Chung Lo Cùng Sầu Riêng Khánh Sơn
Đất không nghèo, nhưng suốt cả một thời gian dài, người dân Khánh Sơn (Khánh Hoà) hằng đau đáu trước câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực? Rồi cây sầu riêng có mặt, mở ra một hướng đi mới cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương. Song, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn hiện vẫn rất gian truân.
Cây trồng mới Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Trần Mạnh Dũng cho biết, trước kia, Khánh Sơn đã từng mày mò với nhiều loại cây trồng. Một thời, những tưởng cây cà-phê, cây hồ tiêu đã là những "chiếc đũa thần" làm thay đổi đời sống đồng bào ở đây. Nhưng, các loại cây trồng nói trên đều không "trụ" được, nhiều hộ nông dân lâm cảnh nợ nần. Tìm hiểu kỹ lưỡng về các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam mua hơn một nghìn cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống sầu riêng Moong Thoong (Thái-lan) mang về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục đích đưa cây sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Hợp với chất đất, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho trái rất lớn, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt tới bảy, tám kg. Không chỉ trái sai, trái lớn mà sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng khác trên cả nước, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ bốn đến năm tháng. Khi sầu riêng Nam Bộ, Tây Nguyên hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu xuất hiện. Điều này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường.
Đến nay, Khánh Sơn đã có hơn 500 ha sầu riêng, sản lượng năm 2013 ước đạt khoảng 1.800 tấn. Đến thăm vườn sầu riêng của gia đình anh Cao Văn Sang ở xã Sơn Bình, ai nấy đều trầm trồ trước những cây sầu riêng giống Moong Thoong đứng ngay hàng thẳng lối, trái treo lúc lỉu. Anh Sang cho biết, mỗi năm thu từ cây sầu riêng khoảng hai tỷ đồng. Quả là một con số đầy ấn tượng trên một vùng đất núi.
Chủ tịch UBND huyện Trần Mạnh Dũng cho biết thêm, huyện Khánh Sơn có chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng mà đi vào đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu Từ năm 2007, huyện tiến hành xây dựng đề án đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm trái sầu riêng Khánh Sơn.
Ngày 6-1-2011, Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm trái sầu riêng Khánh Sơn. Cho đến thời điểm này, sầu riêng Khánh Sơn vẫn là loại nông sản duy nhất của Khánh Hòa được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.
Ngay khi được công nhận, để bảo vệ thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn trên toàn quốc, lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn, cũng như tất cả những hộ sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn bắt tay xây dựng các nhóm giải pháp để ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nghiên cứu tìm biện pháp nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Huyện cũng có hướng tổ chức cho các nhà làm vườn liên kết với nhau để thành lập Hội những người trồng sầu riêng Khánh Sơn nhằm trao đổi kinh nghiệm; hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Khi đã được công nhận thương hiệu sầu riêng, huyện Khánh Sơn tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đầu vào để bảo đảm giống đưa về trồng phải có nguồn gốc cụ thể; hướng dẫn bà con nông dân cách thức chăm sóc sầu riêng; tổ chức quy hoạch, sắp xếp những vùng đất thật phù hợp để trồng sầu riêng đạt năng suất, chất lượng cao, không trồng tràn lan.
Điều đáng mừng là nhiều hộ nông dân đã có ý thức chăm chút kỹ càng nhãn hiệu sầu riêng dán trên sản phẩm của mình. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đang bị lạm dụng một cách vô tội vạ. Thời vụ thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn là vào tháng 7, tháng 8 hằng năm. Vậy mà trên thị trường mới vào tháng 2, tháng 3 đã có người mang sầu riêng từ các địa phương khác về Khánh Hòa bán và ghi là "Sầu riêng Khánh Sơn, cơm vàng, hạt lép". Người tiêu dùng đã bị lừa. Một câu hỏi hiện còn đang bỏ ngỏ là ai xử lý và xử lý như thế nào đối với những hành vi vi phạm trực tiếp đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được pháp luật bảo hộ? Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn tiếp tục bị xâm hại. Và như vậy, việc giữ được thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn sẽ là công việc hết sức khó khăn.
Phát triển bền vững Trái sầu riêng có điểm đặc biệt là khi chín thì rụng xuống.
Hiện nhiều nhà vườn ở Khánh Sơn không chờ sầu riêng chín rụng mà cắt hàng loạt rồi đem nhúng hóa chất ép cho chín.
Phần lớn sầu riêng Khánh Sơn được đưa ra thị trường đều bị ép chín theo cách này. Nếu để tình trạng này kéo dài, nguy cơ mất thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn là trước mắt. Trong kỳ họp HĐND huyện mới đây, cử tri kiến nghị huyện phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Trước mắt, UBND huyện cho tìm hiểu, lấy mẫu thuốc gửi đi xét nghiệm, đồng thời khuyến khích người dân nên để trái sầu riêng chín tự nhiên, không nên sử dụng hóa chất bừa bãi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Đinh Ngọc Bình cho biết, cho đến nay, cơ sở vật chất phục vụ xây dựng, phát triển thương hiệu sầu riêng gần như do người dân tự lo; việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ thương hiệu... còn rất lúng túng. Do vậy, huyện đang nghiên cứu thành lập Hiệp hội những người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, để tập hợp cùng đưa ra những quy tắc nhất định trong việc phát triển thương hiệu. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người trồng sầu riêng về lợi ích của việc bảo vệ thương hiệu, huyện cũng sẽ có biện pháp xử lý thích đáng những hành vi gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện trực tiếp vận động bà con loại bỏ dần những cây sầu riêng kém hiệu quả; trợ cước, trợ giá giống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân... nhằm tạo vùng sản xuất sầu riêng hàng hóa bền vững để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tả Nhìu (Xín Mần), chúng tôi đến thăm mô hình “Vườn ươm cây sa mộc” ở thôn Vai Lũng. Sau một hồi cuốc bộ, leo đồi; trải dài trước mắt chúng tôi là một màu xanh mướt mắt với những cây giống thẳng tắp. Thật ngạc nhiên và đáng khâm phục biết bao ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của những người nông dân “một nắng hai sương” nơi mảnh đất miền Tây này.
Các anh lãnh đạo xã Nà Chì (Xín Mần) bật mí cho tôi biết: Sau hơn 1 năm thành lập Làng nghề làm chè tại thôn Bản Vẽ, cuộc sống đồng bào ở cả 6 thôn lân cận đều như đã thoát nghèo.
Bằng mô hình bền vững và quyết tâm cao, một số hộ nghèo ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo. Nhờ đó, việc xây dựng tiêu chí 11 (hộ nghèo) của xã thuận lợi hơn.
Lô nhãn được doanh nghiệp thu mua trong ngày 21-22/8 tại xã Hàm Tử và Hồng Nam (Hưng Yên), trước khi chuyển vào TP HCM chiếu xạ và xuất khẩu.
Từ một nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên ruộng nương, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay ông Nguyễn Công Khanh đã trở thành một “ông chủ” trại gà khép kín với thu nhập tiền tỷ mỗi năm.