Nâng Cao Giá Trị Cam Sành

Tháng 12 vừa qua, cam sành thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã được Viện Khoa học sự sống (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây tiếp tục là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên nói chung và vùng cam Tân Thành nói riêng.
Đồng chí Trần Thị Lịch, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chi cục đã lựa chọn 12 ha để thực hiện mô hình sản xuất cam an toàn của 7 hộ gia đình tại thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành, trong đó có 5 ha là mô hình trung tâm và 7 ha mô hình vệ tinh.
Để thực hiện quy trình sản xuất cam theo một tiêu chuẩn mang tính quốc gia, người trồng cam Tân Thành đã được hướng dẫn, tổ chức sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt Vietgap thông qua 68 tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định, trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện sản xuất cam từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Anh Vũ Trung Kiên, thôn Thuốc Thượng 1 cho biết, từ lúc tỉa cành, bón phân lần 1, lần 2, lần 3, phun thuốc bảo vệ thực vật... anh đều phải ghi cụ thể, tỉ mỉ ngày, giờ, tên thuốc, nồng độ phun.
Hướng dẫn người trồng cam sản xuất theo quy trình an toàn, Chi cục cũng khuyến khích các hộ sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt yêu cầu các hộ sản xuất cam không sử dụng thuốc trừ cỏ, không được chăn thả gia súc, gia cầm trong vườn sản xuất cam...
Một quy trình sản xuất hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm cam chất lượng. Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ quả loại A đạt trên 70%; loại B là 20% và loại C chỉ chiếm 10%, điều này đồng nghĩa với việc giá trị cam cũng được nâng lên theo. Hiện nay cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được bán tại địa bàn là 18.000 đồng/kg, cao hơn giá cam sản xuất thông thường 3.000 đồng/kg.
Tại các Hội chợ thương mại Tuyên Quang năm 2013 và Hội chợ Xuân Giáp Ngọ đầu năm 2014, cam sành Thuốc Thượng được dán nhãn, tem sản xuất đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua. Bà Nguyễn Thị Thanh Lan, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, cam sành Hàm Yên đã nức tiếng, giờ lại được sản xuất theo quy trình an toàn, biết rõ nguồn gốc, tên hộ sản xuất càng tin tưởng hơn. Không chỉ người tiêu dùng trong tỉnh tin tưởng lựa chọn, người trồng cam Thuốc Thượng đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng từ các siêu thị, chợ đầu mối hoa quả ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...
Năm 2007 cam sành Hàm Yên đã được cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Năm 2012 cam sành tiếp tục được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam. Năm 2013, cam sành Hàm Yên đứng vào top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn, rồi tiếp đến, cam sành Hàm Yên được công nhận sản phẩm an toàn... Đây thực sự là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng cam Hàm Yên nói chung và cam Tân Thành nói riêng.
Related news

Việc tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu... Ngành này được dự báo sẽ gặp tình cảnh “đắng nhiều hơn ngọt” do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới…

“Đặt lọp lươn xong không dám ngủ mà phải thức thâu đêm canh chừng vì sợ trộm đổ lọp của mình. Đi đến đâu là mắc võng nghỉ tại chỗ đó. Luôn cảnh giác với kẻ trộm, vậy mà chúng tôi bị dỡ lọp trước hoài…”

"Các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhau, cố gắng vượt qua khó khăn chứ không phải là cạnh tranh thu mua mía ở vùng nguyên liệu như từng xảy ra. Có vậy, doanh nghiệp và nông dân sản xuất mía mới mong sống sót”.

Vị đại gia 44 tuổi ở thủ phủ hồ tiêu tỉnh Gia Lai không cho rằng mình lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng mà bằng sự quyết tâm, ý chí kiên định cộng thêm một chút liều lĩnh, ngông cuồng.

Một nhóm ngư dân Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vừa bắt được một con cá trắm đen khổng lồ với chiều dài đo được là 1,75m và nặng gần 90kg.