Tỷ Phú Cá Lồng
Ông sinh ra và lớn lên tại vùng biển nghèo khó, thừa cát trắng, thiếu cơm ăn. Nhưng giờ đây, sau bao năm vật lộn với miền gió bụi, cát bay, ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá lồng.
Ngôi nhà 3 tầng khang trang rộng cả trăm mét vuông của ông Nguyễn Hữu Cầu, xóm Sông Hải, xã Thạch Sơn soi bóng dòng sông Nghèn trông thật hoành tráng. Hôm chúng tôi tới thăm, ông Cầu đang chỉ đạo cánh thợ hoàn thiện nốt sàn nhà.
Vẻ mặt đầy mãn nguyện khi ngắm cơ ngơi đồ sộ của mình cũng đủ thấy ông Cầu tự tin đến nhường nào. Khi chúng tôi hỏi bí quyết nào mà ông xây được ngôi nhà trị giá cả tỷ đồng như thế, ông Cầu không ngần ngại chỉ tay về phía bờ sông Nghèn và nói đầy ví von: “Mọi thứ đều bắt nguồn từ dòng sông Nghèn đấy”. Quả thực, câu chuyện làm giàu của ông Cầu đều bắt nguồn từ sông và biển.
Hồn treo cột buồm
Ông Cầu (sinh năm 1963) sinh ra và lớn lên tại cửa sông Nghèn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vị mặn mòi của biển cả đã nuôi nấng ông thành người. Bao đời nay, người dân quê ôngcoi con thuyền và tấm lưới là phương tiện hành nghề kiếm sống. Cũng giống như bao trai làng khác, từ bé đã được bố và anh cho lên thuyền ra khơi câu mực, đánh cá. Sóng gió, nắng chói chang, hiểm nguy là những ký ức tuổi thơ không phai mờ. Ông Cầu bảo, cá tôm nơi trùng khơi nhiều vô kể, nhưng để kiếm được miếng ăn đôi khi những chàng trai biển phải đổi bằng chính mạng sống của mình.
Biết nghề biển nguy hiểm là vậy, nhưng ít người trong thôn dám từ bỏ nó vì không biết kiếm nghề gì để sống. Ông Cầu là người đi biển giỏi giang nhưng không ít lần hút chết vì gió bão. Gian nan hiểm nguy là vậy, ông vẫn phải bám biển mưu sinh. Năm 24 tuổi, ông mới lấy vợ. Bố mẹ cho ở riêng tại ngôi nhà 4 bề thông thốc gió lùa. Hạnh phúc lớn nhất của gia đình ông là mỗi khi thấy ông vác tấm lưới an toàn về nhà. Sau gần chục năm vợ ông đã sinh liền một mạch 4 đứa con, 2 trai, 2 gái.
Cùng tắc biến
Đúng lúc cái nghề câu mực và bắt cá ở cửa sông Nghèn đang làm ăn phát đạt, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định làm con đập chặn ngang sông Nghèn với mục đích “ngọt hóa sông Nghèn”. Công trình này sẽ giúp cho hàng nghìn hécta lúa của huyện Thạch Hà và Can Lộc được tưới nước ngọt. Khi con đập này hoàn thành, bà con nhân dân sống nhờ đồng ruộng vui bao nhiêu, thì những ngư dân sống ở xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn buồn bấy nhiêu, vì nghề đánh bắt cá truyền thống của họ bị xóa. “Ai cũng hoang mang lo lắng, không biết làm gì để sống đây. Cái nghề cha truyền con nối kia, bao đời nay gia đình tôi đã sống nhờ nó. Ai cũng lo lắng, không biết tương lai sẽ trôi về đâu” - ông Cầu nhớ lại. Vốn là trai biển dạn dày sương gió, chiều chiều ông đi thất thểu ngoài bờ sông như người mất hồn vì nhớ thuyền, nhớ bến.
Sau nhiều ngày tha thẩn bên bờ sông Nghèn, ông mới chợt tỉnh, giờ không bắt được cá, tại sao mình không đóng bè nuôi cá như một số vùng đã làm. Đúng năm đó, UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho các hộ dân bị ảnh hưởng do xây đập ở Thạch Sơn chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Một bè cá được hỗ trợ 22 triệu đồng, ông bỏ thêm 20 triệu đồng nữa kết được một cái bè với 4 ô nuôi cá. Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông có thông tin về loài cá chẽm (cá vược) rất phù hợp với vùng nước lợ. Ban đầu, ông mua 1.000 con cá chẽm giống về thả thử. Ông nghĩ, giống cá này khỏe ăn sẽ dễ nuôi, ông cũng chịu khó mày mò, đọc tài liệu viết về giống cá thơm ngon này. Những bỡ ngỡ ban đầu dần qua, cứ mỗi ngày, đàn cá chẽm lớn dần. Đêm đêm nằm trên bè, nghe tiếng cá quẫy ùm ùm như tiếp thêm động lực cho ông.
Lại nói về giống cá chẽm, do chúng chỉ ăn cá con, nên ngày nào ông Cầu cũng phải chi tiền để mua thức ăn cho chúng. Tiền chi ra liên tục, nhiều lúc vợ ông cũng sốt ruột bảo: “Mình xem thế nào chứ, cả làng nỏ ai nuôi. Tại sao ông suốt ngày sống ngoài bè thế?”. Ông Cầu biết, vì sốt ruột lo cho ông nên bà xã mới nói vậy, chứ gia đình ông đã đặt cược cả gia tài vào việc nuôi cá lồng trên cửa sông Nghèn rồi. Cuối năm đó cũng là lúc bè cá cho thu hoạch. Vừa kéo tấm lưới lên khỏi bè, đôi tay ông run run khi bắt từng chú cá chẽm. Ông đặt cá lên cân, con nào cũng trên 1kg. Đến lúc đó ông mới tin là việc đầu tư của ông đã thành công. Giá cá bán được 120.000 đồng/kg. Vụ đó, trừ hết chi phí, vợ chồng ông thu hơn 50 triệu đồng.
Thừa thắng xông lên, năm sau ông làm thêm 6 ô nuôi cá nữa. Tận dụng nguồn thức ăn giá rẻ tại địa phương để nuôi cá chẽm nên ông rất tự tin về kế hoạch mở rộng sản xuất của mình. Tiền lãi từ nuôi cá chẽm, sau mỗi năm cứ tăng dần đều, chẳng mấy chốc nhà ông đã có của ăn của để. Theo ông Cầu, nuôi giống cá chẽm này rất nhàn. Mỗi ngày cho ăn một lần. Ăn xong là chúng lặn sâu dưới đáy lưới, chẳng í ới gì nữa. Duy chỉ có điều, khi đầu tư làm bè phải làm chắc chắn. Ai mà sơ ý làm bè, lưới không cẩn thận là mất cả chì lẫn chài.
Mang nghề về cho cả làng
Nuôi cá chẽm đơn giản, giá lại cao. Hiện tại ông bán tại chợ Thạch Sơn giá 150.000 đồng/kg. Thương lái các nơi đổ về mua, ông Cầu không có đủ cá để bán. Từ thành công của ông Cầu, bà con trong thôn Sông Hải mới mạnh dạn bỏ tiền đầu tư lồng bè nuôi cá. Ông Cầu đã không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm cho bà con. Ông biết rằng, dân quê mình kiếm được miếng ăn là vô cùng khó khăn, trong khi đó, kế hoạch “ngọt hóa sông Nghèn” đã khiến họ mất hết tư liệu sản xuất. Giờ đây ông đã tìm ra nghề mới nên ông nhiệt tình hướng dẫn bà con cách làm bè, chọn giống, chăm sóc cá, thậm chí giúp bà con trong thôn vay vốn để phát triển nghề nuôi cá lồng.
Sau mấy năm vất vả ngược xuôi phụ giúp bà con, đến nay riêng thôn Sông Hải của ông đã có 120 lồng nuôi cá. Tính trung bình, mỗi lồng thu lãi 30-50 triệu đồng/năm. Theo ông Cầu, việc làm lồng nuôi cá chẽm không khó. Thông thường một dàn lồng có kích cỡ 6x6x3m và được thiết kế thành 4 ô để làm thành 4 lồng riêng biệt. Như thế sẽ thuận lợi cho việc thả giống được đồng loạt, đồng thời một lồng không nuôi cá sẽ dành để thay lồng khi xử lý bệnh cá hay xử lý rong bẩn đóng trên lồng. Trước khi thả cá giống vào lồng, cần phải thuần hóa để cá thích nghi với nhiệt độ và nồng độ muối trong lồng.
Theo kinh nghiệm của ông Cầu, cá giống nên phân cỡ theo nhóm và nuôi trong những lồng riêng biệt. Thả cá vào lúc sáng sớm (6-8 giờ) hoặc buổi tối (20-22 giờ) khi nhiệt độ thấp. Mật độ thả cá thường từ 40-50 con/m3. Sau 2-3 tháng, cá đạt trọng lượng 150 - 200g, lúc này giảm mật độ còn 10-20 con/m3. Nên dành một số bè trống, để sử dụng khi cần thiết như chuyển cá giống hay đổi lưới cho lồng nuôi khi bị tắc nước do vi sinh vật bám. Thông qua việc chuyển đổi lồng giúp phân cỡ và điều chỉnh mật độ nuôi.
“Ông Cầu đã mang nghề về làng giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo. Vùng đất “gió bụi, cát bay” này đang thay đổi từng ngày là nhờ vào những con người dám nghĩ, dám làm như ông Cầu” - Ông Nguyễn Hữu Niêm - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp, giá nhiều loại lúa, gạo tại ĐBSCL tăng từ 100 - 200 đồng/kg so với cách nay 2 tuần. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, An Giang…
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 32/CĐ-TW yêu cầu các tỉnh, TP, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất.
Hiện nay, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang vào mùa thu hoạch rộ Hồng quân núi. Nhờ cây hồng quân mà bà con quanh khu vực Núi dài, Núi Két, Núi Cấm có được nguồn thu nhập khá cao và giải quyết được công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động khi vào mùa thu hoạch.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Lâm Thành Thắm, ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã thành công từ việc trồng loại cây có múi với nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Mặc dù đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều nhưng hàng năm số hội viên ND kết nạp mới vẫn tăng. Có được điều này là do các cấp Hội ND trong quận đã nỗ lực xây dựng và triển khai các hoạt động sát sao, thiết thực với lợi ích của hội viên.