Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc

Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc
Ngày đăng: 29/05/2015

Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng phát triển các loại cây trồng truyền thống có nhiều ưu thế như cây lạc, những năm qua, huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các công thức luân canh, xen canh hiệu quả, tăng hệ số sử dụng đất.

Bắt đầu từ vụ đông xuân 2011- 2012, huyện Cam Lộ đã triển khai đề án Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc giai đoạn 2011-2015, đầu tư cơ sở hạ tầng (thủy lợi, giao thông, cải tạo đồng ruộng) và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu bằng biện pháp canh tác khoa học tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên vùng lạc.

Theo đó, huyện hỗ trợ các chính sách phát triển sản xuất như: giao đất cho những người có khả năng phát triển sản xuất bằng hình thức cho thuê đất có thời hạn với diện tích không hạn chế; đối với đất trồng lạc chưa cải tạo mặt bằng nhưng đã giao cho hộ gia đình, huyện sẽ hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng để cải tạo đồng ruộng, đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.

Từng bước thực hiện đổi thửa dồn điền, mạnh dạn thử nghiệm các hình thức để nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển diện tích lạc quy mô lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng ruộng. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích tổ chức các mô hình kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất…

Anh Phạm Viết Thanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Cam Lộ cho biết: Hiện toàn huyện Cam Lộ đã triển khai mô hình sản xuất mới lạc thịt phủ bạt ni lông cho các vụ đông xuân trên diện tích 55 ha. Các hộ gia đình tham gia mô hình thâm canh này được hưởng chính sách hỗ trợ tiền mua giống, bạt phủ, phân bón; được tập huấn đưa tiến bộ kỹ thuật vào canh tác các giống lạc mới đã qua khảo nghiệm vào gieo trồng như giống L14, L23 và lạc chum Cam Lộ.

Kết quả cho thấy, mô hình trồng lạc phủ ni lông năng suất bình quân đạt 31 tạ/ha, cao hơn đối chứng 11 tạ/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lạc không phủ bạt từ 5-7 triệu đồng/ha. Bên cạnh xây dựng mô hình canh tác mới trồng lạc phủ bạt ni lông, Phòng Nông nghiệp -PTNT huyện cũng chuyển giao quy trình thâm canh lạc không phủ bạt ni lông và thâm canh lạc trong điều kiện có tưới nước cho nông dân, giúp họ nắm bắt được kỹ thuật thâm canh, đặc biệt là hiểu được tác dụng của các loại phân bón, bón phân cân đối, hợp lý và chăm sóc đúng thời kỳ sinh trưởng của cây lạc. Đến nay, một số địa phương đã áp dụng quy trình thâm canh lạc vào sản xuất như Cam Thủy, Cam Thành, Cam Tuyền, thị trấn Cam Lộ, đưa năng suất lạc bình quân từ 13 tạ/ha vào năm 2010 tăng lên 20 tạ/ha; sản lượng lạc tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010.

Trước đây, do thiếu chủ động nguồn giống lạc nên bước vào vụ sản xuất, huyện cũng như người dân rất lúng túng, đặc biệt là những năm thời tiết không thuận lợi, mưa rét kéo dài, lạc không nảy mầm hoặc chết yểu. Để giải quyết tình trạng này, huyện Cam Lộ đầu tư tổ chức chương trình lạc giống vụ hè thu hàng năm bình quân gần 50 ha, tạo ra được trên 70 tấn giống lạc, chủ động, đảm bảo nguồn giống chất lượng cho trên 50% nhu cầu giống vụ đông xuân.

Từ năm 2012, huyện Cam Lộ đã hoàn chỉnh hệ thống kênh mương tại Quật Xá (Cam Thành), An Mỹ (Cam Tuyền), mở mới hệ thống kênh mương tại Nam Hùng (thị trấn Cam Lộ) để sản xuất giống lạc vụ đông xuân, góp phần giải quyết nhu cầu nguồn giống cho bà con nông dân. Khó khăn nhất hiện nay đối với vùng lạc Cam Lộ là hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh và tập quán canh tác cũ còn tồn tại nên công tác thủy nông trên đồng ruộng còn bất cập, toàn huyện mới chỉ thủy lợi hóa cho 100 ha trồng lạc; lạc vụ hè thu chủ yếu dựa vào nước trời, kết quả sản xuất bấp bênh.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng cùng cả hệ thống chính trị đã tập trung chỉ đạo, giám sát điều hành, khuyến khích, động viên nhân dân tham gia triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới thấm vụ hè thu để sản xuất lạc giống; xây dựng các mô hình xen canh, luân canh cây trồng với diện tích từ 300-500 ha, khai thác triệt để diện tích vùng lạc không để hoang hóa vụ hè thu, nâng thu nhập bình quân vùng lạc lên 60-80 triệu đồng/ha.

Trong đó, mô hình sản xuất đậu xanh cao sản vụ hè thu đạt gần 22 tạ/ha, thu nhập gần 50 triệu đồng/ha; mô hình lạc xen sắn nguyên liệu ở vùng không có thủy lợi cho hiệu quả kinh tế 30 triệu đồng/ha… Tuy nhiên, với diện tích có khả năng trồng lạc lên đến khoảng 2.000 ha, nếu không giải quyết được vấn đề thủy lợi, thay đổi tập quán canh tác nhờ nước trời của bà con nông dân, thì không thể khai thác hết tiềm năng vùng lạc của huyện.

Bằng việc xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ hỗ trợ nông dân trồng lạc và xây dựng các mô hình thâm canh mới, các công thức luân canh, xen canh cây trồng khác hiệu quả trên vùng lạc, khai thác hợp lý tiềm năng đất đai, cây lạc đã trở thành cây trồng có hiệu quả kinh tế lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện Cam Lộ, hàng năm giá trị hàng hóa bán ra mang về cho nông dân gần 50 tỷ đồng. Trong tương lai, khi hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu thủy lợi hóa vùng lạc, chấm dứt tình trạng canh tác nhờ nước trời, cây lạc sẽ là cây chủ lực cùng nông dân Cam Lộ vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Nghề nuôi ong sẽ hết long đong Nghề nuôi ong sẽ hết long đong

Hiện huyện Châu Đức (Bà Rịa Vũng Tàu) có khoảng 150 hộ nuôi 4500 đàn ong. Nghề nuôi ong lấy mật đã và đang đem thu nhập ổn định cho nhiều người.

17/11/2015
Công ty C.P Việt Nam ngưng hợp đồng chăn nuôi vĩnh viễn với trang trại có sử dụng chất tạo nạc Công ty C.P Việt Nam ngưng hợp đồng chăn nuôi vĩnh viễn với trang trại có sử dụng chất tạo nạc

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đang áp dụng hình thức quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong chăn nuôi, trong đó có biện pháp tầm soát dư lượng chất cấm ngay từ khi heo giống nhập chuồng và chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

17/11/2015
Giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi gặp khó Giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi gặp khó

Gần 4 tháng nay, nhiều hộ chăn nuôi gà theo hình thức trang trại, gia trại của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rất lo lắng khi phải chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho những lứa gà thịt đến tuổi xuất chuồng.

17/11/2015
Tận dụng chất thải từ ao nuôi cá làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng Tận dụng chất thải từ ao nuôi cá làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức nghiệm thu đạt cho kết quả nghiên cứu của đề tài “Ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-Floc xử lý nước ao nuôi cá và tận dụng chất thải sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng ở Hậu Giang” .

17/11/2015
Nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn Nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn

Tỉnh Gia Lai được xác định là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất mía đường nhờ vùng nguyên liệu mía rộng lớn.

17/11/2015