Nâng Cao Kỹ Thuật Canh Tác Hồ Tiêu
Những năm gần đây, người dân ồ ạt trồng mới cũng như chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác bền vững nên xảy ra tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu. Trước tình hình đó, huyện Chư Pưh đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, nhất là việc phổ biến kiến thức trong canh tác cây tiêu theo hướng bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Cây tiêu mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Do đó, nhiều hộ dân đã không ngần ngại mở rộng diện tích, cho dù chất đất không phù hợp với cây tiêu.
Cùng với đó, người dân dùng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Điều này đã làm cho sự sống của cây tiêu càng trở nên mong manh hơn, thậm chí người dân đã vô tình biến vườn tiêu của mình từ chỗ không bệnh trở thành bệnh.
Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và góp phần đưa cây tiêu phát triển theo hướng bền vững, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Chư Pưh đã nỗ lực thay đổi nhận thức canh tác của người dân qua các mô hình, hội thảo, các đợt tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững...
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế, Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học Dona Techno (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cây tiêu bền vững (IPM) với hơn 1.000 hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tham gia. Tại đây, các hộ dân được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp những thắc mắc về các loại bệnh trên cây tiêu, cách phòng ngừa các loại bệnh, cách chọn đất trồng phù hợp, chọn giống sạch bệnh…
Các chuyên gia còn hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý trụ, đất và phun thuốc phòng trừ tuyến trùng, bệnh thối gốc, thân trước khi tiến hành trồng, nhằm hạn chế nguồn bệnh tích lũy, lây lan cho vườn tiêu. Đặc biệt, người dân được Công ty Dona Techno hướng dẫn cách phân biệt các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả trên thị trường cũng như chỉ dẫn những loại thuốc đặc trị cho cây tiêu.
Huyện Chư Pưh có 2.500 ha hồ tiêu (năm 2014 trồng mới thêm hơn 74,5 ha), sản lượng bình quân hàng năm khoảng 7.000-9.000 tấn.
Trước đó, trong năm 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế triển khai mô hình IPM trên cây tiêu. Cụ thể là tổ chức lớp tập huấn TOT (lớp tiểu giáo viên) bao gồm 65 người là cán bộ cấp xã, huyện và lớp FFS dành cho các trưởng thôn, già làng, 165 hộ có diện tích tiêu lớn trên địa bàn.
Từ đó, các học viên sẽ tiếp tục phổ biến lại cho người trồng tiêu trên toàn địa bàn các xã, thị trấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng bền vững, cũng như cách phòng ngừa và sớm phát hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên… để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ông Siu Biai (ở làng Phung B, xã Ia Phang) cho biết: “Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên người dân làng Phung B hiểu biết hơn việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, biết dùng phân bò để bón cho cây tiêu, không dùng nhiều phân hóa học nữa, không trồng tiêu ở những diện tích đất không phù hợp…”.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, ngành cá tra Việt Nam đang có chiều hướng “tuột dốc” mà nguyên nhân chính là do nội tại còn nhiều bất cập. Việc lấy ý kiến hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành cá tra nhằm vực dậy ngành cá tra Việt Nam là việc cần thiết.
Ngày 28-10, ông Trần Văn Tấn (Mỹ Phước Tây, Cai Lậy, Tiền Giang) là thương lái cho biết, hiện nay heo hơi bán ở các trại có giá từ 46- 48 ngàn đồng/kg, ở các nơi chăn nuôi nhỏ lẻ từ 43-45 ngàn đồng/kg, tăng 10 ngàn đồng/kg so với đầu năm 2013.
Thời gian gần đây do giá đường giảm, kéo theo giá mía nguyên liệu giảm mạnh, nhiều diện tích trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) lần lược chuyển sang trồng một số loại hoa màu như: Củ sắn, đậu, bắp, khoai... Đặc biệt là mô hình trồng củ sắn ở xã An Thạnh Đông được người dân ở đây coi là hướng đi mới. Hiện nay bà con nông dân xã An Thạnh Đông đang vào vụ gieo trồng cây củ sắn và đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển rất tốt.
Huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Phát huy lợi thế ven viển, huyện đã triển khai các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ người dân Hải Phòng mà người nuôi gà ở 3 miền Bắc, Trung, Nam đều biết tiếng tăm của Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ. Để có thành công đó, vợ chồng anh Lượng đã trải qua bao gian nan với những sự cố thót tim...