Trồng Dừa Xiêm Trên Đất Mặn

Tại các xã Phú Hội, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã phát triển được hơn 20 hécta dừa xiêm lùn. Loại cây này mang lại sức sống mới cho vùng đất nhiễm mặn ven kênh rạch, vốn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Giống dừa xiêm lùn là loại dừa uống nước có ưu điểm phát triển tốt trên đất nhiễm mặn, dễ chăm sóc, thời gian cho trái nhanh, năng suất cao, chất lượng ngon. Hiện có hộ nông dân đã mạnh đầu tư tiền tỷ đắp bờ bao, đào mương, rạch ngăn mặn phát triển vùng chuyên canh cây dừa.
* Dừa xiêm lùn đất mặn
Ông Trần Văn Nhẫn (ngụ tại ấp 2, xã Long Thọ) giới thiệu với chúng tôi về vườn dừa rộng gần hécta đã bắt đầu cho thu hoạch. Bên dưới, ông cho trồng xen canh cây dứa để tăng hiệu quả đất trồng. “Trước đó, tôi đã thử đưa giống dừa này về trồng trên diện tích vườn nhà gần 1 ngàn m2. So với giống dừa cao, dừa xiêm lùn nhanh cho trái, năng suất cao gấp rưỡi, gấp đôi, dễ chăm sóc, xử lý sâu bệnh và nhất là giảm công ở khâu thu hoạch. Tuy nhiên, khi đưa ra trồng ở vùng đất ngập mặn ven sông, tôi vẫn lo vì đất này nhiễm phèn rất nặng, trồng cây gì phát triển cũng èo uột. Được hỗ trợ về giống, tôi mới mạnh dạn mở rộng đầu tư”. Hiện nay, vườn của ông Nhẫn là mô hình điểm được nhiều bà con nông dân tìm đến học tập.
Theo ông Đào Ngọc Long (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội), giống dừa này có thể trụ tốt trên đất ngập mặn, chất lượng trái ngon nên được thị trường chuộng. “Hiện tôi đã trồng được khoảng 8 ngàn m2. Tôi đã tham gia rất nhiều chương trình tập huấn nông nghiệp, tìm hiểu để nắm rõ kỹ thuật trồng giống dừa mới này, chuẩn bị cho việc đầu tư mở rộng. Hiện tôi đang tự ươm giống để nhân rộng diện tích trồng, hướng tới cung cấp giống cho những nông dân khác”.
Ông Năm Niềm, nông dân sản xuất xuất giỏi tại ấp Phú Mỹ 2 (xã Phú Hội), tự hào khoe vườn dừa đang bói quả mùa đầu với các buồng dừa chen chúc trổ bông. Ông Năm tính toán: “Đất vườn hẹp nên tôi chỉ trồng khoảng 70 gốc, trung bình mỗi buồng chỉ cần 15 trái/tháng thì một cây dừa cũng mang lại tiền triệu mỗi năm. Cây dừa lùn dễ theo dõi sâu bệnh, ít tốn công lao động nên từ lúc xuống giống đến nay chỉ mình tôi chăm bón. Mấy năm gần đây, đầu tư trồng cây ăn trái không còn hiệu quả vì mùa vụ bấp bênh, thời tiết thất thường. Tôi rất mừng vì giờ chọn được giống cây mới mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
* Phát triển vùng nguyên liệu
Ông Nguyễn Quang Thơ, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Vinathai (TP. Hồ Chí Minh), chuyên chế biến các sản phẩm từ trái dừa, chia sẻ: “Tôi là người Đồng Nai nên khi đi tìm và xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cho doanh nghiệp, tôi đã giới thiệu cây dừa cho nông dân Nhơn Trạch”. Nhu cầu của thị trường về trái dừa còn rất lớn. Với những thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, vùng nguyên liệu dừa Nhơn Trạch sẽ có lợi thế rất lớn để cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Thơ: “Bản thân tôi cũng đầu tư gần 1 hécta trồng cây dừa xiêm lùn để bà con có thể “mục sở thị” về hiệu quả kinh tế của giống cây trồng này. Hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất dừa giống để cung cấp cho nông dân. Chúng tôi cũng cam kết với bà con sẽ bao tiêu đầu ra cho trái dừa”.
Ông Trần Tiến Nhạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ, cho biết:
“Từ xưa, nhiều nông dân cũng đã trồng cây dừa trên vùng đất mặn này. Nhưng chỉ khi có nông dân mạnh dạn đưa giống dừa xiêm lùn về trồng thì cây dừa mới trở thành mô hình kinh tế hiệu quả cao. Hiện ở Long Thọ đã phát triển được hơn 10 hécta giống dừa xiêm lùn và những vườn dừa này đều tăng trưởng rất tốt, trong đó một số nhà vườn được nhà nước hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng vì xã còn khoảng 60 hécta đất ngập mặn, trồng cây khác không hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Huyện Lâm Thao hiện có 620ha nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 2.600 tấn; trong đó loại hình mặt nước ao hồ nuôi chuyên 520ha, năng suất 4,6 tấn/ha, loại hình 1 lúa, 1 cá 100ha, năng suất đạt 2,1 tấn.

Ngày 28-10, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với huyện Đoan Hùng, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trình diễn: “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả bưởi đặc sản Đoan Hùng”.

Mặc dù kinh tế trang trại (KTTT) ở Quảng Trị trong những năm qua có chuyển biến, song mô hình hình kinh tế này vẫn chậm phát triển, các chỉ tiêu phát triển sản xuất bình quân ở trang trại còn thấp và tăng trưởng chậm qua các năm. Sự chậm phát triển này có nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu các chính sách đầu tư từ phía nhà nước...

Anh nói, đời anh làm gì cũng bằng… một tay, một tay tiên phong trong việc trồng chè và tạo dựng thương hiệu chè xanh trên vùng gò đồi Thượng Nguyên (Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị) với hơn 1 ha chè, mà cứ mỗi sáng thức giấc là “bỏ túi” 500.000 đồng, một tay đưa cuộc sống gia đình vượt lên khó khăn, làm giàu trên đất khó. Anh chính là Nguyễn Văn Thành mà mọi người vẫn trìu mến gọi là Thành “một tay”.