Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Xăng Dầu Giảm, Ngư Dân Bớt Gánh Nặng

Giá Xăng Dầu Giảm, Ngư Dân Bớt Gánh Nặng
Ngày đăng: 18/12/2014

Nhiên liệu thường chiếm 2/3 chi phí trong mỗi chuyến biển của ngư dân. Vì vậy việc giá xăng, dầu các loại liên tục giảm trong thời gian qua đã giúp ngư dân phấn khởi, bớt gánh nặng chi phí để vững tâm ra khơi bám biển…

Từ 13 giờ ngày 6.12, giá xăng, dầu tiếp tục giảm lần thứ 11 trong năm. Cụ thể, giá xăng A92 giảm 320 đồng/lít, hiện còn 19.930 đồng/lít; dầu diezen giảm 240 đồng/lít, hiện 18.410 đồng/lít; dầu ma-dút giảm 320 đồng/lít, hiện 15.190 đồng/lít.

Giảm chi phí, tăng thu nhập

Dù chưa về đến cảng Sa Kỳ nhưng tàu cá của ngư dân Đỗ Thanh Huy, ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã được rất nhiều đầu nậu và thương lái chờ đợi. Về điều này, theo giải thích của một đầu nậu tên Lan là bởi “nghe tin tàu chú Huy toàn cá chuồn xanh.

Mà loại cá này đang bán chạy lắm”. Hẳn thế mà ngay khi tàu buông dây neo cập cảng, các đầu nậu đã thi nhau hô giá. “30.000 đồng/kg, 31.000 đồng/kg, rồi 33.000 đồng/kg”...

Đáp lại thái độ sốt sắng ấy, anh Huy chỉ cười, rồi quyết định bán toàn bộ số cá sau hơn một tháng bám biển Hoàng Sa cho một bạn hàng ruột với giá rất mềm: 31.000 đồng/kg. Lý do “buôn có bạn, bán có thời. Lúc cá đang khan hiếm mà quên bạn, bán cho người khác thì lỡ khi cá ế, hoặc gặp khó khăn thì mình nhờ được ai”, anh Huy nói thế rồi giao việc bán cá cho vợ con, còn mình lo đi đặt dầu, thực phẩm để chuẩn bị cho phiên biển tiếp theo.

Lý giải sự khẩn trương này, ngư dân Đỗ Thanh Huy bảo rằng, mùa này biển động nhưng nhờ đánh bắt được nhiều cá, giá bán cao, cộng với giá dầu giảm nên chi phí cho mỗi phiên biển giảm gần 1/3.

Còn chủ tàu Trần Vương, hàng xóm của ngư dân Đỗ Thanh Huy cũng vui không kém với khoang tàu đầy ắp cá chuồn và toàn bộ số cá được đầu nậu lập tức thu mua với giá cao gấp đôi 2 tháng trước – tức 32.000 đồng/kg. Cùng lúc này thì cơn bão Hagupit tiến sát vào Biển Đông. “Đây đúng là một may mắn. Vì tàu đầy cá nên rất nặng. Rồi lương thực, thực phẩm cũng gần hết nên lỡ mà gặp bão thì nguy lắm!”, anh Vương bày tỏ.

Vững vàng bám biển

Giá dầu giảm, giá cá cao – với ngư dân, họ bảo đây là lợi “kép”. Vì theo hạch toán của ngư dân Đỗ Thanh Huy thì với mỗi phiên biển kéo dài 20 – 30 ngày, chủ tàu phải bỏ ra ít nhất là 50 – 60 triệu đồng, trong đó tiền mua dầu chiếm hơn phân nửa. Tuy nhiên, vì không có điều kiện nên một số ngư dân phải vay mượn tiền đầu nậu hoặc ứng dầu của đại lý rồi sau đó dùng cá để…trừ nợ!...

Cách làm trên theo chủ tàu Huỳnh Thanh Long, ngụ xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) là “ngư dân làm giàu cho người khác”. Bởi khi đã là chủ nợ, đầu nậu hoặc đại lý xăng dầu sẽ ép ngư dân bán cá với giá thấp, rồi sang tay cho người khác với giá cao để kiểm lời.

Biết thế nhưng vì điều kiện, ngư dân vẫn phải chấp nhận. Chẳng thế mà khi nghe tin giá dầu tiếp tục giảm, chủ tàu Huỳnh Thanh Long rất phấn khởi khi mà mỗi phiên biển, anh Long tiết kiệm hơn 2 triệu đồng chi phí nhiên liệu. “Bấy nhiêu chứ cũng giúp vợ con tôi đủ chi tiêu sinh hoạt trong một tháng chứ đâu ít”, anh Long chia sẻ.

Đồng quan điểm này, chủ tàu Trần Vương cũng cho rằng, mỗi khi bắt đầu phiên biển mới, điều khiến anh lo nhất chính là chi phí nhiên liệu. Bởi mỗi phiên ra khơi, anh Vương tiêu tốn không dưới 40 – 50 triệu đồng tiền dầu. Vì vậy với việc giá dầu giảm không chỉ giúp chủ tàu bớt nỗi lo chi phí, tăng thu nhập mà còn là động lực để họ vững tâm ra khơi bám biển.

Nói như Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Đỗ Hồng Minh thì: “Điều kiện khai thác, đánh bắt ngày càng khó; rồi việc ra khơi của ngư dân phụ thuộc quá lớn vào đầu nậu, thương lái nên không chỉ lúc này, mà ngư dân rất mong việc “trúng giá” – tức “giá dầu giảm, giá bán cá tăng” sẽ luôn duy trì để họ bớt phần khó khăn, tăng động lực để bà con yên tâm bám biển”.


Có thể bạn quan tâm

Bắp Không Hạt, Dân Lãnh Đủ Bắp Không Hạt, Dân Lãnh Đủ

Gần đây đã liên tục xảy ra hiện tượng bắp không có hạt, bắp ra chùm, nghẹn cờ, bắp không phát triển… làm hàng trăm hộ nông dân ở các xã Đông, Lơ Ku (huyện Kbang) và xã Đak Pơ Pho, Yang Trung (huyện Kông Chro - Gia Lai) trắng tay. Nguyên nhân là do người dân sử dụng giống bắp NK67, NK7328 là sản phẩm của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (đơn vị sản xuất), do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối.

11/11/2013
Nhân Rộng Mô Hình Trồng Nấm Cần Sự Chung Tay “Bốn Nhà” Nhân Rộng Mô Hình Trồng Nấm Cần Sự Chung Tay “Bốn Nhà”

Dù đã phát triển hơn mười năm, nhưng mô hình trồng nấm rơm vẫn chỉ dừng lại ở xã Phú Lương (huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế). Nhân rộng mô hình trồng nấm, góp phần phát triển kinh tế là vấn đề cần quan tâm

11/11/2013
Triển Vọng Mở Rộng Diện Tích Địa Hoàng Tại Bắc Giang Triển Vọng Mở Rộng Diện Tích Địa Hoàng Tại Bắc Giang

Địa hoàng (sinh địa) là dược liệu được trồng tại Bắc Giang từ nhiều năm trước nhưng diện tích manh mún, nông dân chủ yếu canh tác, thu hoạch theo kinh nghiệm, nên chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế không cao.

11/11/2013
Vui Buồn Cây Sắn Vui Buồn Cây Sắn

Liên tục sau hai năm rớt giá, đầu vụ thu hoạch sắn năm nay, nhiều người dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khấp khởi mừng thầm khi giá sắn chạm ngưỡng 1.700 đồng/kg (giá thu mua tại nhà máy). Thế nhưng "mừng chưa kịp no", liên tục hai cơn bão ập đến đã khiến người trồng sắn lao đao...

11/11/2013
Xây Dựng Dự Án “Chuyển Đổi Cơ Cấu Lúa - Tôm” Xây Dựng Dự Án “Chuyển Đổi Cơ Cấu Lúa - Tôm”

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) đang phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng “Chuyển đổi cơ cấu lúa – tôm” tại xã Phú Thuận. Dự án có diện tích quy hoạch dự kiến 502 héc-ta, gồm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm chủ động tạo nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

11/11/2013