Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mừng Nhưng Chưa Hết Lo

Mừng Nhưng Chưa Hết Lo
Publish date: Tuesday. October 14th, 2014

“Ngô năm nay được mùa, khi thu hoạch gia đình tôi phấn khởi lắm. Nhưng khi bán, giá ngô hạt xuống thấp, trừ chi phí đầu tư, lãi thu về chẳng đáng là bao, có hộ trong bản chỉ hòa vốn” - Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Mền, bản Pú Ngam, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên khi chúng tôi hỏi về vụ ngô xuân hè 2014. Dường như nghịch lý “được mùa mất giá” tái diễn trong nhiều năm qua đặt người nông dân vào cảnh vừa làm vừa lo!

Vụ xuân hè này, xã Núa Ngam trồng gần 700ha ngô. Người dân chủ yếu gieo trồng giống nhập ngoại NK, giá giống cao hơn so với các giống ngô khác từ 40.000 – 70.000 đồng/kg nhưng năng suất cao. Cùng với thời tiết thuận hòa nên thuận lợi cho cây ngô phát triển, ít dịch hại. Vì vậy, năng suất ngô bình quân toàn xã đạt gần 50tạ/ha, sản lượng hơn 3.000 tấn (tăng khoảng 50 tấn so với vụ xuân hè trước).

Tuy nhiên, niềm vui “trúng mùa” chưa được trọn khi giá ngô giảm, khiến người nông dân “thấp thỏm” không yên. Bởi hầu hết người trồng ngô ở Núa Ngam đều trồng theo hình thức “ăn trước trả sau”, nghĩa là ứng trước vật tư phân bón của tư thương đến khi thu hoạch, bán ngô thì trả nợ. Vì thế nên ngô dù không được giá nhưng nhiều người vẫn phải bán. Hơn nữa, ngô để lâu, bảo quản không tốt dễ bị mọt, mốc, ảnh hưởng đến chất lượng.

Giá ngô năm nay giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg so với vụ trước. Hiện ngô bắp tươi có giá bán bình quân từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, ngô hạt tươi từ 3.700 – 4.000 đồng/kg, còn giá ngô hạt khô dao động từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Ngô rớt giá, nhưng ngược lại chi phí vật tư nông nghiệp lại tăng.

Theo tính toán, trung bình chi phí cho 1.000m2 trồng ngô người dân phải đầu tư hơn 200.000 đồng tiền giống, trên 1 triệu đồng tiền phân bón, 500.000 đồng tiền công làm đất, công thu hoạch dao động từ 600.000 – 900.000 đồng… Như vậy, tổng chi phí đầu tư ban đầu từ 2,5 – 3 triệu đồng. Hầu hết những hộ sau khi bán ngô trừ chi phí chỉ hòa vốn là gia đình không có điều kiện trực tiếp sản xuất, phải thuê lao động trồng, chăm sóc.

Ông Nguyễn Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Để duy trì đầu ra ổn định cho sản phẩm ngô nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung, xã Núa Ngam sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp khác xây dựng nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi. Như vậy sẽ tránh được tình trạng nông dân bị ép giá, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thức ăn cho người chăn nuôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng ở xã Núa Ngam mà tình trạng ngô “được mùa mất giá” diễn ra ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Điện Biên. Ông Đỗ Văn Mười, thôn 10, Yên Cang, xã Sam Mứn cho biết: Vụ xuân hè vừa qua, gia đình tôi trồng 2.000m2 ngô, thu hoạch 1,4 tấn hạt tươi. Ngoài chi phí mua giống, vật tư, tự bỏ công chăm sóc, thu hoạch, nhưng khi bán, trừ chi phí lợi nhuận thu về rất thấp, coi như “lấy công làm lãi”.

Những năm gần đây, ngô là một trong những nguyên liệu chủ yếu sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nguồn cung trong nước không đủ khiến nhiều doanh nghiệp miền xuôi chuyển sang nhập khẩu ngô để đảm bảo hoạt động. Hơn nữa ngô nhập khẩu chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn ngô trong nước. Vì vậy, nhiều thương lái không còn “mặn mà” với việc thu mua ngô ở vùng cao vận chuyển về miền xuôi tiêu thụ như nhiều năm trước.

Cùng với đó là giá cước vận chuyển ngày càng tăng do công tác quản lý xe chở quá tải được siết chặt hơn, thương lái phải hạ giá thu mua ngô để bù vào giá cước. Nếu như trước đây, giá cước vận chuyển trên tuyến đường dài khoảng 500km cho 1 tấn hàng hóa dao động từ 500.000 – 700.000 đồng, thì nay lên tới 1,2 – 1,3 triệu đồng.

Vụ xuân hè 2014, huyện Điện Biên trồng gần 4.000ha ngô, tổng sản lượng khoảng 19.000 tấn. Diện tích tập trung chủ yếu ở các xã: Núa Ngam, Na Tông, Mường Nhà, Nà Tấu, Sam Mứn… Để người dân yên tâm phát triển sản xuất ngô theo hướng hàng hóa, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có những giải pháp về thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho cây ngô nói riêng và nông sản nói chung.


Related news

Mô Hình Nuôi Cua Đồng Trong Ao Đất Và Ruộng Lúa Dễ Nuôi, Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Cua Đồng Trong Ao Đất Và Ruộng Lúa Dễ Nuôi, Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng thương phẩm trong ao đất và ruộng lúa tại huyện Đất Đỏ”, do Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì thực hiện đã xây dựng được một quy trình công nghệ nuôi cua đồng phù hợp với điều kiện của tỉnh, giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có thể áp dụng.

Monday. April 29th, 2013
Toàn Tỉnh Khánh Hòa Khai Thác Hơn 52.000 Tấn Thủy Sản Toàn Tỉnh Khánh Hòa Khai Thác Hơn 52.000 Tấn Thủy Sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ tình hình thời tiết thuận lợi, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ nên nhiều tàu thuyền đã vươn khơi bám biển. Qua đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 52.000 tấn, bằng 61% kế hoạch năm 2013.

Thursday. June 20th, 2013
Chủ Động Ương Cá Tra Giống An Toàn Sinh Học Ở Cai Lậy (Tiền Giang) Chủ Động Ương Cá Tra Giống An Toàn Sinh Học Ở Cai Lậy (Tiền Giang)

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang thí điểm ương cá tra giống theo hướng an toàn sinh học, nhằm cải thiện chất lượng con giống đáp ứng nhu cầu nuôi cá tra xuất khẩu. Toàn huyện có 350 ha ương cá giống, trong đó diện tích ương cá tra giống chiếm khoảng 30%, chủ yếu ở xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc và Tân Hội.

Wednesday. September 26th, 2012
Giá Gà “Lao Dốc”, Người Nuôi Lỗ Nặng Giá Gà “Lao Dốc”, Người Nuôi Lỗ Nặng

Trong 2 tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn...

Thursday. June 20th, 2013
Giống Gà Mới Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Tây Ninh Giống Gà Mới Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Tây Ninh

Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) có nguồn gốc lâu đời tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đây là giống gà quý hiếm, từng là vật tiến vua. Hiện nay, giống gà này đã được nuôi rộng rãi ở các các tỉnh phía Bắc và gần đây là khu vực tỉnh Đồng Nai. Tại Tây Ninh cũng đã xuất hiện một số hộ dân đầu tư và nuôi thử nghiệm giống gà mới này. Tuy bước đầu nuôi thử nghiệm nhưng thực tế đã cho thấy được hiệu quả kinh tế mà giống gà này mang lại.

Monday. April 29th, 2013