Mường Khong Tìm Hướng Thoát Nghèo
Xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) được thành lập tháng 4/2013, cách trung tâm huyện 22km. Đường vào trung tâm xã có 12km đường đất, dốc quanh co, ô tô, xe máy chỉ đi được vào mùa khô. Xã có 9 bản, trong đó 2 bản vùng cao, hạ tầng cơ sở các bản chưa được đầu tư xây dựng. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (56,7%).
Do đó, giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và mong ước của người dân nơi đây. Tuy nhiên, phát triển kinh tế theo hướng nào, cơ cấu cây trồng ra sao đang là bài toán khó, nỗi trăn trở của địa phương.
Ông Lò Văn Tướng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khong, cho biết: Các bản trong xã trước đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Nà Sáy (cũ), do nhiều nguyên nhân nên chưa được đầu tư, hạ tầng cơ sở kém phát triển. Hệ thống trường học, nhà công vụ giáo viên, trạm y tế hiện nay là nhà tạm, nhiều bản chưa có công trình nước sinh hoạt. Xã có 150ha ruộng nhưng đa số chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm do thiếu nước sản xuất.
Bà con 2 bản vùng cao (Huổi Nôm, Hua Sát) do nhận thức còn hạn chế, giao thông khó khăn nên kẻ xấu lợi dụng hoạt động tôn giáo trái phép, trật tự an ninh tiềm ẩn phức tạp. Hai bản: Phiêng Hin, Khong Tử số người mắc nghiện các chất ma túy còn nhiều (28 người). Một số bản nằm cạnh suối Nậm Sát không có cầu, mùa mưa nước lớn gây lũ đi lại khó khăn, sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ…
Những nguyên nhân trên làm ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của Mường Khong, vì thế hiện nay xã còn 344/610 hộ thuộc diện nghèo, 150 hộ cận nghèo, nhiều hộ vẫn sống trong nhà tạm, là một trong những xã có KT – XH kém phát triển nhất của huyện Tuần Giáo.
Tuy nhiên, Mường Khong có thuận lợi là có 6/9 bản đã có điện lưới quốc gia, nguồn lao động dồi dào, nông dân có kinh nghiệm canh tác lúa nước, đã xuất hiện một số mô hình phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ thương mại có hiệu quả. Gia đình chị Lò Thị Ánh, bản Phai Mướng là một trong những hộ đi đầu trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo của xã.
Chia sẻ cách làm của mình, chị Ánh tâm sự: Được vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện kết hợp với vốn tích lũy của gia đình, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò, làm ao nuôi cá, khai hoang canh tác lúa ruộng, làm dịch vụ xay xát. Qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện nay gia đình tôi có thu nhập ổn định 40 - 45 triệu đồng/năm, nhờ đó thoát nghèo.
Hiện nay Mường Khong đã hoàn thành đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong những năm tới sẽ được bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Diện tích đất nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả do đất bạc màu sẽ được Nhà nước đầu tư giống, hỗ trợ một phần kinh phí để nhân dân chuyển đổi sang trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ đóng trên địa bàn huyện.
Cấp ủy, chính quyền xã đã đề xuất kiến nghị với cấp trên, các ngành chức năng tăng cường mở các lớp dạy nghề kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi cho bà con trong xã để sản phẩm của nông dân trở thành hàng hóa, phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Dẫu còn nhiều gian khó, nhưng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành chức năng ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở cho Mường Khong, đồng thời vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, học tập cách làm ăn mới; tin tưởng rằng, trong thời gian không xa Mường Khong từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững.
Có thể bạn quan tâm
“Bò nuôi rẽ” là tên gọi do các gia đình tham gia mô hình đặt. Với mô hình này, người có bò sẽ cho người nghèo, người không có vốn sản xuất nhận nuôi. Sau khi bò mẹ đẻ bò con, người nhận nuôi được các chủ bò chia một nửa tổng giá trị.
Mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi,... Riêng ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nông dân đã chuyển gần 200ha sang trồng quít đường, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.
Gần đây có nông dân đột phá với mô hình trồng ổi xốp Đài Loan cho năng suất và lợi nhuận cao, đó là anh Cao Trung Kiên (người bên trái) - ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.
Diện tích chè này được áp dụng công nghệ chăm sóc, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn GAP, tạo vùng nguyên liệu chè an toàn (khoảng 1.600 - 2.000 tấn chè nguyên liệu/năm, tương đương 400 - 500 tấn chè thành phẩm/năm) đáp ứng nhu cầu khách hàng tại Mỹ và châu Âu.