Nâng Cao Chất Lượng Tôm Thẻ Chân Trắng Bố Mẹ
Năm 2014, dịch bệnh trên tôm nước lợ vẫn diễn biến phức tạp. Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, tổng diện tích tôm bị bệnh trên cả nước tính đến tháng 2/2014 lên tới khoảng 22.600 ha, chiếm 3,33% tổng diện tích thả nuôi cả nước, trong đó nặng nhất là tôm sú với gần 60% diện tích bị bệnh. Đặc biệt, bệnh đốm trắng có chiều hướng phức tạp hơn, với diện tích bị bệnh tăng gấp 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, trong năm 2014, với hiện tượng thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, đã xuất hiện hiện tượng tôm chậm lớn, có nơi nuôi đến 120 - 130 ngày mới có thể thu hoạch được. Một trong những nguyên nhân được người nuôi và các nhà khoa học đánh giá là do chất lượng tôm giống.
Trước tình trạng đó, để vụ tôm năm 2015 triển khai thuận lợi và có hiệu quả, ngày 12/12/2014, tại Bình Thuận, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận và Liên hiệp các hội KH&KT Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học “Quy trình lai tạo, chọn lựa và giải pháp nâng cao chất lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ” nhằm tìm ra các nguyên nhân, giải pháp kiểm soát trong nuôi tôm nước lợ ở những vụ nuôi tiếp theo. Tham dự hội thảo có trên 200 đại biểu đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, các hiệp hội tôm giống, nuôi tôm tại các tỉnh có nghề nuôi tôm phát triển và đại diện một số nhà xuất khẩu tôm bố mẹ vào Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển một cách bền vững, chúng ta cần làm rõ thực trạng sản xuất tôm giống để chỉ ra những bất cập, hạn chế còn tồn tại, đưa ra những giải pháp căn cơ tập trung cho các nhóm đối tượng: nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ sở sản xuất giống và kiểm soát các nhà xuất khẩu giống tôm bố mẹ vào Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, hiện nay nghề nuôi tôm còn tồn tại một số bất cập như: Chất lượng giống tôm chưa được kiểm soát một cách hiệu quả, sự phối hợp kiểm dịch giữa 3 tỉnh có nghề tôm giống phát triển mạnh là Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận chưa chặt chẽ; Người nuôi tôm thương phẩm vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất, thuốc thú y chưa đúng quy định; Hệ thống thủy lợi chưa được quy hoạch và đầu tư đúng mức, dẫn đến khó kiểm soát sự lan tràn dịch bệnh.
Tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã giới thiệu hướng nghiên cứu và phát triển giống tôm chân trắng ở Việt Nam và một số kết quả bước đầu đạt được.
Cũng tại Hội thảo, đại diện công ty CP đã giới thiệu về quy trình lai tạo, chọn lọc giống tôm thẻ chân trắng để xuất khẩu vào Việt Nam. Theo đại diện Công ty này, chi phí cho chọn tạo giống tôm bố mẹ hàng năm của công ty lên tới khoảng 6,5 triệu USD với quy trình chọn tạo kỹ càng và được kiểm soát chặt chẽ.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, trong thời gian tới, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu vào Việt Nam, thông tin rộng rãi cho người sản xuất về số lượng, xuất xứ nguồn gốc tôm nhập về. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc ghi nhãn, bao bì trên tôm giống khi xuất bán cho người nuôi.
Đại diện Hiệp hội tôm giống kiến nghị các cơ quan quản lý cần tìm hiểu, khảo sát thực tế để chọn lựa thêm công ty sản xuất tôm bố mẹ trên thế giới có chất lượng để người nuôi có thêm sự lựa chọn khi mua tôm bố mẹ, tránh tình trạng khan hiếm, độc quyền; Có chiến lược phát triển đàn tôm bố mẹ tại Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng trà trộn tôm bố mẹ kém chất lượng vào các lô tôm đã được kiểm tra; Xử lý nghiêm những doanh nghiệp sản xuất Nauplius không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ tôm bố mẹ; Tôm giống khi xuất bán phải ghi rõ nhãn mác trước khi kiểm dịch.
Với những quyết tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, người sản xuất giống, người nuôi và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Hy vọng vụ tôm 2015 sắp tới sẽ đạt những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra trong đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.
Trở lại xã Quảng Sơn vào những ngày giữa tháng ba, chúng tôi gặp nông dân địa phương khẩn trương thu hoạch mía đường. Hàng chục chiếc xe tải xuôi ngược đi về chở mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường Phan Rang.
Ông Châu Văn Quầy, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) tuy đã bước qua tuổi ngũ tuần nhưng ông vẫn còn mang dáng hình vạm vỡ, rắn rỏi của con người yêu lao động.