Triển Vọng Kinh Tế Từ Trồng Cây Dược Liệu
Công ty TNHH Bảo Quốc An Khang (TP. Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thí điểm trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh ta.
Từ năm 2003, Công ty đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng dược liệu bền vững sinh học trên diện tích 6 ha tại xã Đắk Sin (Đắk R’lấp). Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và triển khai trồng thí điểm, khảo nghiệm, đến nay nhiều loại cây đã cho kết quả khả quan.
Các loại cây như trinh nữ hoàng cung, vông nem, hoa sứ, hà thủ ô, đinh lăng, cỏ ngọt và những cây dược liệu dây leo… cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, chất đất trên địa bàn.
Các cây trồng trên cho năng suất đạt 6 tấn nguyên liệu khô/ha/năm, giá trung bình 50 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, lợi nhuận thu được 150 triệu đồng/ha. Trong quá trình chăm sóc, Công ty đã sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với vi sinh để bón, chăm sóc cho vườn dược liệu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn dược liệu sạch cung cấp cho bạn hàng xuất khẩu.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục hợp tác với người dân địa phương tạo ra vùng dược liệu lớn có hiệu quả kinh tế cao và ứng dụng, chuyển giao công nghệ nông nghiệp hiện đại để tiết kiệm chi phí cho người trồng và bảo vệ môi trường.
Theo đó, Công ty sẽ liên kết sản xuất với người dân địa phương hình thành vùng dược liệu 100 ha vào năm 2018 và đến năm 2020 tăng lên 300 ha, phát triển giá trị gia tăng cho sản phẩm thu được.
Hiện tại đơn vị đang thực nghiệm cây dược liệu có khả năng trồng xen với cây trồng bản địa như cà phê, cao su hoặc các cây trồng khác nhằm tăng thêm giá trị kinh tế cho nông dân. Về đầu ra, Công ty hiện đã liên kết, cung cấp nguyên liệu từ dược liệu sạch cho Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (Hà Nội).
Ông Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC cho biết: “Trong thời gian qua, doanh nghiệp đã nghiên cứu về điều kiện đất đai, khí hậu ở Tây Nguyên và nhận thấy Đắk Nông có tiềm năng phát triển trồng các cây dược liệu nên đã phối hợp với một số công ty, trong đó có Công ty TNHH Bảo Quốc An Khang liên kết sản xuất.
Bên cạnh những cây trồng trên thì công ty đang phát triển các loại cây họ tràm để sản xuất dầu khuynh diệp. “Đầu ra” của nguyên liệu dùng để sản xuất dược liệu rất thuận lợi. Sản phẩm dược phẩm của công ty bên cạnh cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu nguyên liệu sang các nước trên thế giới”.
Còn Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Thương mại - Dịch vụ và Du lịch Tia Sáng mới đây cũng đã liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất, chế biến lâm sản và Dược liệu sạch Đắk Nông (Đắk Glong) xây dựng một số mô hình trồng cây dược liệu.
Bà Phạm Hương Quê, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Thương mại - Dịch vụ và Du lịch Tia Sáng cho biết: “Hiện tại, Hợp tác xã đang triển khai hơn 1 ha trồng khảo nghiệm các loại cây dược liệu quý, trong đó có khổ sâm, hoàng kỳ, sinh địa và cam thảo.
Các loại cây dược liệu này được chúng tôi trồng từ đầu mùa mưa năm nay và hiện nay đang phát triển rất tốt. Các loại cây dược liệu này chủ yếu khai thác củ để chế biến ra các loại dược liệu có tác dụng bồi bổ cho cơ thể và chữa một số bệnh”.
Được biết, hiện nay Công ty Cổ phần Sản xuất, chế biến lâm sản và Dược liệu sạch Đắk Nông đã triển khai trồng khoảng 30 ha các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, lãnh đạo 2 huyện Vân Canh và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) là 2 đơn vị kết nghĩa tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Huyện Hương Sơn giới thiệu mô hình nuôi hươu sao lấy nhung vốn đã giúp nhiều gia đình ở đây vươn lên thoát nghèo cho Vân Canh.
Các hộ nuôi thủy sản bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều giống mới, có giá trị kinh tế và cho năng suất cao, điển hình như: Mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp và cá chép lai 3 máu. Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng và khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày càng ổn định và bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã cấp miễn phí được 178.619 liều tinh, đạt 50% kế hoạch, trong đó có 10.000 liều tinh lợn Pietrain kháng stress, TTNT cho trên 80.000 lượt con lợn, tỷ lệ đậu thai đạt trên 85%. Năng suất, chất lượng con giống ổn định, số lợn sơ sinh bình quân/ổ từ 10 - 12 con, trọng lượng lợn bình quân sau cai sữa đạt 7,5kg/con. Tỷ lệ TTNT lợn trên địa bàn TP đạt trên 58%.
Trong những năm trở lại đây, mô hình đưa màu xuống chân đất lúa được bà con nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) áp dụng đạt hiệu quả. Bên cạnh cây chủ lực như dưa hấu, đậu xanh, khoai cao, thì cây mè đen cũng là một trong những cây được bà con nông dân trong huyện lựa chọn, vì mè đen là loại màu dễ trồng, ít tốn thuốc, chi phí đầu tư thấp, nhưng thu nhập mang lại tương đối khá và ổn định.
Năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1973) ở ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên (Bình Dương) đã mạnh dạn chuyển một phần đất trên diện tích cao su của gia đình sang trồng dưa leo, khổ qua. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Hùng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.