Nam Định Chủ Động Diệt Chuột Bảo Vệ Lúa Xuân
Những năm gần đây, mức độ thiệt hại mùa màng do chuột trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng gia tăng do đàn chuột phát triển rất nhanh về số lượng. Ngoài việc gây hại đối với sản xuất nông nghiệp, kho tàng, chuột còn là đối tượng trung gian lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo thống kê năm 2013, ở tỉnh chuột phá hoại 3.094ha cây trồng các loại, trong đó có gần 150ha bị mất trắng. Một số địa phương bị chuột gây hại nặng như: Hải Đông, Hải Tây, Hải Phong (Hải Hậu); Nghĩa Thịnh, Nghĩa Châu, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Hồng Thuận, Hoành Sơn, Giao Nhân (Giao Thủy); Nam Cường, Nam Toàn, Nam Hoa (Nam Trực); Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Yên Ninh, Yên Xá, Yên Tiến (Ý Yên)…
Theo các nghiên cứu, trung bình mỗi ngày một con chuột ăn hại khoảng 60 gam lúa và cắn phá hàng chục m2 cây trồng, thời gian chuột phá hoại mạnh là từ lúc lúa bắt đầu cấy, sạ đến trước khi thu hoạch. Theo dự báo, năm nay chuột tiếp tục phát sinh mạnh và gây hại ở diện rộng do nguồn chuột lưu từ vụ mùa 2013 rất cao, kết hợp với nguồn thức ăn phong phú, nơi cư trú thuận lợi.
Để bảo vệ sản xuất vụ xuân năm 2014, ngay từ đầu vụ Sở NN và PTNT đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất, kho tàng và sức khỏe cộng đồng; giới thiệu các cách làm hay, các mô hình diệt chuột hiệu quả; tăng cường tập huấn, hướng dẫn các hộ nông dân về phương pháp, quy trình kỹ thuật diệt chuột ngoài đồng và tại nhà, đồng thời phát động nhân dân hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột. Tại xã Minh Tân (Vụ Bản), HTXDVNN Minh Tân trực tiếp điều hành đội dịch vụ gồm 16 người; trong một đợt diệt chuột chi: 50 nghìn đồng/người/ngày.
HTX tiến hành ngâm ủ mồi đánh chuột bằng bả tẩm thuốc, đặt mồi trên các bờ vùng, bờ thửa có lối đi và cửa hang chuột. Mồi chuột là thuốc Rat-K trộn với thóc ngâm theo tỷ lệ 1:50 (100 gam thuốc trộn với 5kg mồi) và đặt nhiều mô nhỏ, sau khi đặt xong phủ một lớp trấu, thời gian đặt mồi từ 16-17h.
Hằng ngày, Ban quản lý HTX kiểm tra việc đặt mồi của tổ dịch vụ để điều chỉnh lượng mồi và kỹ thuật đánh kịp thời đảm bảo hiệu quả diệt chuột và công tác vệ sinh môi trường. HTX cũng phát động xã viên đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công và tổ chức thu mua chuột với giá 1.500-2.000 đồng/con. Do tích cực diệt chuột nên thiệt hại lúa, màu của địa phương do chuột trong vụ xuân này được hạn chế đến mức thấp nhất.
Xã Giao Tân (Giao Thủy) có 246,91ha lúa. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND xã, ngay từ đầu vụ, HTXDVNN đã giao cho các xóm, đội thành lập các tổ diệt chuột, mỗi tổ có trách nhiệm đặt bẫy bả trên toàn bộ diện tích lúa của xóm, đội sản xuất. Để thực hiện đúng quy trình diệt chuột, phù hợp cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng…,
HTX mua bả mồi, bẫy giao cho các tổ về đánh theo đợt, trả công từ 60 nghìn đồng/người/đợt. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa năm 2013, HTX vận động xã viên tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch rơm rạ, không để đất hoang hóa hoặc gò đống xen kẽ trong cánh đồng lúa, thường xuyên phát cỏ bờ để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.
Trong các đợt lấy nước làm đất, HTX tổ chức phát động đợt cao điểm diệt chuột đồng loạt trên phạm vi toàn xã bằng biện pháp hoá học, sinh học kết hợp với thủ công để diệt chuột, đồng thời thường xuyên tuyên truyền các hộ dân nâng cao ý thức tự giác, chủ động diệt chuột bằng các biện pháp thủ công để giảm số lượng chuột, hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra.
Hiện, toàn tỉnh có 107/209 xã, thị trấn đã thành lập tổ, đội dịch vụ diệt chuột; nhiều mô hình diệt chuột hiệu quả. Mô hình diệt chuột đồng loạt, tập trung trong toàn xã được áp dụng thực hiện ở các xã: Yên Thành, Yên Bình, Yên Phong, Yên Mỹ (Ý Yên); Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Nam Vân (TP Nam Định); Hải Trung (Hải Hậu); Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng)… UBND các xã phát động nông dân đồng loạt diệt chuột bằng biện pháp thủ công như dùng bẫy kẹp, soi đèn, đào bắt… và tổ chức thu mua đuôi chuột với giá từ 1.500-3.000 đồng/đuôi.
Mô hình tổ, đội chuyên diệt chuột hoạt động liên tục trong cả vụ, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của UBND xã. Mỗi tổ viên diệt chuột được xã trả công 50-60 nghìn đồng/người/ngày khi tham gia các đợt diệt chuột. Các thôn, đội có quy định cụ thể về khoản thu dịch vụ bảo vệ đồng ruộng (bao gồm cả diệt chuột) của các hộ dân và xây dựng quy định trách nhiệm, nếu tổ, đội diệt chuột để chuột phá hại lúa thì phải đền bù cho người dân.
Ngoài ra, một số địa phương còn mời những người có nhiều kinh nghiệm diệt chuột về địa phương hướng dẫn cách đánh bắt chuột hiệu quả bằng phương pháp cạm bẫy. Hầu hết các tổ, đội diệt chuột đã lựa chọn, áp dụng nhiều hình thức diệt chuột khác nhau, đảm bảo hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường: thời kỳ đổ ải sử dụng bả hóa học, thời kỳ lúa làm đòng đến thu hoạch chủ yếu thực hiện biện pháp đào bắt, bẫy kẹp, bả sinh học...
Tính đến ngày 25-3-2014, toàn tỉnh đã tiêu diệt được 609.537 con chuột, trong đó tiêu diệt thủ công 263.537 con; đặt 2-3 đợt bả tiêu diệt được 346.000 con, tổng lượng thuốc hóa học đã sử dụng là 12.885kg, gồm các loại Rat-K, Rat Kill, Ranpart, thuốc khác và bả sinh học. Cùng với việc tổ chức diệt chuột, nhiều xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực dọn cỏ dại, phát quang bụi rậm ven làng để hạn chế nơi trú ngụ của chuột; tổ chức tốt việc thu gom xác chuột chết, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng diện tích đất trống sau khai thác, trước khi chờ thời gian trồng vụ tràm mới, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) trồng vụ lúa thần nông (gọi là vụ lúa lỡ) để kiếm thêm thu nhập, hiện lúa đã đến ngày thu hoạch.
Từ lâu hành tăm đã là cây trồng truyền thống của nông dân Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) nhưng nay hành tăm đang là cây trồng cho thu nhập cao nhất trong vụ đông ở đây, đạt trên 200 triệu đồng/ha.
Huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè đang bước vào thu hoạch lúa thu đông sớm 2015. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến nay nông dân các địa phương đã thu hoạch khoảng 15.000 ha, đạt 17% diện tích xuống giống, năng suất trung bình 5,29 tấn/ha.
Những năm qua, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên kinh tế nhiều hộ nông dân ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trở nên khá hơn.
Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Bình Thuận; là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của trái cây Bình Thuận.