Mùa Cá Trên Hồ
Mùa mưa, hồ Trị An xuất hiện nhiều cá cơm, cá lìm kìm và cá linh. Tại Bến Cá (KP.1, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) luôn có thương lái chờ sẵn để cá đánh bắt về là vận chuyển ngay về các chợ trong và ngoài tỉnh.
Cá cơm tại Bến Cá, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) đánh bắt về được thương lái mua hết.
Bến Cá có khoảng 20 hộ làm nghề đánh bắt cá nước ngọt trên lòng hồ Trị An. Các thuyền đánh bắt cá chia thành 2 tốp, tốp đi từ chiều đến 2-3 giờ sáng hôm sau cập bến để giao cá cho thương lái kịp buổi chợ sớm. Còn tốp đi vào khoảng 1-2 giờ sáng và về bến lúc 9-10 giờ sáng để có cá bán buổi chiều.
* Cá nước ngọt hút hàng
Khoảng 9 giờ sáng một ngày cuối tháng 6-2014, chúng tôi có mặt nơi Bến Cá lúc khoảng 5-6 chiếc thuyền đang cập bến. Thuyền vừa cập bến, các thương lái vội vã xuống thuyền, cùng chủ thuyền đưa cá lên bờ cân và nhanh chóng đóng thùng chở về các chợ. Mùa này, loại cá có nhiều nhất là cá cơm, tiếp đến là cá lìm kìm và cá linh.
Bà Nguyễn Thị Tỏ (khu 1, thị trấn Vĩnh An), cho biết: “Tôi đã lớn tuổi, sức khỏe kém nên chỉ chèo thuyền đánh bắt cá linh trên hồ Trị An. Đầu mùa mưa cá xuất hiện nhiều, nên mỗi đêm tôi đánh được chừng hơn 10 kg cá linh, gấp 3-4 lần ngày thường”.
Theo lời bà Tỏ, ngày nào trời không có mưa to, gió lớn là 2 giờ sáng bà giong thuyền rời bến ra hồ thả lưới bắt cá, đến 9-10 giờ sáng về bán cá và nghỉ ngơi. Mùa này cá nhiều, mỗi đêm bà Tỏ kiếm được hơn 200 ngàn đồng. Do đó, đêm nào bà cũng khấn trời nửa đêm về sáng đừng có mưa dông để bà tranh thủ đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập.
Anh Trần Văn Thảo (KP.1, thị trấn Vĩnh An), kể: “Trước đây chưa vào mùa mưa, tôi chỉ đánh được khoảng 10-15kg cá cơm/đêm.
Còn vào dịp này, có đêm tôi đánh được 80-100 kg cá cơm, trừ chi phí lời 500-600 ngàn đồng/đêm”. Cá cơm hiện được người tiêu dùng ở TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh khá ưa chuộng nên cá đánh về bến bao nhiêu đều được thương lái mua hết.
* Sản vật của hồ
Theo các ngư dân đánh bắt cá trên hồ Trị An, cá cơm, cá lìm kìm, cá linh thường có theo mùa. Thời điểm cá xuất hiện nhiều là vào đầu mùa mưa khi nước trên hồ chưa dâng cao và chỉ kéo dài khoảng 3-4 đợt trong nửa đầu mùa mưa. Vì vậy, những ngư dân đánh bắt cá trên hồ đều tranh thủ dịp cá nhiều, kéo dài thời gian đánh bắt để tăng thêm nguồn thu bù vào những ngày dông, mưa lũ về nhiều không thể đánh bắt.
Anh Nguyễn Thanh Bình (KP.1, thị trấn Vĩnh An), chia sẻ: “Tôi thường đi đánh bắt cá từ chiều và 2-3 giờ sáng hôm sau về bến.
Cá bán thời điểm này thường có giá cao hơn ban ngày từ 2-4 ngàn đồng/kg. Đây là mùa làm ăn nên cũng có đêm tôi bắt được hơn 100kg vừa cá cơm lẫn cá lìm kìm. Năm nay, cá cơm, cá lìm kìm nhiều hơn mọi năm nên bà con ngư dân ai cũng phấn khởi”.
Cá cơm các ngư dân bán tại bến cho thương lái vào lúc sáng sớm khoảng 14-15 ngàn đồng/kg, cá lìm kìm, cá linh khoảng 20 ngàn đồng/kg. Lúc trưa muộn, cá cơm chỉ bán được 10 ngàn đồng/kg và cá lìm kìm, cá linh 15-18 ngàn đồng/kg.
Vì thế, những người có sức khỏe thường chọn đi đánh bắt cá từ buổi chiều để gần sáng có cá bán giá sẽ cao hơn. Các loại cá nước ngọt này chế biến khá đơn giản, có thể đem chiên giòn hay kho với tiêu hoặc nấu với trái cà bát thành món ăn dân dã khá ngon miệng.
Bà Nguyễn Thị Thuận, chủ vựa cá tại Bến Cá kể: “Khoảng 2 năm lại đây, loại cá nước ngọt này được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn, nên cá đánh bắt về đều được thương lái từ các nơi đến mua hết. Tôi là người ứng tiền và mua cá cho nhiều bà con ngư dân ở đây rồi bỏ lại cho các mối ở Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh, mỗi kg cá tôi chỉ lấy lời khoảng 1- 2 ngàn đồng”. Thế nhưng, cá cơm đưa về các chợ ở TP.Biên Hòa lại có giá từ 35-40 ngàn đồng/kg, cá lìm kìm, cá linh khoảng 80-90 ngàn đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Tại cơ sở Nga Sơn (Long Điền, Vũng Tàu), từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến đóng gói đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu ông Hội đã cho ra sản phẩm an toàn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Với trang trại dưa lưới rộng hơn 8.000m2 tại ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM, anh Nguyễn Lê Cẩm Tú đã thu về hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá lồng, vịt trời của ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm
Mới 43 tuổi nhưng nông dân Nhị Văn Xum ở xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) đã nổi lên là “đại gia chân đất” với cơ ngơi hàng trăm tỷ đồng