Muối Trúng Mùa, Được Giá

Thời điểm hiện nay, diêm dân trên địa bàn tỉnh đang vào chính vụ sản xuất muối. Nhờ thời tiết thuận lợi cho sản xuất muối, cộng với giá muối ở mức cao, diêm dân có nguồn thu nhập khá.
Diêm dân vui
Giữa trưa, trong cái nắng chói chang của mùa hè, trên đồng muối thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước) hàng chục diêm dân đang mải miết lao động, người cào, người gánh, người vận chuyển muối lên xe đưa đi tiêu thụ, tất cả đều rất hối hả.
Tuy lao động nặng nhọc, vất vả, nhưng trên khuôn mặt của bà con diêm dân đều ánh lên niềm vui, vì vụ sản xuất này muối vừa được mùa, lại được giá, đầu ra ổn định.
Ông Phạm Cảnh Nhàn, một diêm dân ở thôn Diêm Vân, cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, giá muối lại ổn định ở mức cao nên bà con diêm dân chúng tôi rất phấn khởi.
Với diện tích 3.300 m2 ruộng muối, từ đầu vụ đến nay tôi đã thu hoạch được hơn 50 tấn muối, bán được gần 60 triệu đồng. So với năm ngoái thì giá muối bình quân năm nay tăng gần gấp rưỡi, đầu ra cũng khá thuận lợi.
Đầu vụ giá muối sạch sản xuất trải bạt thương lái mua đến 1.900 đồng/kg; hiện nay đang vào chính vụ, giá muối tuy có giảm nhưng vẫn ở mức 1.300 đồng/kg. Với mức giá này, người làm muối đang có lãi từ 600 - 700 đồng/kg muối sạch.
Vợ chồng anh Trần Văn Hạ, cũng ở thôn Diêm Vân, cho biết thêm: Vụ muối năm ngoái bà con diêm dân ở đây thu nhập chẳng ra sao vì mưa trái vụ xảy ra liên tục và giá muối hạ thấp.
Thế nhưng vụ sản xuất này thì vừa được mùa lại được giá nên người làm muối có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Với diện tích 1.250 m2 ruộng muối, tuy sản xuất trên nền đất nhưng nhờ thời tiết nắng tốt nên từ đầu vụ đến nay tôi đã thu được 30 tấn, tăng hơn 10 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Muối sản xuất trên nền đất tuy chất lượng không bằng muối trải bạt, nhưng thương lái đang mua với giá từ 900 - 1.000 đồng/kg. Vừa rồi, tôi đã xuất bán 30 tấn, thu được trên 30 triệu đồng. Với sản lượng muối tăng cao, giá lại đạt khá nên thu nhập tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Theo UBND xã Phước Thuận, với 13 ha ruộng muối tại đồng muối Diêm Vân, từ đầu vụ đến nay, bà con diêm dân đã thu hoạch gần 900 tấn muối, cao hơn cùng kỳ năm ngoái hơn
400 tấn. Không những được mùa muối, giá muối năm nay cũng ở mức cao, thu hoạch đến đâu thương lái đến ngay tận ruộng để mua hết đến đó.
Còn tại xã Cát Minh (Phù Cát), đến các đồng muối thôn Đức Phổ 1, Đức Phổ 2 vào thời điểm này, đến đâu chúng tôi cũng nghe diêm dân bàn tán rôm rả về chuyện muối được mùa, được giá. Bà Nguyễn Thị Bé, một diêm dân địa phương, cho biết: Với giá muối ổn định ở mức cao như hiện nay và muối được tiêu thụ mạnh, người dân ở địa phương từ già đến trẻ đều đổ xô ra ruộng muối, thậm chí, có nhà còn thuê thêm lao động để cào, gánh muối.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, vụ muối năm nay toàn tỉnh sản xuất 214 ha muối. Từ đầu vụ đến nay, sản lượng muối thu hoạch được 15.321 tấn, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đang vào chính vụ sản xuất muối, giá muối sạch đang giữ ổn định ở mức 1.300 đồng/kg; giá muối sản xuất theo phương pháp truyền thống ở mức
1.000 đồng/kg. Do giá muối ở mức cao nên ở nhiều địa phương, bà con diêm dân đã tranh thủ chuyển những ao, đìa nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, và những ruộng muối bỏ hoang các năm trước sang làm muối. Tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước đã có hàng chục ha ruộng muối bỏ hoang các năm trước được cải tạo để sản xuất muối trở lại.
Sản xuất muối sạch mới bền vững
Ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng Phòng Chế biến Nông lâm sản và ngành nghề nông thôn thuộc Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho rằng: Nguyên nhân làm giá muối năm nay cao và ổn định hơn các năm trước là do nhu cầu sử dụng muối trong chế biến tăng hơn mọi năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị thu mua, chế biến muối gồm Công ty cổ phần Muối và Thương mại miền Trung (Chi nhánh muối Bình Định) và Công ty cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định. Trong 6 tháng đầu năm nay, 2 đơn vị trên đã thu mua được 3.650 tấn muối nguyên liệu của diêm dân để chế biến muối tinh và muối I-ốt cung ứng cho các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo rằng, giá muối có thể sẽ biến động xấu nếu nguồn cung vượt quá cầu. Để tăng cao hiệu quả sản xuất muối, điều quan trọng đối với diêm dân là phải có sự đầu tư vốn, kỹ thuật để thay đổi phương pháp sản xuất từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối sạch.
Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho diêm dân các xã Phước Thuận và Cát Minh xây dựng mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt, nhằm giúp diêm dân có điều kiện nắm bắt các quy trình làm muối sạch để mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp trong việc định hướng giúp diêm dân nâng cao thu nhập trong điều kiện giá muối hàng năm luôn có sự biến động bất thường.
Có thể bạn quan tâm

Heo, gà, vịt, cá tra… kéo nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL rơi vào cảnh lao đao. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, do đó “cứu” ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (Đồng Tháp), toàn huyện có trên 1.200 ha trồng cây có múi, trong đó diện tích bưởi bị sâu đục trái là 52ha (chiếm 40% diện tích), hiện tượng xì mủ do sâu đục trái cũng đã lây lan qua nhiều loại cây có múi khác như: cam sành, chanh, quýt. Trước thực trạng này, nhiều nhà vườn đã áp dụng biện pháp bao trái để phòng trừ và bước đầu đã thành công.

Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua

Thời điểm này ở Quảng Ninh, tại khu vực bãi triều thôn Nam, mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nghêu nhưng đến đây chúng tôi thấy chỉ có lác đác một số hộ thu với số lượng nhỏ để bán lẻ tại các chợ, một số hộ khác đang nhặt ngao chết, nghêu quá lứa để tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt.

Hơn 20 năm trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến, ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè… Và ông đã trở thành tỷ phú được nhiều người biết đến.