Nâng Cao Giá Trị Cam Sành
Tháng 12 vừa qua, cam sành thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã được Viện Khoa học sự sống (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây tiếp tục là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên nói chung và vùng cam Tân Thành nói riêng.
Đồng chí Trần Thị Lịch, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chi cục đã lựa chọn 12 ha để thực hiện mô hình sản xuất cam an toàn của 7 hộ gia đình tại thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành, trong đó có 5 ha là mô hình trung tâm và 7 ha mô hình vệ tinh.
Để thực hiện quy trình sản xuất cam theo một tiêu chuẩn mang tính quốc gia, người trồng cam Tân Thành đã được hướng dẫn, tổ chức sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt Vietgap thông qua 68 tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định, trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện sản xuất cam từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Anh Vũ Trung Kiên, thôn Thuốc Thượng 1 cho biết, từ lúc tỉa cành, bón phân lần 1, lần 2, lần 3, phun thuốc bảo vệ thực vật... anh đều phải ghi cụ thể, tỉ mỉ ngày, giờ, tên thuốc, nồng độ phun.
Hướng dẫn người trồng cam sản xuất theo quy trình an toàn, Chi cục cũng khuyến khích các hộ sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt yêu cầu các hộ sản xuất cam không sử dụng thuốc trừ cỏ, không được chăn thả gia súc, gia cầm trong vườn sản xuất cam...
Một quy trình sản xuất hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm cam chất lượng. Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ quả loại A đạt trên 70%; loại B là 20% và loại C chỉ chiếm 10%, điều này đồng nghĩa với việc giá trị cam cũng được nâng lên theo. Hiện nay cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được bán tại địa bàn là 18.000 đồng/kg, cao hơn giá cam sản xuất thông thường 3.000 đồng/kg.
Tại các Hội chợ thương mại Tuyên Quang năm 2013 và Hội chợ Xuân Giáp Ngọ đầu năm 2014, cam sành Thuốc Thượng được dán nhãn, tem sản xuất đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua. Bà Nguyễn Thị Thanh Lan, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, cam sành Hàm Yên đã nức tiếng, giờ lại được sản xuất theo quy trình an toàn, biết rõ nguồn gốc, tên hộ sản xuất càng tin tưởng hơn. Không chỉ người tiêu dùng trong tỉnh tin tưởng lựa chọn, người trồng cam Thuốc Thượng đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng từ các siêu thị, chợ đầu mối hoa quả ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...
Năm 2007 cam sành Hàm Yên đã được cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Năm 2012 cam sành tiếp tục được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam. Năm 2013, cam sành Hàm Yên đứng vào top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn, rồi tiếp đến, cam sành Hàm Yên được công nhận sản phẩm an toàn... Đây thực sự là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng cam Hàm Yên nói chung và cam Tân Thành nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Trong hơn hai tuần qua, giá cao su trên thị trường thế giới giảm liên tiếp khiến giá cao su trong nước cũng giảm theo.
Tình trạng sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi gia súc gia cầm không chỉ bùng phát ở các tỉnh, thành phía Nam mà đã lan sang cả khu vực miền Bắc.
Lai Châu có trên 19.000ha đất sản xuất lúa nước, trong đó chỉ có trên 6.000ha sản xuất 2 vụ lúa. Trong khoảng 13.000ha ruộng một vụ vẫn còn nhiều diện tích chỉ sản xuất một vụ lúa mùa rồi bỏ không.
Triển khai từ năm 2014, dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố với 9 mô hình đã thu được kết quả khả quan.
Mặc dù thời tiết khó khăn, thị trường biến động, giá vật tư nông nghiệp cao nhưng năng xuất lúa hè thu và vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc vẫn đạt kỷ lục.