Na Sang Đa Dạng Hóa Cây Trồng
Năm 2010 xã Na Sang, huyện Mường Chà có 68% hộ nghèo. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dứa, đậu tương, cao su… Đến nay, Na Sang đã có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 40%.
Na Sang có trên 700 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, trong vài năm trở lại đây, Na Sang nổi lên như một điển hình của huyện Mường Chà trong tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói nghèo. Trên các triền đồi, bãi màu ven suối người dân trồng dứa; trong vườn cao su chưa khép tán cũng được trồng xen dứa.
Có thể nói, dứa là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Na Sang. 1ha dứa cho năng suất 20 - 22 tấn quả tươi; cho thu nhập 40 triệu đồng.
Trên con đường dẫn vào trung tâm xã hỏi thăm về anh em Giàng Seo Hồ và Giàng Seo Chỉnh ai cũng biết, bởi chính họ đã lặn lội sang tỉnh Lào Cai học hỏi kinh nghiệm và mang dứa giống về Na Sang trồng. Đến nay nhiều hộ nông dân trong xã đã làm theo; hiện quả dứa Na Sang được vận chuyển tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh.
Chị Giàng Thị Chá, bản Na Sang cho biết: Trước đây, diện tích nương trồng lúa, tốn nhiều công nhưng không hiệu quả. Năm 2013, gia đình chị chuyển sang trồng dứa, đã thu hoạch được một vụ, bán được 30 triệu đồng. Năm nay, cả gia đình tập trung chăm sóc, làm cỏ nương dứa này, tháng 11 sẽ được thu hoạch vụ thứ 2.
Cây dứa ít tốn công chăm sóc, chỉ làm cỏ 2 lần từ lúc trồng đến khi thu hoạch và tiến hành bón phân đạm, ka li. Dứa trồng trên đất mới, lại hợp thổ nhưỡng nên cho quả to, chín đều; toàn xã có gần 18ha dứa đã cho thu hoạch và 8ha dứa trồng mới, tập trung ở 3 bản: Na Pheo, Co Đứa, Na Sang.
Hiện nay, diện tích cây cao su của xã Na Sang đạt gần 600ha. Cây cao su không chỉ góp phần phủ xanh diện tích đồi núi trọc của Na Sang, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; mà nông dân còn tận dụng vườn cao su chưa khép tán để trồng xen canh dứa.
Anh Lý A Thu, bản Na Sang cho biết: “Tôi nhận khoanh nuôi, bảo vệ 3ha cao su năm thứ 3, tận dụng diện tích cao su chưa khép tán, gia đình trồng dứa xen canh, được lợi cả đôi đường, vừa nhận được tiền công chăm sóc cao su, vừa có thu nhập từ dứa. Vụ dứa năm 2013, gia đình thu gần 50 triệu đồng từ dứa trồng xen với cao su”.
Không chỉ có dứa xen canh cao su, đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã triển khai Dự án trồng gừng và dong riềng xen canh nương cao su tại xã Na Sang. Qua đó, 10 hộ dân ở bản Co Đứa tham gia với diện tích 1ha.
Tham gia từ dự án người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác và nhân rộng mô hình. Dự án thành công sẽ tạo cơ hội để nhân dân dân Na Sang đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững.
Ông Lường Văn Kiêm, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Chính quyền xã chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế đa dạng, không nên tập trung vào một loại cây trồng, bởi thị trường còn nhiều biến động và để tránh gặp phải tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Mặc dù cây dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng xã chỉ đạo nhân dân không mở rộng thêm diện tích, một số chân ruộng gieo cấy một vụ lúa, bà con triển khai trồng cây đậu tương.
Hiện toàn xã có 15ha trồng đậu tương, giá bán dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg hạt, trừ chi phí mỗi vụ nông dân cũng thu từ 15 - 22 triệu đồng/ha. Đối với các diện tích đất ven sông suối, nhân dân tích cực khai hoang để cấy lúa nước, các giống lúa IR64, nghi hương 2308, nếp ruộng thay thế giống địa phương cho năng suất vượt trội.
Vụ đông xuân 2013 - 2014, toàn xã gieo cấy trên 10ha, năng suất 50 - 52 tạ/ha. Vụ mùa năm nay toàn xã gieo cấy 50ha chủ yếu các giống lúa IR64, bắc thơm số 7, hương thơm số 1, nhị ưu 838. Hiện nay, bà con nông dân đang tích cực tỉa giặm cho lúa.
Có thể bạn quan tâm
Trước thông tin cơn bão số 2 (bão Rammasun) sắp đổ bộ vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và đất liền kéo theo mưa to đến rất to, nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội đã đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ đề phòng sau bão giá cả lại tăng vọt.
Nếu như năm 2010, giá trị thu được trên 1 ha mặt nước là 80 triệu đồng, thì năm 2013 giá trị tăng lên 126 triệu đồng/ha, trong đó cá rô phi đơn tính đã được đưa vào nuôi trồng và khẳng định hiệu quả kinh tế cao với khoảng 200 triệu đồng/ha nếu thực hiện nuôi thâm canh 2 vụ trong năm.
Để mở rộng hệ thống phân phối cho sản phẩm vải thiều, giữa tháng 6/2014, lần đầu tiên, Sở Công Thương 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tiến hành ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ quả vải với 11 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông - Tây Nam bộ.
Từ thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các hộ dân thị xã La Gi thực hiện mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tỷ lệ tôm chết do dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giải quyết các vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái và dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khó khăn lớn nhất để nhân rộng mô hình này là sản phẩm VietGAP vẫn được bán với mức giá “cào bằng” ngoài thị trường trong cảnh vàng thau lẫn lộn. Nhưng theo một số chủ trang trại chăn nuôi gà VietGAP, nếu tính toán tốt bài toán chi phí đầu vào thì người chăn nuôi vẫn đạt lợi nhuận khi bán sản phẩm sạch với giá rẻ.