Né mặn trong mùa khô 2016
Ông Lê Văn Sánh, nông dân tại xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) làm vụ lúa đông - xuân sớm hơn 1 tháng so với vụ chính để “né” mặn.
Trong khi đó, việc tích nước tại các công trình hồ chứa phục cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2015 - 2016 gặp khó khăn.
Theo đó, nguy cơ xâm nhập mặn lấn sâu vào sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nông dân.
* Nguy cơ nhiễm mặn tăng
Theo nông dân ở các vùng ngập mặn của huyện Nhơn Trạch, đợt El Nino kỷ lục 1997 - 1998, một số nơi đã mất trắng vụ lúa đông - xuân vì bị nhiễm mặn nên nghe thông tin về đợt El Nino kỷ lục lần này, bà con cũng rất lo lắng.
Vài năm trở lại đây, tình trạng nhiễm mặn có xu hướng tăng dần gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Ông Hồ Văn Mai, nông dân ở ấp Bến Cộ, xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch), chia sẻ: “Do tình trạng nhiễm mặn ngày càng tăng nên vài năm nay tôi đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen, cây trồng chịu mặn tốt hơn.
Tuy nhiên, do mùa khô vừa qua mưa ít, nắng nóng kéo dài khiến nước trong đầm cạn hơn, độ mặn tăng nên hiện năng suất của sen chỉ đạt gần 50% so với những tháng trước”.
Với dự báo khô hạn năm 2016 sẽ khốc liệt hơn, năng suất của đầm sen rộng hơn 2 hécta của ông Mai sẽ khó cải thiện vì nguy cơ nhiễm mặn có khả năng ngày càng tăng từ đây đến mùa khô năm sau.
Ông Lê Văn Sánh, nông dân tại xã Đại Phước, cũng lo lắng không kém cho diện tích hơn 4 hécta lúa và ao cá sẽ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ nhiễm mặn tăng vào cao điểm mùa khô năm tới.
Theo ông Sánh: “Điều nông dân lo lắng nhất là hiện lượng nước về hồ chứa nước thủy điện Trị An thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
Nếu hồ giảm xả nước thì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm mặn của các xã ven sông Đồng Nai trên địa bàn huyện.
Chính vì vậy, nông dân chúng tôi rất mong được cung cấp thông tin đầy đủ và sớm về lịch xả nước và hoạt động của hồ chứa này để chủ động ứng phó với tình trạng nhiễm mặn”.
* Chủ động ứng phó
Chủ động ứng phó với nguy cơ nhiễm mặn tăng vào mùa khô 2016, nông dân huyện Nhơn Trạch, đặc biệt là các xã ven sông, như: Phú Hữu, Phú Đông, Đại Phước… chủ động điều chỉnh mùa vụ hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp.
Cụ thể, vụ đông - xuân năm nay, nông dân sạ lúa sớm hơn cả tháng so với thời vụ chính để “né” cao điểm nhiễm mặn trong mùa khô tới.
Do thời tiết thất thường, nhất là nắng nóng gay gắt, kéo dài gây nguy cơ dịch bệnh của con tôm thẻ nên hiện một số hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện cũng chuyển sang nuôi cua, cá nhằm hạn chế rủi ro do đợt hạn kỷ lục năm 2016.
Ông Trần Văn Phước, cán bộ giao thông thủy lợi xã Đại Phước, cho biết ứng phó với đợt hạn hán kỷ lục năm 2016, địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền để nông dân nắm thông tin, chủ động điều chỉnh mùa vụ cho phù hợp; tăng cường công tác tập huấn về phòng trừ sâu bệnh; nhất là hỗ trợ nông dân phục hồi và đưa vào sản xuất giống lúa địa phương có khả năng thích nghi tốt với đất nhiễm mặn…
Đầu tư mới, nâng cấp, nạo vét kênh mương… cũng được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm trong chương trình chống đợt hạn hán kỷ lục năm 2016.
Ông Lê Minh Nhật Thăng, cán bộ giao thông thủy lợi xã Phú Hữu, cho biết hiện dự án nạo vét đập Ông Kèo tuyến kết nối giữa 3 xã: Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh đang được triển khai với chiều dài hơn 7km.
“Khi dự án này hoàn thành, nông dân các xã trên không còn lo cảnh vào mùa khô, hệ thống kênh, rạch cạn nước khiến các phương tiện vận chuyển đường thủy không thể đi lại, gây khó khăn trong việc vận chuyển nông sản của bà con như tình trạng đã xảy ra trong vụ thu hoạch mía năm ngoái” - ông Thăng nói.
Tại Đồng Nai, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn, như: Nhơn Trạch, Long Thành… đã chủ động “né” mặn trong mùa khô 2016.
Trong đó, nhiều giải pháp được thực hiện, như: tập trung đầu tư cho hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh mương; chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cửa lấy nước; thay đổi thời vụ, chuyển đổi cây trồng…
Theo Trung tâm Quan trắc - kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường), 6 tháng đầu năm 2015, độ mặn của sông Đồng Nai là 0,03‰.
Độ mặn trung bình của sông Đồng Nai có xu hướng tăng.
Cụ thể, năm 2013 độ mặn trung bình là 0,026‰; năm 2014 là 0,029‰.
Mùa khô, thường vào tháng 1 là thời điểm độ mặn cao nhất, lên đến 0,1 - 0,15‰.
Đến nay, Sở Tài nguyên - môi trường đã lắp đặt 5 trạm quan trắc nước mặt tự động với chế độ quan trắc, theo dõi 24/24 diễn biến độ mặn và các thông số khác của nước sông Đồng Nai.
Trường hợp phát hiện độ mặn vượt chuẩn sẽ cảnh báo để các đơn vị cấp nước biết để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo ATTP nhưng việc tiêu thụ lại không dễ ngay cả khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có được những sản phẩm này.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương đã phối hợp với các thương vụ Đại sứ quán Việt Nam triển khai hàng loạt giải pháp: Cập nhật thông tin về nhu cầu, chính sách nhập khẩu các nước trong khu vực; giới thiệu tiềm năng xuất khẩu thủy - hải sản của Việt Nam...
Trong quá trình thực hiện mô hình, ông Đồng được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn hướng dẫn từ khâu xây dựng chuồng trại, hướng dẫn chăn nuôi, đến việc làm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. “Qua theo dõi, đàn gà thích nghi tốt, tỷ lệ hao hụt thấp (dưới 10%), tăng trọng nhanh.
Dù vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá tra của VN nhưng giá trị mặt hàng này xuất vào Liên minh châu Âu (EU) ngày càng giảm.
Mạnh dạn thử nghiệm cây trồng mới, ông Nguyễn Văn Đức ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương)trồng xen canh cây dó bầu lấy trầm hương với cây điều, cao su. Sau gần 10 năm chăm sóc, vườn cây hơn 4 ha của ông chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.