Mưu Sinh Từ Đồng Vốn Nhỏ Từ Nuôi Ba Ba Giống

Bài học từ những lần thất bại “tối mắt, tối mũi” đã giúp anh Phùng Hoàng Giang (36 tuổi, xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) thành công với nghề nuôi ba ba giống.
Người ta gọi anh với nhiều mỹ từ, như “vua ba ba”, “chuyên gia ba ba”... và Giang nói anh “thấy ngại” về điều đó, vì đơn giản anh chỉ là nông dân. Mà nông dân thì không giấu giếm những gì mình làm được để những nông dân khác cùng làm theo. Thế nên, nhiều năm nay, anh không nhớ hết mình đã mách nước bí quyết nuôi ba ba thành công cho bao nhiêu nông dân khác.
Khởi đầu, sau khi trồng nấm rơm, dành dụm được 1 chỉ rưỡi vàng, Giang nghe lời một người bạn, gom hết tiền mua về 25 con ba ba giống. Nuôi được vài tháng, một nông dân ở Sóc Trăng tới tận nhà mua lại với số tiền gấp 3 lần số vốn bỏ ra ban đầu. Thấy ngon, Giang mua tiếp 100 con ba ba khác về thả ao. Lần này gặp ngay mùa nước lên, ba ba thoát ra đi sạch. Rút kinh nghiệm, Giang tìm mua tôn cũ về dựng rào quanh ao, rồi vét túi mua tiếp 100 con ba ba khác về thả. Một thời gian sau, ba ba bị chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Cụt vốn, anh phải đi hái thuê trái cây kiếm tiền mưu sinh, nuôi vợ con. Làm nghề “hái lượm” được hơn 1 năm nhưng trong lòng Giang lúc nào cũng đau đáu giấc mộng... ba ba.
Một lần đi hái trái cây thuê, nghe ti vi phát sóng gương một nông dân thành công với nghề nuôi ba ba, Giang tìm cách lân la hỏi thăm và phát hiện ra nhu cầu ba ba giống, ba ba thịt rất lớn. Thế là anh quyết định quay lại với con ba ba. Ngặt nỗi, anh không có vốn để mua ba ba thịt, không có kinh nghiệm để nuôi ba ba giống... Chỉ với số tiền “độn lưng” vài trăm ngàn đồng, chiếc xe đạp cà tàng, anh chạy đi khắp nơi tìm nguồn giống ba ba rồi mua, bán lại cho người có nhu cầu nuôi. Kiên nhẫn vừa làm vừa học, dành dụm được ít vốn, Giang lại mua ba ba về nuôi. Lần này với kinh nghiệm thu thập được và sự thận trọng sau nhiều lần thất bại, anh đã thành công. Chẳng những nuôi ba ba thịt phát triển tốt, anh còn cho ba ba đẻ trứng, ấp giống bán ra thị trường.
Anh Giang cho biết ba ba giống hiện có giá 8.000 đồng/con. Tiền đầu tư ao hồ tùy quy mô khoảng 10 triệu đồng nữa. Tiền thức ăn (cá hoặc thức ăn viên) khoảng 20 triệu đồng/1.000 con. Sau khi nuôi khoảng 1 năm có thể thu lời gấp đôi.
Kinh nghiệm nuôi ba ba cần chú ý chế độ ăn phải đủ chất, cho ăn nhiều lần trong ngày. Chú ý quan sát phát hiện những con do tranh giành thức ăn, cắn nhau bị thương để điều trị kịp thời. Định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất để giúp ba ba khỏe, tránh được bệnh tật. Những lúc thời tiết thất thường, ba ba thường giảm ăn nên cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Không chỉ cung cấp giống, Giang kiêm luôn tư vấn miễn phí cho nhiều nông dân khác và họ đều nuôi thành công. Hiện tại, mỗi năm anh cung cấp gần 1 triệu ba ba giống ra thị trường, thu về tiền tỉ.
Có thể bạn quan tâm

Tiền Giang có hơn 550.000 con heo và sản lượng thịt hơi hàng năm cung cấp cho thị trường trên 120.000 tấn. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh trong một thời gian dài, khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thua lỗ nặng, một số hộ không còn khả năng tái đầu tư đành ngậm ngùi “treo chuồng”.

Không phải đến bây giờ, câu chuyện về rau an toàn mới được người tiêu dùng và các ngành chức năng quan tâm. Cách đây cả chục năm, hàng loạt dự án rau an toàn với quy mô lớn nhỏ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng rồi phần nhiều trong số đó đều gặp những vấn đề nan giải từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Từ ngày 29/3 đến 2/4, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu (Phú Yên) phối hợp với Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) lần lượt tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hùm tại các địa phương có nghề nuôi tôm hùm ở thị xã.

Sau khi Báo NTNN đăng tải 2 bài về thương hiệu gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) bị “đánh cắp”, lãnh đạo huyện này cho biết sẽ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp sức bảo vệ thương hiệu này.

Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.