Quảng Ninh Trồng Ngô Cao Sản Trên Vùng Đất Cằn
Với đặc điểm, diện tích canh tác nông nghiệp chủ yếu là đất đồi cằn cỗi, thường xuyên khô hạn, dinh dưỡng của đất thấp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng của nông dân trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).
Để nâng cao năng suất cây trồng, chuyển đổi phần diện tích đất trồng lúa, màu kém hiệu quả của bà con, vụ xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình chuyển đổi trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 với quy mô 10ha tại 3 thôn: Pắc Chi, Pặc Pùng và Bản Ngày (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) với sự tham gia của 50 hộ nông dân.
Để việc trồng ngô của bà con đúng quy trình, phát huy hiệu quả, Trung tâm đã tiến hành tập huấn cho 50 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình về đặc tính của giống, thời vụ trồng, cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại.
Theo đó, các giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 có tỷ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là khả năng chịu hạn tốt, rất thích hợp với điều kiện đồng đất trên địa bàn xã Vô Ngại.
Gia đình anh Đinh Văn Tằng (thôn Pắc Chi) là một trong những hộ được chọn để triển khai mô hình, anh cho biết: Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, mặc dù vụ xuân năm nay thời tiết khá nắng nóng, nhưng hai giống ngô NK4300 và NK6654 vẫn phát triển tốt, bắp to, chống chịu được hạn, do đó không mất nhiều công chăm sóc mà giá trị mang lại cao hơn trồng lúa rất nhiều.
Giống như anh Tằng, nhiều hộ dân tham gia mô hình trên địa bàn xã cũng nhận định 2 giống ngô mới này hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Liêu và có những ưu điểm vượt trội về năng suất, khả năng chịu hạn, hạn chế sâu bệnh hại và chống đổ tốt.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh: Qua hơn 3 tháng trồng thử nghiệm cho thấy, việc trồng giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 không những giúp chủ động được nguồn nước tưới hơn, mà còn giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, còn là nguồn cung cấp nguyên liệu để chế biến thức ăn trong chăn nuôi phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
Mùa vụ vừa qua diện tích trồng ngô thử nghiệm cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, thu nhập trên 47 triệu đồng/ha, cao hơn so với cây lúa là 20 triệu đồng/ha.
Từ kết quả mô hình trên, vừa qua UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm lập Đề án “Chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản” tại 6 địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.
Qua đó, đặt ra mục tiêu chuyển đổi 2.000ha diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng giống ngô NK4300 và NK6654; đồng thời khuyến khích bà con áp dụng mô hình này nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, giúp cho các xã vùng cao sớm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Mấy ngày qua, rất nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Cau (57 tuổi, trú tổ 14, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để chiêm ngưỡng củ khoai lang tím “khổng lồ” và có hình thù kỳ lạ (ảnh), nặng gần 3kg và có hình giống với trái dừa xiêm.
Những năm gần đây, người nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông luôn thắc thỏm lo âu trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông. Ông Nguyễn Văn Thấy (73 tuổi), ngụ tổ 3, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (khu vực hạ du cầu Gò Dầu) là một trong những người nuôi cá bè lâu năm ở đây. Ông Thấy quê ở An Giang, lên Tây Ninh mưu sinh từ 20 năm trước. Lúc mới về đây, gia đình ông hoàn toàn trắng tay, chỉ có chiếc ghe nhỏ cũ vừa là “nhà”, vừa là phương tiện đánh bắt cá kiếm sống.
Cơn lũ bất ngờ đêm 16-11 làm nhiều người dân không kịp trở tay. Chỉ trong phút chốc, nhiều hộ dân ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng - nơi bị thiệt hại nặng nề của trận lũ - phải chịu cảnh trắng tay vì lũ…
Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng người dân đăng đặt đáy rớ, ngư lưới cụ, chướng ngại vật, khai thác thủy sản trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển, luồng tàu, vùng quay trở tàu Cảng Chân Mây lại tái diễn, gây cản trở giao thông đường thủy, làm thiệt hại về kinh tế cho các đơn vị, tàu thuyền đăng ký kinh doanh, hoạt động tại bến cảng này.
Theo UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 10 tháng đạt 7.400 tấn; cả năm ước đạt 9.000 tấn, trong đó: khai thác thuỷ sản ước đạt 3.700 tấn, bằng 100% kế hoạch; nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5.300 tấn, bằng 100% kế hoạch.