Tỷ Phú Từ Hai Bàn Tay Trắng
Về xã Đắk Sắk (Đắk Mil) hỏi ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Thổ Hoàng 3 thì ai cũng biết. Trong câu chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều cuối tháng Chín, ông bộc bạch: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tinh thần lao động và tình yêu thương con người của Bác, đã thôi thúc, hun đúc cho tôi ý chí vươn lên và sau này có điều kiện giúp đỡ mọi người khó khăn hơn mình.
Ông Tạo sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hưng Nguyên (Nghệ An). Ở quê hương đất chật, người đông, năm 1996, ông dắt díu vợ con vào lập nghiệp tại thôn Thổ Hoàng 3, xã Đắk Sắk.
Ông Tạo nhớ lại: "Buổi đầu mới đến lập nghiệp trên quê hương mới chỉ hai bàn tay trắng, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc tôi tưởng chừng như không bám trụ được ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này. Lúc này, trong đầu tôi lại xuất hiện câu nói của Bác Hồ, rằng “gian nan rèn luyện mới thành công”, đã giúp tôi quyết tâm vượt qua thử thách".
Để vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, ông đã mạnh dạn vay vốn của anh em, họ hàng đầu tư sản xuất. Lúc này, Đảng, Nhà nước cũng có chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế hộ như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Bên cạnh đó, để nắm bắt kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ... ông đã xin vào hội nông dân xã sinh hoạt. Trong quá trình sinh hoạt, ông nhận ra sinh sống trên vùng đất ba zan màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng tại sao vẫn cam chịu cuộc sống khó khăn, không vươn lên làm giàu.
Từ đắn đo, suy nghĩ, trăn trở rồi ông đi đến quyết định phải vươn lên làm giàu bằng chính kiến thức và mồ hôi, sức lực của mình.
“Cho đến bây giờ, tôi cũng không lý giải nổi những việc mình làm được trong khoảng thời gian ban đầu đầy gian khó ấy. Lúc đó, gia đình tôi chỉ có tám sào đất, trong đó có 300 cây cà phê, còn lại đất màu. Trên diện tích đất màu này, để nuôi sống gia đình, tôi trồng rau màu và chăn nuôi heo, gà, vịt…
Từ đó, gia đình tôi đã tiết kiệm được một số vốn và đến năm 1999 đã đầu tư mua 11 ha đất. Khi có đất, tôi nghĩ ngay đến khoa học kỹ thuật nên tôi đã xin vào học ở Trường Nông nghiệp Trung ương II tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nhờ khóa học đó, trở về tôi đã áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã học được vào chăm sóc cà phê và phát triển trang trại trồng trọt, chăn nuôi kết hợp theo phương thức "lấy ngắn nuôi dài", trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi để giải quyết những khó khăn bước đầu trong sản xuất", ông Tạo kể lại.
Có thể nói, thành công của ông Tạo hôm nay có sự đóng góp lớn từ “cú hích” khoa học kỹ thuật. Thời gian qua, ông luôn tìm tòi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật được tiếp thu từ cán bộ khuyến nông, hội nông dân vào sản xuất.
Với sự cần cù chịu khó, tính ham học hỏi và ý chí, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, sau 18 năm lập nghiệp trên quê hương mới, đến nay gia đình ông đã có 7.000 cây cà phê mỗi năm thu được từ 22 đến 25 tấn cà phê nhân xô; 3 ha lúa nước hai vụ mỗi năm thu được từ 35 đến 40 tấn thóc; chăn nuôi đàn vịt từ 4.000 đến 5.000 con, mỗi năm xuất ra thị trường từ 8 đến 9 tấn vịt hơi; nuôi một đàn dê 120 con và 7 con hươu...
Ngoài ra, ông còn đầu tư kinh doanh mở một cửa hàng nông cơ, một cơ sở sửa chữa xe máy để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong khu vực... Từ hai bàn tay trắng, đến nay thu nhập của gia đình ông ổn định mỗi năm từ 1 đến 1,2 tỷ đồng sau khi đã trừ mọi khoản chi phí, được Hội Nông dân tỉnh công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền và được hội viên nông dân ở địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Sắk gần 3 năm nay.
Là người đã trải qua bao khó khăn, gian khổ trong cuộc sống nên ông hiểu, người nông dân muốn vươn lên được cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật...
Vì vậy, không chỉ làm giàu cho riêng mình, với trách nhiệm của một Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Sắk, ông luôn chủ động tham mưu và sát cánh với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trong công tác hội và phong trào nông dân.
Bản thân ông luôn trực tiếp xuống các chi hội, tổ hội xây dựng các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng mô hình về trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả rồi nhân rộng trong hội viên nông dân. Đặc biệt là trong các buổi sinh hoạt chi hội nông dân, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông tham gia tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên bà con nông dân tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống về mọi mặt.
Ông Tạo chia sẻ: "Có nhiều hộ, tôi phải đến tận nhà, ra tận rẫy cầm tay chỉ việc cho họ như hướng dẫn kỹ thuật tạo bồn, làm cành, chồi cho cây cà phê; kỹ thuật phòng trừ, phát hiện và điều trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật ghép, tạo giống mới...”
Trong những năm qua, gia đình ông đã giúp đỡ vốn cho trên 200 lượt hộ nông dân mua đất rẫy, tư liệu sản xuất, chăn nuôi, nuôi con ăn học... với số tiền trên một tỷ đồng mà không tính lãi. Được sự giúp đỡ của gia đình ông, nhiều hộ nông dân trong thôn, trong xã đã làm ăn hiệu quả, không chỉ xóa được đói nghèo mà còn vươn lên khá giả.
Ngoài ra, trong những năm qua, gia đình ông còn hiến tặng cho xã Long Sơn (Đắk Mil) 4.000 m2 đất, trị giá 320 triệu đồng để làm đường giao thông và kênh bê tông dẫn nước; chuyển cho xã 9.000 m2 đất để xây dựng trường THCS và trường mẫu giáo của xã.
Đầu mùa mưa năm 2013, gia đình ông ủng hộ cho thôn Đức Hòa 12 triệu đồng để tu sửa đường giao thông nông thôn. Những việc ông làm đã được các cấp, các ngành huyện Đắk Mil cũng như người dân ở địa phương tôn trọng, ghi nhận.
Ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Tỉnh ủy tặng Bằng khen về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nhiều giấy khen của các cấp, các ngành khác.
Ông xứng đáng là tấm gương nông dân vượt khó làm giàu bằng ý chí, tự lực và sự sáng tạo của mình.
Có thể bạn quan tâm
Từng trải qua giai đoạn suýt phá sản vì bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) vẫn đứng vững.
Với quyết tâm làm giàu cùng với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, bác Vũ Văn Sai thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đã xây dựng.
Với những lợi thế chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao, thân thiện với môi trường, qua hơn 10 năm áp dụng, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm.
Với hơn 400ha diện tích ven sông Cửa Lấp, những năm gần đây, huyện Long Điền đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Ông Lê Văn Sấm (Ba Sấm) sinh năm 1958, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) từng thất bại với nghề nuôi tôm, thua lỗ có lúc phải bán đất để trả nợ.