảng 350 con, giá bán 15.000 đồng/con. Nông dân muốn mua con giống đều phải đặt hàng trước 1 tháng. Cách làm của anh Lâm là sản xuất khép kín từ nuôi gà bố mẹ đến ấp trứng, bán con giống đảm bảo chất lượng, nên người dân rất tin tưởng.
Theo anh Lâm, đây là mô hình nuôi khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Do sản xuất không cung cấp đủ nhu cầu thị trường, dự kiến trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng quy mô lên gấp đôi theo mô hình trang trại hiện đại, sản xuất theo nhu cầu thị trường, khi nông dân đặt hàng mới sản xuất.
Mỗi năm, gia đình anh Lâm xuất bán hơn 40.000 con gà giống, doanh thu khoảng 600 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 60%. Thị trường tiêu thụ gà giống khá rộng từ Đồng Tháp đến Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long...
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, trên các trà lúa mùa của huyện đang xuất hiện bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn và ốc bươu vàng gây hại với tổng diện tích gần 340 ha, trong đó, hơn 60 ha bị ốc bươu vàng gây hại với mật độ hơn 20 con/m2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang chỉ đạo nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng để phát hiện các loại sâu bệnh, phòng trừ kịp thời.
Ngày 16-8, Hiệp hội An toàn thực phẩm và an ninh lương thực Châu Á (AFSSA), cùng với Hiệp hội An toàn thực phẩm Nhật Bản đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tổ chức Hội nghị quốc tế về an toàn thực phẩm và an ninh lương thực lần 2 tại Đồng Nai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp với UBND huyện Tân Hồng tổ chức triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn; thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện.
Tận dụng phụ phẩm từ vùng chuyên canh lúa, hoa màu (rơm, rạ, thân cây bắp...), để phát triển nghề nuôi bò vỗ béo là mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Theo Trạm Thú y huyện Lấp Vò, trong vài năm trở lại đây, số đàn bò ở huyện không ngừng tăng lên. Hiện toàn huyện có gần 3.000 con bò.
Trong nhiều năm qua, các chính sách chăm lo cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ quan tâm.