Nâm NJang Chủ Động Nguồn Nước Cho Cây Trồng
Những năm qua, tận dụng địa hình và nguồn nước tại các khe suối, nông dân xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã chủ động đào ao tích trữ nước. Nhờ đó, mặc dù đang trong giai đoạn mùa khô nhưng các loại cây trồng trên địa bàn đều bảo đảm nguồn nước tưới.
Gia đình ông Lê Quang Long, thôn 2 có 4 ha tiêu và cà phê. Để chủ động nguồn nước tưới, trong vòng 6 năm trở lại đây, gia đình ông đã thuê máy múc đào được 3 ao tích trữ nước.
Ông Long cho biết: “Trước đây, do không chủ động được nguồn nước tưới nên cứ đến mùa khô, gia đình tôi lại phải vất vả tìm kiếm nguồn nước hoặc xin ở các gia đình khác. Cà phê là một loại cây trồng có nhu cầu về lượng nước tưới rất lớn. Vào mùa khô phải tưới từ 3 đến 5 lần, nếu chỉ dựa vào nguồn nước tại các hồ, đập chung của xã thì không đủ. Do đó, gia đình tôi phải chủ động đào ao để tích trữ nước đủ tưới cho vườn cà phê”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bá Sang, thôn 3 cũng đã đầu tư hơn 7 triệu đồng để thuê máy múc đào 1 ao chứa nước với diện tích 500m2.
Ông Sang cho biết: “Gia đình tôi trồng trên 1.500 trụ tiêu. Từ ngày đào hồ tích nước, gia đình tôi không phải lo lắng việc thiếu nước cho mùa khô nữa. Do chủ động được nguồn nước tưới nên công việc tưới tiêu cũng bớt cực hơn. Cây hồ tiêu được tưới nước đầy đủ nên phát triển khỏe mạnh hơn, đúng chu kỳ sinh trưởng hơn. Năm qua, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 4 tấn, tạo được nguồn thu nhập ổn định”.
Theo UBND xã Nâm N’Jang thì ngoài 3 công trình hồ, đập, do nhà nước đầu tư xây dựng thì trên địa bàn còn có khoảng 2.000 ao, hồ do nhân dân tự đào. Đa số các hồ chứa này đều dự trữ đủ nước cho mùa khô, góp phần bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng.
Kết quả này là do bà con đã có ý thức cao trong việc chủ động dự trữ, tưới nước tiết kiệm nên công tác phòng chống khô hạn đạt kết quả cao. Toàn xã có tổng số trên 3.500 ha cây trồng các loại, nhưng lượng nước tưới trên địa bàn vẫn bảo đảm cung cấp đủ cho người dân.
Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn nước tưới trong toàn bộ mùa khô, xã vẫn đang tập trung quản lý chặt chẽ nguồn nước tại các ao hồ, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý, nghiêm cấm các hành vi vi phạm việc bảo vệ nguồn nước dự trữ.
Cùng với việc tập trung đánh giá khả năng nguồn nước tưới thực tế tại các hồ chứa, xã còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng nước hiệu quả như tưới luân phiên, giữ ẩm, bố trí cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước. Địa phương cũng đang xin thêm kinh phí để xây dựng thêm 2 hồ đập tại thôn Đắk Lư và thôn 18 nhằm tạo điều kiện bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng.
Có thể bạn quan tâm
Chủ cơ sở thu gom thịt heo không rõ nguồn gốc về sơ chế đóng gói lại nhưng nhãn mác lại là thịt đà điểu, thịt nhím, thịt nai,…
Ở khắp siêu thị, chợ lớn, chợ nhỏ, chợ xổm đâu đâu người bán cũng giới thiệu có bán tỏi Lý Sơn với giá bán mỗi nơi một kiểu...
Việc chất lượng hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng do việc mở rộng quá nhanh diện tích đã được Hiệp hội hồ tiêu (VPA) cảnh báo nhiều năm qua.
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, cây dược liệu được trồng rộng rãi ở một số xã, thị trấn của huyện Quản Bạ bước đầu mang về thu nhập cho người trồng. Đến HTX dược liệu Nà Chang, ở thôn Nà Chang, thị trấn Tam Sơn, là một trong những HTX dược liệu đang tiêu thụ sản phẩm Atiso của bà con.
Là xã vùng thấp của huyện Vị Xuyên, Phú Linh có nhiều điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Năm 2015, xã Phú Linh được huyện giao chỉ tiêu trồng mới 185,9 ha rừng. Đến hết tháng 5, xã đã trồng được 54 ha. Cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn đang tích cực chỉ đạo bà con nhân dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, phấn đấu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giao.