Mỹ thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force) đối phó với hoạt động đánh bắt thủy sản tự nhiên bất hợp pháp, không khai báo và phi pháp (IUU)
Ngày 7/8/2014 Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc Tổng thống Obama trực tiếp chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force) do Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì xem xét chống lại những hành vi đánh bắt thủy sản tự nhiên thuộc diện không được quản lý, phi pháp và không khai báo (IUU), trong đó Việt Nam bị cáo buộc xuất khẩu từ 22 đến 31% thủy sản đánh bắt tự nhiên các loại vào thị trường Mỹ.
Ngày 3 tháng 8 năm 2015 phía Mỹ đã ra Thông báo liên bang yêu cầu lấy ý kiến công chúng đối với những thông tin đầu vào và dự thảo nguyên tắc cho việc cân nhắc những loài thủy hải sản thuộc diện có nguy cơ bị đánh bắt dạng IUU; và dự thảo danh sách “những loài có nguy cơ” được xây dựng dựa trên dự thảo nguyên tắc nêu trên. Thời hạn nhận ý kiến công chúng tính tới hết ngày 9 tháng 9 năm 2015.
Thông báo liên bang này là một trong hàng loạt các bước triển khai trong kế hoạch của Tổ công tác, nhằm nhận diện rõ “những loài thủy hải sản bị quan ngại là đối tượng của việc đánh bắt IUU. Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến công chúng, những nguyên tắc cuối cùng và danh sách cuối cùng “những loài thủy hải sản có nguy cơ” sẽ được hoàn tất. Dự kiến, danh sách này sẽ được công bố trong tháng 10 năm 2015.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng lớn vào Hoa Kỳ và là đối tượng xem xét của Tổ công tác liên ngành về IUU. Tổ công tác liên ngành bước đầu đã sử dụng những số liệu có tính chất phỏng đoán và chưa kiểm chứng từ các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ (NGO) để xây dựng danh sách và cáo buộc Việt Nam.
Có 5 trong tổng số 13 loài thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam (kể cả loại đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng) nằm trong danh sách “những loài có nguy cơ”. Tổ công tác IUU sẽ sử dụng danh sách này làm cơ sở để thiết lập hệ thống truy vấn nguồn gốc.
Sau đó sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản muốn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải khai báo đầy đủ 17 hạng mục thông tin đối với hải sản đánh bắt tự nhiên và 14 hạng mục thông tin đối với thủy sản nuôi trồng. Nếu như danh sách này được triển khai sẽ tạo ra khó khăn rất lớn, gia tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí làm ngừng trệ xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường Hoa Kỳ trong các năm tới.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã làm việc với các Luật sư, đồng thời tham vấn đại diện một số Đại sứ quán các nước đang có xuất khẩu lớn thủy hải sản vào Mỹ, thấy rằng các nước đều thực sự quan ngại về những nguyên tắc của Tổ công tác IUU (Mỹ) trong việc xác định việc đánh bắt IUU; cũng như việc đánh giá những hành vi gian lận trong đánh bắt thủy hải sản. Số liệu mà Tổ công tác IUU sử dụng cần phải được thu thập thông qua các nguồn chính thống từ chính phủ và doanh nghiệp, thay vì “theo hiểu biết của các chuyên gia trong lĩnh vực” như khẳng định trong thông báo.
Số liệu này cũng không nên được trích dẫn không chọn lọc từ truyền thông và các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ. Tổ công tác IUU cũng cần tham vấn các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam nhằm xác định “những loài có nguy cơ” để cung cấp dữ liệu đáng tin cậy và tài liệu cần thiết.
Nhất là cáo buộc của Tổ công tác IUU hiện được mở rộng sang cho các loài thủy sản nuôi (như tôm) và các loài thủy hải sản chế biến bằng nguyên liệu nhập khẩu (như Ghẹ, cá ngừ, cua King Crab) của Việt Nam.
Các luật sư và tư vấn cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp chính thức đấu tranh với các lập luận vô lý của Tổ công tác IUU, yêu cầu:
- Tổ công tác IUU phải đưa ra được những bằng chứng, số liệu hợp pháp để chỉ rõ “những loài có nguy cơ”;
- Việc thu thập số liệu cần thông qua những nguồn đáng tin cậy của chính phủ, thay vì lấy từ các báo cáo không chọn lọc của các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay chuyên gia;
- Loại bỏ những loại thủy sản nuôi (như tôm) khỏi danh sách “có nguy cơ” của IUU
- Cân nhắc những biện pháp đã có sẵn trước khi đề xuất luật mới;
- Đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ phải tuân thủ các cam kết với WTO;
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ xin kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ NN và PTNT và Hiệp hội Thủy sản VASEP như sau:
1/ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam sớm có thư chính thức gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tổ công tác IUU nêu quan ngại của Chính phủ Việt Nam về “danh sách những loài thủy sản có nguy cơ” và những lập luận vô lý của Tổ Công tác IUU của chính phủ Hoa Kỳ.
2/ Hiệp hội VASEP đại diện cho Chính phủ Việt Nam có thư bình luận đối với những thông tin đầu vào và dự thảo nguyên tắc cho việc cân nhắc những loài thủy hải sản nào thuộc diện có nguy cơ bị đánh bắt bất hợp pháp, phi luật lệ và không khai báo; và dự thảo danh sách “những loài có nguy cơ” được xây dựng dựa trên dự thảo nguyên tắc như đã nêu trên.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm tiết kiệm nguồn nước cũng như để duy trì sản xuất trong mùa khô hạn, nhiều nông dân ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhờ đó nhiều diện tích đất trước đây vào mùa khô thường bỏ hoang hoặc cho năng suất cây trồng thấp, nay đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi 642 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại màu, đến nay huyện Tiểu Cần đã chuyển đổi được 141ha đất giồng cát, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 02 vụ màu – 01 vụ lúa, hoặc chuyên sản xuất cây màu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân tại các khu vực này.
Giá nhiều loại lúa, gạo hiện giảm bình quân khoảng 100 - 150 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tuần.
Sau thời gian chịu khó học hỏi và đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới, giờ đây gia đình chị Phạm Thị Liên ở thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã có một cuộc sống đủ đầy, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ trang trại nuôi đà điểu...
Chăn nuôi quy mô nông hộ đang là hình thức phổ biến trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Mô hình này đã giúp cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình ở nông thôn, nhưng cũng phát sinh nhiều mối nguy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...