Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nay mai trồng cây gì?

Nay mai trồng cây gì?
Ngày đăng: 01/09/2015

“Trồng cây gì, nuôi con gì” là câu hỏi quan trọng nhất, thường xuyên nhất, đau đầu nhất với người làm công tác quy hoạch, chính sách.

Bằng tư duy chọn lựa theo tiềm năng, công tác này đã góp phần làm nên nhiều thắng lợi lớn của ngành… Tuy nhiên mọi vật không gì là mãi mãi, trồng cây gì cũng phải theo thời.

Lúa nước

Năm 1978, tôi vào nhận công tác tại tỉnh Đồng Tháp, ấn tượng sâu đậm nhất là tấm áp phích “Tất cả vì mục tiêu 21 triệu tấn lương thực” dầm chân trong nước lũ tại thị trấn Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh).

Ngày 2 bữa ăn bo bo hầm nguyên vỏ, thải ra trắng cả hầm cá, không ai nghĩ rằng 30 năm sau câu khẩu hiệu trên không những thành sự thật mà sản lượng còn cao hơn gấp 2 lần con số trên.

Với điều kiện sản xuất tuyệt vời, với hệ thống thủy lợi tốt nhất Đông Nam Á, với các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới và cả chính mình, với một năm 3 vụ lúa nối tiếp nhau lúc nào cũng có lúa chín trên đồng, với mức tăng 3,7%/năm, cao gấp 3 lần mức tăng dân số, cứ ngỡ câu vè “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” sẽ không bao giờ là nỗi ám ảnh nữa.

Nhưng thật bất ngờ cuộc khủng hoảng đẩu đâu năm 2008, khi mà Việt Nam từng bị năn nỉ mua gạo với giá 1.000 USD/tấn khiến cho nhiều người nghĩ vội đến an ninh lương thực, và vậy là 3,8 triệu ha đất lúa được đề xuất bảo vệ nghiêm ngặt và phân bổ cho các địa phương.

Hai tỉnh giáp ranh nhau là Long An và Tây Ninh bỗng trở nên trái ngược, Tây Ninh được phân bổ 81.000 ha nhưng cộng hết cũng chỉ còn 66.000 ha (diện tích thực trồng lúa chỉ 47.000 ha), còn Long An được giao 245.859 ha nhưng đã từ lâu tỉnh này đã có trên 250.000 ha. Tây Ninh không biết người dân bỏ lúa trồng cao su, củ mì tự bao giờ, còn Long An lại không hay dân phá tràm trồng lúa từ lúc nào.

Đấy là nói trên phương diện chính sách, còn với giác độ sinh học và kinh tế thì người nông dân của 2 tỉnh trên quả là thông minh.

Việc trồng lúa rồi cần phải được đắn đo nhiều hơn vì nước mỗi ngày một hiếm. Cả thế giới chỉ có 700 triệu người thiếu đói nhưng có tới 2 tỷ người khát. Hàng năm Việt Nam có 848 tỷ m3 nước nhưng chỉ có 327 tỷ m3 (38,6%) do mưa tại chỗ, còn lại do nước ngoài chảy vào.

Nếu cứ tưới theo tập quán mà chưa áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, 1 kg lúa SX ở ĐBSCL tốn 0,85 m3 nước, trong lúc đó 1 kg lúa ở Đông Nam Bộ tốn 1,5 m3.

Dự báo dân số Việt Nam sẽ dừng lại ở con số 120 triệu người, nhưng do đời sống ngày được nâng cao, nên mỗi người chỉ sử dụng 100 kg gạo/năm, vậy là cần 24 triệu tấn lúa hạng phổ thông cho tiêu dùng nội địa.

Nếu không có vụ nước biển dâng thì chỉ cần ĐBSCL sản xuất lúa thôi cũng đủ. Châu thổ này còn có 100.000 ha đất ở các cửa sông có thể trồng lúa gạo đặc sản chất lượng cao đủ dùng mà thương hiệu gạo Bãi Xàu đã từng nổi tiếng Hongkong trước cả Khaodawmali của Thái.

Mía

So với nhiều nước khác, Việt Nam kém cỏi cả về năng suất đường lẫn hiệu quả chế biến. Cùng điều kiện tự nhiên nhưng năng suất mía của Thái Lan lên đến 100 tấn/ha, chữ đường 11 còn chúng ta mãi cứ lẹt đẹt hơn 62 tấn/ha và chữ đường 10.

Thái Lan có 46 nhà máy sản xuất 10 triệu tấn đường và Việt Nam mình cũng có tới 41 nhà máy nhưng chỉ sản xuất 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên Việt Nam có vài chỗ không thua kém Thái đấy là mía đường Biên Hòa Tây Ninh và Hoàng Anh Gia Lai thu lợi lớn từ mía.

Bài học của Thái Lan và một vài điển hình của Việt Nam không nằm ngoài kiến thức nhập môn của người cán bộ mía đường, đấy là phải cơ giới hóa triệt để, cung đường vận chuyển mía không quá 35 km, nhà máy phải có công suất lớn, tỷ lệ thu hồi đường cao và công nghiệp đường chỉ thu lợi nhuận qua sản phẩm phụ, còn lợi nhuận từ đường phải chia hết cho nông dân.

Rồi đây chắc chắn mía đường Việt Nam sẽ lột xác, 60.000 ha mía hiện có của ĐBSCL có năng suất sinh học cao nhưng chữ đường quá thấp, chi phí chế biến quá lớn cùng các nơi trồng mía nhỏ lẻ sẽ bị xóa sổ nhường dư địa xây dựng vùng mía tập trung ở vùng đất cao, quy mô lớn.

Cà phê

Năm 2013 nhiều người bán tin bán nghi khi cà phê Trung Nguyên công bố sản phẩm của họ chiếm 32% thị phần cà phê hòa tan ở VN, vượt xa chàng lùn khổng lồ Nestle.

Con số trên được một số hãng tin nước ngoài dẫn lại nên nỗi thắc mắc vơi đi. Việt Nam mình có tới 653.000 ha cà phê, cho sản lượng 1,75 triệu tấn. Trong nhiều năm liền giá cà phê vối tại vườn ổn định ở mức thấp (36.000 – 42.000 đ/kg) nhưng diện tích trồng cà phê ở các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên vẫn tăng nhẹ.

Có nghĩa là không có cây trồng nào cạnh tranh nổi cây cà phê Robusta ở vùng đất được coi là tuyệt hảo cho cà phê.

Cà phê Arabica có 45.000 ha ở Lâm Đồng, Sơn La, Quảng Trị. Tuy có giá cao hơn, nhưng dư địa của Arabica không còn, vậy nên việc trồng cà phê Robusta chất lượng cao là hướng đi khả dĩ nhất.

Làm cà phê chất lượng cao không khó nhưng tăng lao động thu hoạch do chỉ hái khi cà phê chín, tăng chi phí chế biến do phải sấy không được phơi chồng, tuy nhiên sự chênh lệch về giá còn cao hơn chi phí tăng thêm.

Cao su

Một số người ở Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế có cao su bị gãy đổ vì bão năm 2013 hớn hở khoe “tái ông mất ngựa”, theo họ nhờ gãy vào lúc đó nên còn được hỗ trợ, còn hiện nay chẳng kêu được ai mà cũng phải chặt bỏ vì giá quá thấp.

Không những miền Trung nơi hứng nhiều bão tố, vùng Tây Bắc nơi chịu nhiều rét hại, sương muối mà ngay cả Tổng thống V.Putin cũng không thể ngờ được giá dầu mỏ lại xuống đến mức dưới 50 USD/thùng như hiện nay.

Năm 2001, từng có rất nhiều người chặt bỏ cao su vì giá quá rẻ và giá xăng cũng chỉ 5.000 đ/lít. Theo thống kê, chu kỳ giá cao su thường là 15 năm. Nếu đúng vậy thì giá mủ năm 2015, 2016 sẽ là đáy và hiện nay rất nhiều cao su bị thanh lý sớm nhưng được trồng lại ngay để đón giá cao ở 7 năm sau.

Tuy nhiên quy luật giá cao su trên tồn tại khi người Mỹ chưa có kỹ thuật khai thác dầu mỏ từ đá phiến và Trung Quốc tuy đã tỉnh giấc nhưng hãy còn ngái ngủ.

Với giá 230 đồng/độ tại vườn (23 triệu/tấn quy khô) như hiện nay thì chỉ có năng suất từ 2tấn/ha trở lên mới chống đỡ nổi qua cơn bĩ cực này.

Cây ăn hạt

Không kể cây mắc ca đang hot hiện nay, thế giới có tới 10 loại cây thuộc nhóm này mà đứng đầu là cây hạnh nhân, óc chó, dẻ, điều…, trong đó Việt Nam chỉ có điều.

Diện tích điều khi cực thịnh đạt 450.000 ha phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Từ năm 2006 đến 2012 do hiệu quả bấp bênh và cao su có giá cao nên diện tích điều giảm nhanh xuống 300.000 ha.

Tuy bị giảm cả về diện tích và sản lượng nhưng 8 năm qua Việt Nam liên tục là nước dẫn đầu về xuất khẩu nhờ vào hạt điều nhập khẩu từ châu Phi và thay đổi công nghệ hấp hơi nước thay cho chao dầu.

Năm 2014, doanh số xuất khẩu nhân điều đạt 2 tỷ USD và hiệp hội điều hy vọng năm 2015 sẽ còn tăng thêm, tuy nhiên giá điều nhân khó cao hơn bởi đã có sự tự điều tiết từ các hạt khác cùng nhóm.

Đã có nhiều hội thảo tìm biện pháp giữ diện tích và dần khôi phục lại vị thế cây điều nhưng chưa thấy chuyển biến bởi không có doanh nghiệp nào chịu xây dựng vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên nếu điều cũng áp dụng các biện pháp canh tác như cây trồng khác như bón phân, tỉa cành tạo tán, tưới thì năng suất, sản lượng điều sẽ tăng mạnh và nếu giá tốt, ổn định như vừa qua (26.000-30.000 đ/kg) thì lại có nhiều vườn điều thay thế cho cao su.

Mắc ca là cây trồng mới đang được kỳ vọng "cây tỷ đô". Tuy nhiên qua khảo sát số liệu 20 năm liền của Úc thấy năm thấp nhất giá chỉ 1,25 AUD (đô la Úc)/kg, năm cao nhất đạt 2,9 AUD/kg, bình quân chỉ 2,2 AUD/kg (khoảng 40.000 VND), trong lúc đó giá tại Việt nam 200.000 đ/kg (thậm chí 350.000 đ/kg) là giả tạo.

Ở Lâm Đồng đã có 22 vườn mắc ca trồng từ năm 2006, 2007 đã cho quả, trong đó có 1 hộ trồng thuần với mắt ghép mang từ Úc về và 1 hộ trồng xen cà phê với giống từ Viện Lâm nghiệp, năng suất ước đạt 2,5 tấn/ha (ở Úc đạt 4 tấn/ha).

Năm 2014, nhờ có dự án, diện tích mắc ca ở Lâm Đồng tăng vọt lên 629 ha nhưng không rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng giống trong lúc cả Úc và Trung Quốc lại hết sức coi trọng công tác giống, chỉ trồng giống ghép đã được khoa học và thực tế kiểm định.


Có thể bạn quan tâm

Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp, Nhìn Từ Đồng Tháp Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp, Nhìn Từ Đồng Tháp

Là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những kỳ tích khi đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) như Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp của Hà Lan, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), tỉnh Ibaraki (Nhật Bản),…

26/11/2014
1,45 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Phát Triển Chăn Nuôi 1,45 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Phát Triển Chăn Nuôi

Hội ND và Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh vừa tiến hành giải ngân 1,45 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh cho 58 hội viên ND nghèo, khó khăn thuộc 3 xã Phước Long Thọ, Long Mỹ và Phước Hội (huyện Đất Đỏ) thực hiện Dự án “Chăn nuôi bò thịt”.

20/06/2014
Hà Nội Chi 500 Tỷ Đồng Để Dồn Điền Đổi Thửa Hà Nội Chi 500 Tỷ Đồng Để Dồn Điền Đổi Thửa

Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố sẽ chi 500 tỷ đồng để chi trả, phân bổ cho các địa phương, cố gắng hoàn thành DĐĐT trong năm 2014.

20/06/2014
Quỳnh Nhai (Sơn La) Đất Ít, Vẫn Thu Nhập Khá Quỳnh Nhai (Sơn La) Đất Ít, Vẫn Thu Nhập Khá

“Đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp trong khi yêu cầu thu nhập của người dân ngày một tăng cao, đòi hỏi địa phương phải cấp bách tìm được những nguồn thu cao và ổn định” - ông Nguyễn Hoài Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai chia sẻ.

20/06/2014
Cần Đột Phá Khâu Trước Và Sau Nông Dân Trong Chuỗi Sản Xuất Nông Nghiệp Cần Đột Phá Khâu Trước Và Sau Nông Dân Trong Chuỗi Sản Xuất Nông Nghiệp

Dân Việt trân trọng giới thiệu bài viết “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân: Cần đột phá ở khâu trước và sau nông dân” của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

20/06/2014